Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định những LĐ này sang làm việc ở các Công ty may Vinastar và Garizon Open tại Moscow. Cụ thể, Công ty Vinastar đã tuyển hơn 100 LĐ từ Việt Nam sang, trong đó có 45 người do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 (HICC1) và một công ty ở Thái Bình tuyển dụng, có danh sách đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN).
Các lao động bị lừa sang Nga đến tố cáo tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - Ảnh: Thái Sơn |
Chiều qua 25.9, đại diện Cục QLLĐNN (Bộ LĐ-TB-XH) cũng cho biết trong quá trình điều tra, Cục đã tích cực hợp tác với cơ quan công an, trao đổi các thông tin và cung cấp các tài liệu liên quan đến các hợp đồng thẩm định đi Nga. Trước đó, từ cuối tháng 4, Cục đã có văn bản gửi các DN đề nghị không đăng ký hợp đồng đưa LĐ may đi Nga do thị trường này lộn xộn, phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong tháng 5 vẫn có công ty đưa LĐ đi trái phép.
Đối với các công ty đã đăng ký hợp đồng đưa 45 lao động sang Nga, trong đó phần lớn là của Công ty HICC1, đại diện Cục QLLĐNN cho hay, các công ty này không tuân thủ quy định pháp luật. Khi sang Nga, người LĐ ký hợp đồng khác so với hợp đồng đã ký ở Việt Nam. Ngoài ra, khi xảy ra vụ việc không phối hợp với chủ giải quyết; thậm chí có trường hợp đưa LĐ đi chui. “Rất nhiều LĐ được tuyển dụng nhưng không có tay nghề. Có những người chỉ được làm quen với máy may công nghiệp trước khi đi 1 tháng. Đó chính là lý do vì sao LĐ phải làm việc 14-15 tiếng/ngày. Phía chủ sử dụng LĐ cũng vi phạm vì giữ giấy tờ và giam giữ LĐ trong khu vực xưởng”, vị này nói.
Trong số 148 LĐ đình công, hơn 60 người đã được chuyển xưởng, số còn lại đã hồi hương.
5 lao động cuối cùng về nước
Khi hay tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án, chị Nguyễn Duy Thanh Nhân (trú TP.HCM), người đầu tiên tố giác hành vi lừa đảo, bóc lột sức LĐ của công ty môi giới và chủ sử dụng lao động chia sẻ: “Anh chị em mừng lắm, cuối cùng công lý đã thuộc về lẽ phải. Chúng tôi là những LĐ có hoàn cảnh giống nhau, trước khi sang Nga dù ít hay nhiều đều phải vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là tìm được công việc ổn định có tiền trả nợ, nuôi sống bản thân và gia đình. Về phía cơ quan chức năng, chúng tôi cũng kiến nghị nhanh chóng đưa ra xét xử những kẻ vi phạm pháp luật; đồng thời yêu cầu công ty môi giới phải bồi thường những tổn thất mà người lao động phải chịu trong thời gian đi làm, hoàn trả tiền đặt cọc trước khi đi và bắt chủ sử dụng lao động trả lương ”. Cũng theo chị Nhân, hôm nay 26.9, 5 LĐ cuối cùng sẽ về nước. Đây là những người bị giam giữ trong trại, người thân đã phải bỏ 500 USD/người để “chuộc” về.