LTS: Bàn về vấn đề dư luận xung quanh dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Đại tá Nguyễn Huy Viện chia sẻ quan điểm của mình về việc hành động có trách nhiệm của mỗi công dân.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có lẽ từ trước tới nay chưa có một văn bản pháp luật nào được nhân dân quan tâm như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (dưới đây gọi tắt là Luật Đặc khu).
Khi Quốc hội đang bàn thảo để thông qua Luật thì khắp trên mọi miền của đất nước, nhất là trên mạng xã hội, người dân bàn thảo vô cùng sôi nổi mà chủ yếu là bày tỏ băn khoăn, lo lắng cho an ninh, chủ quyền Quốc gia.
Trong đó, có nhiều bài viết có tính nghiên cứu, với trình độ chuyên môn cao, phản biện nghiêm túc, có trách nhiệm.
Phối cảnh thiết kế quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Vtv.vn |
Các Đại biểu Quốc hội, các học giả, chuyên gia và đặc biệt là ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết.
Sáng ngày 9/6/2018, Chương trình Thời sự Chào buổi sáng của VTV1 đã đưa tin về Thông báo của Văn phòng Chính phủ việc Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, cho lùi thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Sáng ngày 11/6/2018, Quốc hội đã bỏ phiếu và đa số ý kiến tán thành lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp sau.
Qua đây cho thấy, từ Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến Quốc hội đều rất cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các từng lớp nhân dân đối việc xây dựng và ban hành Luật Đặc khu.
Vậy nhưng, đã xảy ra biểu tình của người dân ở một số nơi lấy cớ là để phản đối Dự thảo Luật Đặc khu ở 11 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, căng thẳng nhất là ở tỉnh Bình Thuận.
Là người chuyên viết bài phản biện bảo vệ cho lợi ích của người dân, trước hết là quyền dân chủ, nhưng tôi rất sốc khi được xem những hình ảnh một bộ phận người dân Bình Thuận phản đối Dự thảo Luật Đặc khu bằng hình thức bạo động đập phá, đốt cháy công sở, tài sản; ném gạch đá vào công an, gây ách tắc giao thông …
Vẫn biết, người dân quan tâm đến vận nước và việc nước là rất đáng trân trọng và vô cùng quý giá.
Vì đó là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của lòng yêu nước và cũng là nền tảng cho sự hưng thịnh của Quốc gia.
Nhưng trước những hình ảnh mang tính chất bạo động, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ ở Bình Thuận thì đó hoàn toàn không phải là yêu nước mà là những việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào cũng rất đáng bị phê phán và xử lý theo pháp luật.
Những thiệt hại do một bộ phận người dân ở Bình Thuận gây ra không chỉ là hàng chục chiếc ô tô, một vài ngôi nhà công sở bị đốt cháy mà có những thiệt hại để lại hậu quả lâu dài không cân đong đo đếm được.
Những người tụ tập cùng nhiều người hiếu kỳ gây tắc nghẽn giao thông ở Bình Thuận đêm 11/6. Ảnh: PN/Plo.vn |
Cho dù chỉ là một số ít người nhưng rất có thể sẽ để lại ấn tượng không tốt trong con mắt bạn bè quốc tế về văn hoá, nhân cách con người Việt Nam; hình ảnh an ninh chính trị, trật tự xã hội của Việt Nam.
Đó sẽ là những điểm trừ đáng buồn cho lĩnh vực du lịch và môi trường đầu tư của Việt Nam mà trước hết là của tỉnh Bình Thuận - một trong những tỉnh nghèo nhất nước đang rất cần nguồn vốn đầu tư của nước ngoài.
Đó là những người cầm đầu trong việc gây bạo động, đốt phá tài sản nhà nước, tài sản công dân rồi đây sẽ rơi vào vòng lao lý.
Không chỉ có vậy, nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn và lan rộng thì “lòng yêu nước” quá khích sẽ vô tình tiếp tay cho các thế lực ngoại bang có cơ hội can thiệp vào công việc nội bộ và chủ quyền của Việt Nam hoặc ít nhất thì cũng làm cho tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thêm rối ren và để lại những hậu quả khó lường đúng với mong muốn của những thế lực thù địch.
Từ những phân tích trên đây, hoàn toàn khẳng định được rằng với hành động của những người quá khích, mang tính côn đồ hoàn toàn không phải là hành động yêu nước.
Hành động đó không những không giúp ích gì cho dân, cho nước, cho địa phương mà ngược lại đã trở thành những kẻ phá hoại đất nước, làm hại địa phương mình, làm hại gia đình và chính bản thân mình.
Do vậy, trong mọi hoàn cảnh, nhất là những tình huống bức xúc nóng bỏng để hiện lòng yêu nước người dân luôn phải hết sức bình tĩnh, không để cho kẻ xấu lôi kéo, kích động.
Có như vậy lời nói và hành động của mình không trái đạo lý và pháp luật, thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
Qua sự việc người dân biểu tình ở nhiều nơi trong những ngày vừa qua, không chỉ phê phán hành động quá khích của một bộ phận trên đây mà phải chỉ ra trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng ở những địa phương xảy ra biểu tình, nhất là ở Bình Thuận.
Trước hết đó là việc nắm tình hình, tuyên truyền cho nhân dân, nhất là thông báo của Văn phòng Chính phủ về việc Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu.
Sự chậm trễ này góp phần làm nhân dân chất chứa bức xúc, dẫn đến những hành động bột phát, quá khích.
Đồng thời cũng cho thấy những hạn chế, yếu kém về hiệu quả hoạt động; về uy tín, niềm tin đối với các tầng lớp nhân nhân của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ… ở các địa phương xảy ra biểu tình.
Cũng qua sự việc người dân biểu tình ở nhiều địa phương trong những ngày vừa qua, cũng như những sự kiện trước đây, các cấp các ngành cũng nên rút ra những bài học thiết thực, xác đáng:
Thứ nhất: Trong xây dựng luật, nhất là những luật hệ trọng, liên quan đến chủ quyền, an ninh Quốc gia và lợi ích của người dân, ngoài việc các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thấu đáo trong xây dựng dự thảo luật, cần phải tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến rộng rãi, đặc biệt là của các chuyên gia, các nhà khoa học để người dân không chỉ bày tỏ được nguyện vọng mà còn góp phần xây dựng bản dự thảo luật khoa học, chặt chẽ, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân trước khi Quốc hội thông qua.
Thứ hai: Cần phải sớm ban hành Luật Biểu tình coi đây là việc cấp thiết, bởi mấy lý do:
- Trong tất cả các bản Hiến pháp được ban hành từ năm 1946 đến nay đều quy định quyền được tổ chức biểu tình của công dân nhưng đã hơn 70 năm người dân nước ta vẫn chưa được hưởng cái quyền này.
- Nếu có luật biểu tình thì người dân có thể bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ.
Từ đó các cơ quan chức năng có thể điều chỉnh được hành vi của những người quá khích.
Mặt khác, có luật biểu tình những bức xúc của người dân được giải toả kịp thời, không bị tích tụ để dẫn đến tình trạng “giọt nước tràn ly”.
Sự việc ở Bình Thuận vừa qua hoặc ở một số địa phương khác trong mấy năm qua là biểu hiện của tình trạng này.
- Có Luật Biểu tình, tức là có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình hợp pháp, đúng quy định.
Khi đó, các cơ quan chức năng chủ động trong việc xử lý tình hình.
Theo Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền:
“Quyền biểu tình, lập hội của người dân được Hiến pháp quy định từ rất lâu, nhưng nếu không sớm được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể thì người dân rất khó thực hiện quyền đó”. (1)
Thứ ba: Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, phát biểu của quan chức phải hết sức thận trọng.
Nếu phát biểu mang tính cầu thị, tôn trọng và tiếp thu ý kiến của nhân dân thì trạng thái căng thẳng sẽ được hoá giải.
Ngược lại, nếu không có tinh thần cầu thị trước nhân dân, phát biểu theo lối áp đặt thì chẳng khác gì đổ xăng vào lửa, dẫn đến hậu quả khó lường.
Phá hoại không bao giờ có thể là hành động mang tính xây dựng được |
Thứ tư: Để thấy được đầy đủ nguyên nhân dẫn đến người dân biểu tình và có những hành động quá khích ở một số địa phương trong những ngày vừa qua cũng như các sự kiện trước đây, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ các góc độ, khía cạnh để thấy được ngọn nguồn của vấn đề, không nên đổ hết cho kẻ xấu xúi giục.
Có như vậy mới giúp chúng ta có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng hiện tại và phòng ngừa tái diễn lần sau.
Thứ năm: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên nắm quyền cần phải thông qua việc làm và lối sống để củng cố niềm tin của nhân dân với bản thân mình;
Qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và bộ máy Nhà nước để tránh tình trạng nhân dân dân khủng hoảng niềm tin.
Khi nhân dân thực sự có niềm tin thì khó có một thế lực nào lôi kéo, kích động họ quay lưng, đối đầu với Đảng, với chế độ. Còn ngược lại thì hậu quả khôn lường.
Một thực tế hiển nhiên là ngoại trừ lực lượng thù địch, cực đoan không ai muốn đất nước rơi vào hỗn loạn mà ngược lại, tuyệt đại đa số nhân dân luôn luôn mong muốn cho quốc thái, dân an để họ và con cháu họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Để đạt mục tiêu đó, không có cách nào khác là bộ máy Nhà nước cùng hệ thống chính trị cần phải tìm được tiếng nói đồng thuận với nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
(1).http://danviet.vn/tin-tuc/du-an-luat-bieu-tinh-van-vang-bong-chua-ro-bao-gio-trinh-867093.html