Một công trình nghệ thuật đẹp về Mẹ Việt Nam anh hùng

26/04/2015 14:14
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Bảo
(GDVN) - Cảm hứng sáng tạo và ý tưởng nghệ thuật ban đầu của tác giả bắt nguồn từ nguyên mẫu mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Như một biểu tượng nghệ thuật đẹp và lớn nhất về huyền thoại mẹ Việt Nam Anh hùng - một ấn tượng đẹp, một rung động thẩm mỹ thăng hoa chắc chắn không chỉ của riêng tôi khi đứng trước công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng xây dựng tại Quảng Nam, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày miền đất này được Giải phóng.

Quảng Nam “gian lao mà anh dũng” chính là mảnh đất sản sinh ra nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất của Tổ quốc hình chữ S. 

Là một người làm công tác nghiên cứu và phê bình mỹ thuật lâu năm, tôi có may mắn được trực tiếp xem, chiêm ngưỡng nhiều công trình tượng đài tiêu biểu dọc theo chiều dài đất nước.

Còn tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi cũng đã trực tiếp xem tác phẩm và trao đổi nghệ thuật cởi mở với tác giả như một quá trình. Từ phác thảo đầu tiên được Hội đồng nghệ thuật chọn, đến phác thảo thứ 2, rồi thứ 3 được hội đồng góp ý cho tác giả chỉnh sửa, cho đến năm 2011 được xem tác phẩm đổ thạch cao đúng như tác phẩm thật.

Thiết nghĩ, với tác giả, sáng tác và thể hiện công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như một quá trình mười năm có lẻ.

Trước áp lực lớn, thuận chiều và trái chiều của dư luận xã hội, tác giả đã biết tự vượt chính mình để có một tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đẹp và lớn nhất nước như hôm nay.

Một công trình nghệ thuật “để đời”cho chính mình, gắn với tên tuổi tác giả, đem lại niềm vui lớn cho chính mình và “cho cộng đồng” như cách nói của C. Max về sứ mệnh cao cả của nghệ thuật.

Tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ tại tỉnh Quảng Nam. ảnh: Dantri.
Tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ tại tỉnh Quảng Nam. ảnh: Dantri.

Cảm hứng sáng tạo và ý tưởng nghệ thuật ban đầu của tác giả bắt nguồn từ nguyên mẫu mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - có 9 người con trai, một cháu ngoại, một con rể đã hy sinh cho Tổ quốc.

Tác giả đã sống thực sự với mẹ Thứ và các bà mẹ trên đất Quảng với mong muốn tìm được một hình thức nghệ thuật đẹp, khắc họa cho được về tầm vóc, tính cách, tâm hồn mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời đại chúng ta.

Mong muốn, tâm huyết và cuối cùng tác giả đã tri ân được Mẹ Việt Nam Anh hùng một công trình tượng đài đẹp, đạt tính cách tâm hồn Việt.

Hình tượng nghệ thuật trong các công trình tượng đài thường sử dụng 2 loại hình nghệ thuật của điêu khắc: tượng và phù điêu. Mỗi loại hình là một tác phẩm riêng biệt nằm trong một tổng thể chung có tác động và chuyển hóa lẫn nhau.

Còn hình tượng nghệ thuật của công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì tượng mẹ và những người con cùng hòa vào khối cấu trúc lớn có nhịp điệu, tiết tấu theo nhiều cung bậc cảm xúc lúc bổng, lúc trầm, lúc chuyển động, lúc ngưng nghỉ.

Những phần khuyết, lõm vào trong cấu trúc tổng thể gợi ý tưởng cho công chúng cảm nhận đấy là những hy sinh, mất mát đau thương của cả một đất nước qua 2 cuộc kháng chiến.

Những mảng khối đầy ắp, dâng trào lại thể hiện cái uy nghi, hùng tráng, sức sống mãnh liệt của một dân tộc anh hùng.

Tác phẩm có khối tích lớn, như một ngọn đồi, ngọn núi đặt trên thế núi yên ngựa dựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ.

Tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng được đặt ở độ cao nhất 18,6m như dang hai cánh tay lớn ôm trọn những người con, có chiều dài 120m, tương đương kích thước chiều dài của một sân bóng đá.

Toàn khối tượng gắn với hồ nước hình bán nguyệt rộng hơn 1.000 m2, vừa nhân đôi hình ảnh của khối tượng, vừa thể hiện Mẹ là linh hồn của non sông, đất nước. Đây là nét độc đáo về hình thức diễn đạt khác hẳn với những công trình tượng đài khác mà tôi đã thấy.

Một khi dám sử dụng cùng lúc 2 thể loại của điêu khắc: tượng, tượng bán tròn và phù điêu trong một tác phẩm, đòi hỏi tác giả phải có bản lĩnh nghệ thuật mới tìm cho được một hình thức tạo hình đúng và đẹp làm sáng tỏ nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Tác giả đã tìm được một giải pháp xử lý khối mà khối đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc: Tượng mẹ thiên về khối Dương - hiện; phần tượng bán tròn và phù điêu diễn tả những người con thiên về khối âm - ẩn; đòi hỏi cao bản lĩnh về hình - mà hình luôn là 3/4 tác phẩm.

Khối dương - tượng mẹ - hội đủ khả năng tả thực, tả chất, diễn chất nhằm khắc họa cho được chân dung mẹ. Còn khối âm theo hình thức tượng pha với tượng bán tròn và phù điêu, hình ảnh những người con của cả nước được diễn đạt theo ngôn ngữ pha trộn giữa hiện thực và siêu thực. Mẹ và con cùng hóa thân vào đá, vào núi non.

Đây là hình thức diễn đạt hội đủ khả năng tiếp thu các yếu tố tạo hình, kết hợp dung dị giữa tính hiện đại và tính dân tộc. Có sự hoà hợp, giữa hơi thở của các trào lưu nghệ thuật mới, của thời đại. Cụ thể của các ISME: siêu thực, lập thể, ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng - kết hợp hài hòa với nét văn hóa truyền thống dân tộc - dân gian, làm phong phú hình thức tạo hình.

Đặc biệt, hình tượng nghệ thuật mẹ và các con nhất quán trong một khối kích thước lớn như một ngọn núi, đúng hơn như một ngọn đồi hội đủ điều kiện mở rộng và chiếm lĩnh không gian theo chiều ngang.

Tôi liên tưởng đến kiểu thức kiến trúc đình chùa của dân tộc thường chiếm lĩnh không gian theo chiều ngang, khác hẳn với kiểu thức kiến trúc nhà thờ phương Tây thường chiếm lĩnh không gian theo chiều cao. Biết tiếp thu một quan niệm tạo hình truyền thống của dân tộc.

Về tám biểu tượng là 8 trụ huyền thoại mẹ, mỗi trụ cao 11,2m và đường kính  gần 2m- một hình thức tạo hình ít thấy trong các công trình tượng đài của chúng ta với một kiểu thức trụ có tính sáng tạo riêng không giống bất cứ một thức trụ nào.

Nó giống như những thân cây bóc một phần vỏ để lõi cây hiện ra chân dung các mẹ, các bà bủ, các má, các mế… cùng nét văn hoá đặc trưng thuộc mọi vùng miền khắp Bắc - Trung - Nam và Tây nguyên.

Tác giả biết khai thác các motip trang trí tiêu biểu của các dân tộc, làm phong phú hình thức tạo hình của 8 trụ, được đặt ở mặt tiền của công viên tượng đài để dắt dẫn chúng ta đến trung tâm - nơi đặt tác phẩm chính.

Toàn bộ khối tượng chính và 8 trụ Huyền Thoại được chế tác bằng đá Hoa Cương nguyên khối. Có điều đặc biệt là tác giả đã nghiên cứu, tìm tòi giải pháp để tạo nên sắc độ đậm nhạt một cách hợp lý, khai thác hết vẻ đẹp tự nhiên của loại đá Hoa Cương, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao nhất tới thị giác của công chúng.

Đi từ cổng công viên - quảng trường - đường dẫn chính - sân hành lễ - hậu đài - nhà tưởng niệm Mẹ - vườn tượng đá và nhiều khối đá lớn khắc những bài thơ về mẹ, vườn hoa và hàng cây xanh trong khu vườn truyền thống Bắc - Trung - Nam như hình ảnh thu nhỏ của đất nước.

Mái trường lang bao quanh hai vườn truyền thống, sẽ đóng khung và quy vào mảng miếng bố cục cho hai bức tranh về đất nước thu nhỏ này, để cấu trúc cảnh quan tổng thể vẫn đảm bảo cho sự tôn vinh khối tượng Mẹ hùng vĩ.

Đặc biệt là một không gian đặt các bài vị và trưng bày những hiện vật, hình  ảnh và những câu chuyện về những bà Mẹ Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam anh hùng được đặt trong lòng tượng Mẹ với diện tích sử dụng hơn 1.400 m2.

Những hạng mục này sẽ tiếp tục được hoàn thiện dự kiến vào cuối năm 2015. Một không gian của quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hoàn chỉnh, sẽ sớm trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa  hấp dẫn đối với cả cộng đồng.

Theo tôi, công trình tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã tạo được cái riêng, nếu không muốn nói là cái độc đáo làm nên một hình tượng nghệ thuật đẹp, thấy được bản lĩnh nghệ thuật khi xử lý ngôn ngữ tổng hợp trong cùng một tác phẩm. Đồng thời xử lý khối âm và khối dương hài hòa trong tác phẩm.

Chính ngôn ngữ đầy tính gợi tả và ẩn dụ, sẽ mang lại cho công chúng có thể tưởng tượng thêm, khi chiêm ngưỡng tác phẩm ở nhiều chiều khác nhau, với cảm xúc, tình cảm chan chứa đầy ắp và thiêng liêng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Bảo