LTS: Trung thu là dịp các em nhỏ được vui chơi, phá cỗ, cùng nhau xem múa Lân, ngắm chị Hằng, chú Cuội, rước đèn trong đêm trăng sáng…nhưng hiện nay nhiều người đặt câu hỏi phải chăng người lớn đang “cướp” mất Trung thu của con trẻ?
Tác giả, cô giáo Phan Tuyết đã nhìn thấy điều này ở nhiều khía cạnh trong bài viết dưới đây.
Vài năm trở lại đây, Trung thu không còn mang ý nghĩa ngày hội trăng rằm của các em thiếu niên và nhi đồng. Lợi dụng mùa Trung thu để người lớn thực hiện những kế hoạch riêng, nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân mình nhiều hơn.
Trước hết nói về bánh Trung thu, những hộp bánh ngon lại có giá cắt cổ nhưng chúng chỉ được dùng để đi biếu người lớn chứ mấy gia đình dám bỏ ra bạc triệu mua một hộp bánh về cho con ăn?
Trẻ em thường được nhà trường, khu phố, tổ chức phát bánh trung thu, mỗi em nhận được cũng chỉ hơn chục nghìn đồng. Phần quà chủ yếu là vài gói bim bim snack, dăm cái kẹo, vài cái bánh bông lan…
Vài năm trở lại đây, Trung thu không còn mang ý nghĩa ngày hội trăng rằm của các em thiếu niên và nhi đồng (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Nhưng có lẽ rầm rộ nhất là việc thi lồng đèn của các xã phường, trường học từ cấp phường xã, cấp thị và cấp tỉnh…Không bỏ lỡ cơ hội phô trương thanh thế, chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo tới các em thiếu nhi như trong một số bài diễn văn được đọc trong lễ khai mạc.
Từng xã phường đua nhau lên kế hoạch tổ chức đêm hội Trung thu cho các em bằng việc tổ chức hội thi lồng đèn trong toàn địa bàn mình. Đây có thể nói là cuộc thi tốn kém và lãng phí nhất.
Nó không chỉ lấy đi thời gian, công sức của bao người mà số tiền để làm ra một chiếc lồng đèn đem đi thi không phải là ít. Nói là tổ chức cho các em nhưng bọn trẻ cũng chẳng được hưởng lợi nhiều ngoài việc được theo sau lễ diễu hành trong tiếng nhạc dập dìu réo rắt kia.
Cuộc thi chỉ là nơi để người lớn trổ tài phô diễn những năng khiếu sở trường và tiềm lực kinh tế của mình so với bạn.
Cha ông ta thường nói: “Con gà tức nhau tiếng gáy” vì thế, dù kinh phí địa phương còn eo hẹp đến đâu cũng phải gắng cho tươm tất để “đem chuông đi đánh xứ người”.
Sức người, sức của được tận dụng một cách tối đa từ việc vắt óc suy nghĩ lấy đâu nguồn kinh phí để làm, rồi lên ý tưởng sao cho độc đáo không đụng hàng, cách thiết kế sao cho đẹp, hấp dẫn để hút khách, đến việc viết lời bình sao cho kêu, thuyết minh sao cho lưu loát…
Có nơi không đủ điều kiện kinh phí làm nhưng lại muốn “nở mày nở mặt” với địa phương khác, muốn giật giải để hãnh diện mình tài năng nên đã huy động phụ huynh đóng góp tiền để đặt cơ sở chuyên làm lồng đèn bao trọn gói.
Lẽ ra những đứa trẻ phải được hưởng lợi từ ngày hội của mình thì cha mẹ các em đành phải móc hầu bao chi trả. Địa phương nào cũng muốn mình chiến thắng để ghi tên vào “bảng vàng” thành tích nên dù còn nghèo cũng phải mạnh tay đầu tư. Vì lẽ đó, có chiếc lồng đèn đã tốn vài chục triệu đồng không có gì là lạ.
Những chiếc lồng đèn đồ sộ, sặc sỡ đủ màu sắc được nằm chễm chệ trên những chiếc xe con mui trần đi dạo phố trong tiếng nhạc vang lên rập rình làm huyên náo cả phố phường trong đêm lễ hội.
Trẻ em Hà Nội háo hức dạo phố đón Trung Thu(GDVN) - Trong không khí vui nhộn của những ngày Trung thu, trẻ em Hà Nội lại được bố mẹ mua tặng đồ chơi và đi dạo trên những con phố lung linh sắc màu. |
Các ngã đường, trẻ em đổ về để nhìn ngắm nhưng không phải ai cũng có may mắn đó, chỉ là những em ở trung tâm phường, thị xã. Ở vùng quê, có lẽ chỉ thấy được trên truyền hình vào ngày hôm sau.
Sau màn chấm giải, trao giải, những bài diễn văn hào hùng đã được đọc lên ghi nhận sự quan tâm của các cá nhân, các cấp chính quyền để đêm hội trăng rằm cho các em thành công rực rỡ.
Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, những chiếc lồng đèn đáng giá bạc triệu kia cũng chẳng hơn gì những đồ phế thải khác khi bị đặt nằm chỏng chơ trong kho khóa lại.
Có cái may mắn năm sau được địa phương tận dụng sửa sang, tuốt bỏ lớp áo cũ bụi bặm thay vào bộ áo mới để tham gia cuộc diễu hành tiếp theo. Có cái bị “xẻ thịt” cho các cơ sở chuyên làm lồng đèn với giá bèo bọt để vớt vát phần nào chi phí.
Nhiều người cứ xót xa một cuộc thi lễ hội lồng đèn cấp thành phố thì hàng trăm triệu đồng bị mất chỉ trong vài tiếng đồng hồ liệu có nên chăng?
Trung thu của các em đâu có cần phô trương, lãng phí và tổ chức hoành tráng như thế? Nếu chúng ta chịu khó lắng nghe các em nói lên ước vọng của mình trong ngày hội ấy sẽ thấy nó vô cùng giản dị biết nhường nào.