Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội chiều 21/5 nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn, trong đó có dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng).
Ngay khi con số đội vốn trên được đưa ra tại nghị trường Quốc hội đã không ít đại biểu giật mình. Dự án đội vốn lớn trên cũng được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Như đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) vô cùng xót xa khi nhắc đến dự án “siêu đội vốn” nạo vét sông Sào Khê và ông đã phải thốt lên rằng cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, lại là voi ma mút.
Được biết, dự án nạo vét sông Sào Khê (tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ năm 2001.
Dự án có có tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỉ đồng, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được nâng tổng mức đầu tư lên 2.595 tỉ đồng (tăng gấp 36 lần). Đáng nói, dự án trên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Dự án nạo vét, kè đá hai bên bờ sông Sào Khê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có chiều dài khoảng 14 km. Điểm đầu dự án từ cống Trường Yên tới điểm cuối tại ngã 3 sông Chanh.
Hiện, dự án này vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang như đại công trường, còn bao giờ dự án về đích vẫn chưa biết. Việc thi công dự án này vẫn đang thực hiện rất ì ạch.
Dự án nạo vét sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) đội vốn tới 36 lần từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng. Ảnh: VOV |
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn tài trợ của nước ngoài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005 – 2011 cho thấy còn nhiều sai sót trong khâu thẩm định, phê duyệt dự án; lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình; cũng như đấu thầu và lựa chọn nhà thầu...
Trong giai đoạn này tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ mới chỉ tiến hành xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn lớn. Trong đó có những dự án đội vốn lên tới vài chục lần.
“Từ cổ chí kim đến nay tôi chưa thấy dự án nào đội vốn lớn như vậy, thật khó tin và không thể chấp nhận được”, Giáo sư Vũ Văn Hóa nói. |
Điều đáng nói là trong suốt thời gian dài, doanh nghiệp lĩnh gần 200 tỷ đồng tạm ứng và không đầu tư thực hiện dự án nhưng vẫn tiếp tục được Chủ đầu tư ưu ái tạm ứng thêm 508 tỷ đồng vào Tháng 6/2010.
Như vậy, với việc tỉnh Ninh Bình cho doanh nghiệp ứng trước gần 700 tỷ đồng bằng tiền ngân sách được xem là sự ưu ái doanh nghiệp “không trong sáng” nhằm chiếm dụng vốn của Nhà nước.
Không ít người thẳng thắn cho rằng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thuê doanh nghiệp nạo vét sông hay ném tiền xuống sông mà đội vốn lớn như vậy.
Có ý kiến thì cho rằng, ngân sách có hạn, nhưng đội vốn thì vô hạn. Đây cũng làm một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài sản, vốn Nhà nước nghiêm trọng.
Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng, việc đội vốn cả ngàn tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cần phải làm rõ, không thể vô trách nhiệm với đồng thuế của nhân dân đóng góp. Ảnh: vp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Văn Hóa (nguyên Giám đốc Học viện Tài Chính) bày tỏ sự khó hiểu và vô cùng ngạc nhiên trước sự đội vốn “không tưởng” của dự án nạo vét sông Sào Khê.
Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng: “Việc đội vốn ở một số công trình Nhà nước gần như đã thành lệ, thành quen. Nhưng dự án mà đội vốn từ 72 tỷ đồng lên đến gần 2.600 tỷ thì không thể tưởng tượng được.
Bất cứ công trình nào trước khi thực hiện cũng phải đưa ra khái toán. Từ Khái toán sẽ tính ra công việc phải làm cái gì là chi phí cơ bản, chi phí nhiều, chi phí phát sinh... sau đó sẽ đưa ra dự toán.
Thật không thể hình dung những người làm khái toán và dự toán dự án này như thế nào mà dự toán ban đầu có 72 tỷ đồng mà sau đó đội vốn lên gần 2.600 tỷ đồng thì rất khó hiểu.
Rõ ràng việc khái toán ban đầu như vậy là có vấn đề, không chính xác, điều này có thể do trình độ những người thực hiện khái toán đã không lường trước được, nhưng không loại trừ nguyên nhân do tiêu cực, lợi ích nhóm”.
Ninh Bình: Dùng ngân sách Trung ương rót cho doanh nghiệp Xuân Trường làm vốn! |
Giáo sư Vũ Văn Hóa đặt vấn đề: “Việc phát sinh, đội vốn dự án trên ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Cái này phải làm rõ, bởi tiền ngân sách anh không thể tự do phóng túng, vô trách nhiệm như thế.
Cần phải làm rõ khâu dự toán ban đầu và người quyết định về mặt tài chính dự án này. Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ trả lời dư luận.
Các đại biểu Quốc hội đã nói nhiều về việc đội vốn dự án này rồi. Không biết giải quyết như thế nào thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm làm rõ việc đội vốn này do đâu”.
Đáng nói, dự án này không chỉ đội vốn gấp nhiều lần, mà tỉnh Ninh Bình còn tạm ứng cho Công ty xây dựng Xuân Trường số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng một cách khó hiểu và có dấu hiệu “không trong sáng”.
Bởi về nguyên tắc, khi thực hiện dự án, doanh nghiệp phải bỏ vốn đối ứng và chỉ được lĩnh tạm ứng từng đợt theo khối lượng công việc được nghiệm thu.
Về việc tạm ứng khó hiểu này, Giáo sư Vũ Văn Hóa cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi cũng không thể hiểu sao lại cho doanh nghiệp ứng trước nhiều tỷ đồng ngân sách như vậy. Cần phải làm rõ ai là người ký, người quyết định việc ứng trước này.
Rõ ràng việc sử dụng ngân sách như vậy là quá tùy tiện, ngay cả công trình làm nhà tư nhân cũng không ai ứng trước như vậy. Ngân sách nhà nước không thể sử dụng tùy tiện như thế”.