Những điều không phải ai cũng biết về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

27/07/2016 14:29
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Mong muốn về sự ra đời của Nghĩa Trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn phần nào thể hiện sự tri ân của toàn thể nhân dân đối với những người anh hùng của dân tộc.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là địa bàn trọng điểm, là địa phương hiếm hoi của cả nước in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến,..

Vậy nên con số 72 nghĩa trang trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia với hơn 60 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây có lẽ khiến nhiều người không khỏi giật mình xót xa.

Hàng năm cứ đến tháng 7, dòng người lại đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp hương tưởng nhớ. Ảnh: Hoàng Tuấn
Hàng năm cứ đến tháng 7, dòng người lại đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp hương tưởng nhớ. Ảnh: Hoàng Tuấn

Tâm nguyện về một “mái nhà chung”

Không phải ngẫu nhiên mà Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (NTLS Trường Sơn) được chọn là một trong hai nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đặt tại tỉnh Quảng Trị.

Để dành lấy độc lập tự do, rất nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng ngã xuống.

Trước những sự mất mát đó, ngay từ trong những năm tháng chiến sự còn xảy ra, tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn đã đề xuất nên quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Cam Pu Chia lại một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là các gia đình tiện lui tới thăm viếng.

Trước ý kiến đề xuất này, Tổng bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính Trị đã đồng ý để Đoàn 559 được đi khảo sát và chọn địa điểm.

Lúc đó, có 3 ý tưởng được đưa ra cân nhắc: Thứ nhất là chọn một địa điểm trên tuyến đường 20 tại Quảng Bình; phương án thứ hai là Đường 9 khu vực cầu Đầu Mầu (Cam Lộ, Quảng Trị) và phương án thứ ba chọn đồi Bến Tắt (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Tuấn

Ông Hồ Tất Ái - Trưởng ban quản lý NTLS Trường Sơn cho biết: “Vào năm 1959 khi thành lập Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, ban đầu có 500 cán bộ chiến sĩ soi đường lập trạm dẫn vào khu vực Khe Hó gần đồi Bến Tắt.

Năm 1973, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đại bản doanh của bộ đội Trường Sơn cũng về đóng tại khu vực đồi Bến Tắt.

Đây cũng là thượng nguồn của dòng sông Bến Hải, nơi mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chia đất nước ra làm hai miền. Chính vì vậy, Bộ Chính Trị đã quyết định chọn đây làm nơi yên nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ”.

Mong muốn về sự ra đời của NTLS Trường Sơn vào thời điểm đó phần nào thể hiện sự tri ân của toàn thể nhân dân đối với những người anh hùng của dân tộc.

Địa chỉ văn hóa tâm linh

NTLS Trường Sơn hiện nay nằm một bên con đường Trường Sơn huyền thoại, được xây dựng như lâm viên chia ra thành năm khu vực rộng lớn.

Hàng ngày dưới tán cây xanh và trong tiếng chuông trầm lắng, hình ảnh từng dòng người kính cẩn nghiêng mình thắp những nén tâm hương tri ân các anh hùng liệt sĩ càng khiến không gian thêm phần linh thiêng, trang trọng.

“Cây bồ đề thiêng” phủ bóng mát che chở tượng đài tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Tuấn
“Cây bồ đề thiêng” phủ bóng mát che chở tượng đài tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Tuấn

Được khởi công xây dựng từ tháng 2/1975 đến 30/4/1977 thì hoàn thành. Ban đầu NTLS Trường Sơn có diện tích 104ha và là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ.

Hàng năm, đây là địa chỉ đón trên 2 triệu lượt người đến thăm viếng. Bước vào thời gian cao điểm tháng 7, mỗi ngày nghĩa trang phục vụ vài chục đến vài trăm đoàn khách trên khắp cả nước.

Từ lâu, NTLS Trường Sơn cũng được nhiều người biết đến là chốn linh thiêng gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh kỳ bí.

Theo đó, khu vực 1 là trung tâm hành lễ với chính giữa là tượng đài xây theo thế hình chân kiềng nói lên tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia cũng như ba miền Bắc, Trung, Nam.

Ngay sau tượng đài có một cây bồ đề thường gọi là “cây bồ đề thiêng”. Nghĩa trang hoàn thành vào tháng 4/1977 thì cuối năm 1977 tự nhiên có một cây bồ đề không ai trồng nhưng lại mọc lên ở vị trí chính diện phía sau tượng đài.

Cây bồ đề không cần chăm sóc mà vẫn lớn nhanh như thổi, tán cây tỏa rộng che chở cả tượng đài.

Hồ nước nhân tạo quanh năm trong xanh giữa khuôn viên của nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Tuấn
Hồ nước nhân tạo quanh năm trong xanh giữa khuôn viên của nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Tuấn

Ông Hồ Tất Ái cho biết thêm: “Trong diện tích bán kính 10km đổ lại không có một cây bồ đề nào sinh sống.

Vậy nhưng cây bồ đề mọc ở đây theo năm tháng lớn nhanh như thổi, trở thành cây cổ thụ và ôm lấy tượng đài một cách tương xứng giống như một mái nhà che chở giữa nghĩa trang. Điều này khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên”.

Bước vào cổng NTLS Trường Sơn phía bên trái có một hồ nước rộng lớn với cù lao nằm ngay ở giữa. Sự ra đời của hồ nước này cũng là câu chuyện khá kỳ lạ.

Khi xây dựng nghĩa trang này, tướng Đồng Sỹ Nguyên cho đào một hố nhỏ chứa nước để phục vụ xây dựng.

Nhưng ngay giữa ngọn đồi khô cằn, khi mới đào được khoảng 1m thì gặp một mạch nước ngầm phun cao mạnh mẽ.

Tướng Nguyên mới huy động nhân lực, vật lực đào sâu rộng ra thành một hồ nhân tạo, ở giữa lập một cù lao đặt 2 quần tượng anh lái đò qua sông và cô gái làm giao liên đang nằm nghỉ trên võng.

Qua năm tháng, hồ nước bốn mùa trong xanh, đầy ắp chưa bao giờ cạn, tạo nên cảnh quan sinh thái trong lành.

Đến nay, NTLS Trường Sơn đã trở thành điểm đến văn hóa tâm linh của đông đảo người dân gần xa trong cả nước.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG