Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm |
Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, một trong những nội dung trong đang được cử tri cả nước quan tâm là Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Liệu việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này có phải là mở ra văn hóa từ chức tại Việt Nam?
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh có vai trò rất lớn đối với bộ máy lãnh đạo của Nhà nước nên đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các đại biểu.
Xung quanh những vấn đề trên, phóng viên VOV online có cuộc phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội.
Cử tri mong đợi sự công tâm và khách quan
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đây là lần đầu tiên, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là những lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, cao cấp của Nhà nước.
Đại biểu Lê Như Tiến |
Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này chính là thước đo trách nhiệm cá nhân. Đó là thước đo trách nhiệm cá nhân đối với 49 chức danh và thước đo trách nhiệm cá nhân đối với các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội được nhân dân ủy quyền, tín nhiệm giao trọng trách thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có quyết định bình bầu nhân sự.
Ngoài ra, lần bỏ phiếu tín nhiệm này còn là thước đo đối với đại biểu Quốc hội được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, Quốc hội, cá nhân người được lấy phiếu tín có thể nhận biết được năng lực, uy tín của họ tới đâu.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác, khách quan, công tâm, trước hết, các đại biểu Quốc hội cần tìm hiểu kỹ thông tin người mà mình sẽ lấy bỏ phiếu. Nếu thông tin của người được lấy phiếu tín nhiệm không đầy đủ thì chất lượng, tính khách quan, trung thực của lá phiếu đó sẽ không có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội không chỉ là nghe báo cáo quá trình công tác, thành tích của người được lấy phiếu tín nhiệm mà cần tiếp cận quá trình hoạt động thực tiễn, tìm hiểu qua các kênh phản biện của các tổ chức đoàn thể, xã hội; ý kiến của các chuyên gia, kiến nghị của cử tri ở nơi cư trú, cử tri ở nơi công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Lê Như Tiến hy vọng với tinh thần trách nhiệm và sự suy nghĩ chín chắn của mình, đại biểu Quốc hội sẽ góp phần làm cho công tác lấy phiếu tín nhiệm được minh bạch, khách quan, chính xác và công tâm.
Lá phiếu của đại biểu Quốc hội sẽ quyết định chọn ra được những người có đủ năng lực, trình độ, đạo đức và tâm huyết để gánh vác những công việc trọng đại của đất nước nhằm phục vụ đất nước phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Nếu như trong số 49 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm mà kết quả rất thấp hoặc không còn được tín nhiệm nữa thì Nghị quyết của Quốc hội đã ghi rõ là sẽ bỏ phiếu tín nhiệm ngay, chứ không chờ đến kỳ họp Quốc hội lần sau. Ngoài ra, có một phương án được cho là đổi mới và rất hay là nếu người giữ chức vụ không đạt được số phiếu tín nhiệm hoặc số phiếu tín nhiệm thấp quá thì có thể chủ động xin từ chức. Việc làm này sẽ mở ra văn hóa từ chức ở Việt Nam, giống như văn hóa từ chức ở nhiều nước trên thế giới đã từng thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.
Văn hóa từ chức ở Việt Nam cần phải có thời gian
Đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên-Huế) hoan nghênh việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy lãnh đạo Nhà nước.
Đại biểu Hà Huy Thông cho biết: “Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy cần phải có tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Bởi qua lần bỏ phiếu này, tôi mới có thể đề cập tới ý kiến, kiến nghị và mong muốn của cử tri.
Tại kỳ họp Quốc hội làn này, tôi đặc biệt quan tâm tới Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo Nghị quyết này, nếu người giữ chức vụ có số phiếu tín nhiệm quá thấp thì có phương án đưa ra là, có thể chính người giữ chức vụ xin Quốc hội cho thêm thời gian để chứng minh năng lực lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ để tiếp tục với chức vụ hiện tại. Trường hợp thứ 2 là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có thể nộp đơn xin từ chức.
Việc từ chức là vấn đề hết sức hệ trọng, xuất phát từ người giữ chức vụ. Họ cần phải cân nhắc, xem xét kỹ quá trình công tác của bản thân, ý kiến phản hồi của cử tri, Nghị quyết của Quốc hội đề ra để đi đến quyết định đúng đắn.
Ở nhiều nước trên thế giới đã hình thành văn hóa từ chức đã lâu. Không phải ngẫu nhiên mà họ có được văn hóa từ chức, mà phải trải qua quá trình nhận thức, sự kết tinh dân chủ và khuôn khổ pháp luật cho phép của mỗi nước.
Tôi nghĩ rằng, ở nước ta, văn hóa từ chức cần phải có thời gian thì người dân mới quen và thực hiện được. Đây là sự kết tinh của một quá trình khởi điểm, có kinh nghiệm, thành công, thất bại và được hình thành từ nhận thức, việc làm của người dân.
Việt Nam có những thể chế, thiết chế, pháp luật đặc thù riêng nên không thể nói là lạc hậu so với nhiều nước khác trên thế giới.
Nếu như nhiều nước trên thế giới, việc bỏ phiếu tín nhiệm ở cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, kỳ họp lần này là lần đầu tiên chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm một cách rộng rãi và công khai ở ngay tại Quốc hội. Theo tôi, đây là một bước tiến so với nhiều nước”.
Văn hóa từ chức nên được mở rộng dưới nhiều hình thức khác nhau
Là người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm cho người khác, Đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội) cho rằng, gánh lên vai mình một vinh dự lớn lao nhưng đầy trách nhiệm.
Đại biểu Đào Trọng Thi |
Đại biểu Đào Trọng Thi chia sẻ: Qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, tôi sẽ biết được sự đánh giá, nhận xét của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri đối mình như thế nào để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ có nhìn nhận lại vị trí lãnh đạo của 49 chức danh để có sự đánh giá, phân công công việc phù hợp.
Với tư cách là người cho phiếu tín nhiệm đối với những chức danh khác, tôi nghĩ phải đầu tư công sức, nghiên cứu kỹ về người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để kết quả lấy phiếu tín nhiệm thực sự đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri cả nước là công tâm, khách quan.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là việc làm rất có ý nghĩa để hướng tới mở rộng lấy phiếu tín nhiệm ở tất cả các cấp, đoàn thể, ban, ngành trong hệ thống chính trị.
Nếu trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, có một số đại biểu không đạt được số phiếu tín nhiệm theo quy chế đặt ra thì có thể xin từ chức theo như hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội. Tôi nghĩ việc làm này của người không còn được tín nhiệm nữa sẽ mở ra văn hóa từ chức ở Việt Nam mà lâu nay, nhiều người còn e dè, không bao giờ nghĩ tới.
Ở nhiều nước trên thế giới, văn hóa từ chức được áp dụng không chỉ qua những cuộc bình bầu, lấy phiếu tín nhiệm, mà người cán bộ, lãnh đạo có thể từ chức do gợi ý từ cấp trên hoặc do họ không hoàn thành trách nhiệm, để xảy ra sự cố, gây thiệt hại tới nền kinh tế-xã hội…
Việt Nam có những thể chế, luật pháp đặc thù riêng. Việc đề bạt, thăng chức, cách chức, phê chuẩn từ chức của một cán bộ lãnh đạo nào đó phải trải qua nhiều quy trình. Quan điểm sử dụng và đánh giá cán bộ của chúng ta khác so với nhiều nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong tương lai, Việt Nam nên hình thành văn hóa từ chức không chỉ qua những cuộc lấy phiếu tín nhiệm mà nên mở rộng dưới nhiều hình thức khác nhau./.