Như đã đưa tin, nhiều người dân ở Quảng Bình đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì đã cầm cố hết tài sản để tham gia vào một đường dây “tín dụng đen”.
Người đứng ra tổ chức đường dây này là bà N.T.T.L. (sinh năm 1985), hiện đang là cán bộ của phòng giao dịch một cửa thuộc Văn phòng UBND-HĐND thị xã Ba Đồn, Quảng Bình.
Bà L. bị tố đã huy động vốn theo hình thức “tín dụng đen” từ rất nhiều người với số tiền lên đến gần 100 tỷ đồng.
Nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất nhà
Không phải là người trực tiếp góp vốn cho bà L., nhưng gia đình ông Nguyễn Văn N. (50 tuổi, trú thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) cũng đang đứng trước nguy cơ mất nhà vì đã cầm cố sổ đỏ cho người thân vay.
Theo lời kể của ông N., đầu tháng 2/2015, anh rể của ông là Nguyễn Thanh M. (56 tuổi, trú phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) hỏi mượn tiền để đầu tư công trình xây dựng nên vợ chồng ông N. đã cho anh rể vay 800 triệu đồng.
Vợ chồng ông N. đã dốc hết tài sản cho anh rể vay để tham gia vào đường dây “tín dụng đen” của bà L. (Ảnh: Thủy Phan) |
Đến tháng 7/2015, anh rể lại hỏi vay tiền, vì tin tưởng nên vợ chồng ông N. lại tiếp tục mang sổ đỏ của gia đình mình đi cầm cố 700 triệu đồng để cho vay.
Tổng cộng, vợ chồng ông N. đã cho anh rể vay 1,5 tỷ đồng mà không hay biết anh mình đã dùng số tiền này tham gia vào đường dây “tín dụng đen” của bà L.
“Anh tôi nói đang kẹt tiền vì chưa thu được tiền từ các công trình nên chúng tôi cứ nghĩ anh vay để đầu tư công trình. Đến khi thông tin về vụ vỡ nợ của bà L. lan truyền thì tôi mới biết anh tôi đầu tư vào “tín dụng đen”.
Vợ chồng tôi chỉ là nông dân, làm cả đời mới tích cóp được từng đó tiền, giờ lại cầm cố luôn cả sổ đỏ nữa, chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả lãi, rồi mất nhà lúc nào không biết”, bà H, (40 tuổi, vợ ông N.) buồn bã nói.
Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng ông N. phải trả lãi cho ngân hàng số tiền 4,2 triệu đồng.
Không chỉ vợ chồng ông N., mà rất nhiều người dân khác nữa cũng đang “điêu đứng” vì đường dây “tín dụng đen” này. Trong số đó, có nhiều người còn là người thân của bà L, nhiều người là bà con họ hàng với nhau.
Đã yêu cầu bà L. viết tường trình
Nhiều người dân ở thị xã Ba Đồn cho biết, cuộc sống gia đình bà N.T.T.L. giàu có tiếng trong vùng với 2 ô tô và nhà cửa khang trang.
Cũng có thể vì thấy bà L. giàu có nên nhiều người đã tin tưởng gửi tiền cho bà L. để được hưởng lãi suất cao.
Hiện bà L. bị thay đổi công việc sang bộ phận tạp vụ để chờ kết quả điều tra (Ảnh: Thủy Phan) |
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Luận, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, cơ quan này đã yêu cầu bà L. viết bản tường trình sự việc.
UBND thị xã Ba Đồn cũng đã trực tiếp chỉ đạo Văn phòng UBND-HĐND có hình thức kiểm tra đối với bà L.
“Để tránh tình hình lộn xộn, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng đảm bảo an ninh trên địa bàn. Đợi khi có kết luận cụ thể từ phía cơ quan công an, chúng tôi mới có biện pháp xử lý”, ông Luận nói.
Theo ông Luận, trong bản tường trình, bà Lý nói rằng bà đã cho một đối tượng khác là bà P.T.N vay với số tiền gốc là 39 tỷ đồng. Nhưng vì chưa thu lại được tiền nên mới không có để trả lại cho các “con nợ”.
Được biết, sau khi vụ việc bị vỡ lở, bà L. đã xin nghỉ phép 10 ngày và bây giờ đã trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, bà L. bị chuyển sang làm ở bộ phận tạp vụ.
“Chúng tôi tạm thời thay đổi công việc của bà L. từ bộ phận tiếp dân của Trung tâm giao dịch một cửa liên thông sang bộ phận tạp vụ. Khi nào có kết luận của cơ quan chức năng thì chúng tôi sẽ đề xuất UBND thị xã có hướng xử lý”, ông Phan Văn Minh, Chánh Văn phòng UBND thị xã Ba Đồn cho biết.
Hiện Công an thị xã Ba Đồn đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Bình để tiếp tục điều tra, làm rõ.