“Việc có nên làm hay không (xây hầm chui)?, chúng tôi sẽ cân nhắc, quyết định dựa trên sự phát triển của thành phố. Hãy cho chúng tôi quyền quyết định và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với quyết định đó”.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng xung quanh dự án xây hầm chui vượt sông Hàn tại cuộc họp báo ngày 21/12.
Xây hầm chui ngàn tỷ vượt sông Hàn
Những ngày qua, dư luận quan tâm đến dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để xây dựng hầm chui vượt sông Hàn, nối từ đường 3-2 (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) dài hơn 1,3 km.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, việc chọn vị trí nói trên để xây dựng hầm vượt sông là đảm bảo về khoảng cách và yêu cầu quy hoạch của thành phố.
Vị trí được chọn để xây dựng công trình vượt sông Hàn. (Ảnh: An Nguyên) |
Khi có trục giao thông tại đây sẽ giải tỏa một phần ách tắc cho cầu sông Hàn, đồng thời giúp phát triển phần phía Bắc bán đảo Sơn Trà.
Ngoài ra, khi tiến hành di dời ga Đà Nẵng thì phát triển vùng này thành một khu đô thị mới nên trục giao thông nói trên rất quan trọng.
Đà Nẵng phải trở thành Thành phố thông minh, sánh ngang Singapore và Hồng Kông |
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, ban đầu cũng đưa ra nhiều phương án bao gồm cả xây dựng cầu và hầm vượt sông Hàn.
Qua nhiều cuộc họp thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia từ các trường Đại học GTVT, Đại học Xây dựng...
“Thành phố cũng tổ chức cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn với sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn trong và ngoài nước. Trong đó có 7 phương án xây cầu và 2 phương án xây hầm” ông Trung nói.
Tuy nhiên, tất cả phương án đưa ra đều không đạt về mặt thẩm mỹ và giao thông.
“Sau khi phân tích giữa hầm và cầu thì chúng tôi chọn phương án xây hầm chui để nghiên cứu xây dựng” ông Trung nói.
Liên quan đến dự án này, hai cựu lãnh đạo, nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến đã lên tiếng.
Trong đó, ông Minh đã trả lời báo chí cũng như thể hiện quan điểm trên facebook của mình về việc không đồng tình với phương án xầy hầm chui.
Lý do là Đà Nẵng nằm ở vùng thường xuyên có mưa bão, khi đó mực nước sông Hàn sẽ dâng cao, đổ vào dồn vào hầm.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng, thành phố còn nhiều vấn đề cấp bách phải dồn ngân sách để xử lý như: xây dựng bãi đậu xe, xử lý nước thải... Trong khi kinh phí xây hầm chui thì quá lớn.
Ngược lại, các chuyên gia về giao thông cho rằng, xây dựng hầm chui sẽ tạo không gian thông thoáng cho sông Hàn.
Đảm bảo việc hoạt động của các tổ chức du thuyền cũng như phát triển du lịch trên sông.
“Hãy cho chúng tôi được quyền quyết định”
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, về dự án này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình cũng như phản đối.
Đà Nẵng khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân với nhiều điều đầu tiên |
“Có ý kiến nói chúng ta vội vã, gấp gáp, không nên làm. Tuy nhiên, tôi khẳng định dự án này được chuẩn bị rất kỹ.
Dự án có chủ trương từ tháng 10-2015, qua ba phiên họp của thường vụ thành ủy đều nghe phương án báo cáo về dự án”.
Ông Xuân Anh thông tin thêm, trong các phiên họp này thì đa số ý kiến thống nhất phương án là xây dựng hầm chui. Nên nói chính quyền vội vã là không chính xác.
Còn ý kiến có nên làm hầm chui cả ngàn tỷ lúc này hay không?
ông Xuân Anh nói tiếp, việc xây dựng hay không thì chúng tôi sẽ cân nhắc dựa trên sự phát triển của thành phố và tầm nhìn trong những năm tới.
“Hãy cho chúng tôi được quyền quyết định và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với quyết định của mình”
Ông Xuân Anh nói: “Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bất chấp dư luận nhưng cũng không thể chạy theo dư luận”.
Cũng theo Bí thư Đà Nẵng, muốn bắt tay vào xây dựng công trình này cũng tốn nhiều thời gian nữa, ít nhất đến năm 2018 mới có thể khởi công.
Sau đó, thêm 5-6 năm sau thì mới hoàn thiện đi vào sử dụng.
Với tốc độ tăng nhanh của lưu lượng xe cộ trên địa bàn thành phố thì có công trình này mới giải tỏa được ách tắc giao thông.
Ông Huỳnh Đức Thơ phân tích thêm, hiện trên sông Hàn cần thêm một công trình vượt sông để đáp ứng sự tăng trưởng nóng của khách du lịch.
Theo đó, các quận ở bờ đông như: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đang phát triển rầm rộ các cao ốc, khách sạn cao tầng.
Do đó, cần phải có thêm công trình để kết nối giữa hai bên bờ Đông và Tây sông Hàn, giảm tải giao thông cho các cây cầu dẫn vào trung tâm.
Cũng theo ông Thơ, việc xây dựng hầm chui qua sông Hàn không quá phức tạp và tốn kém như Hầm Thủ Thiêm ở TP.HCM.
Nguyên do là mực nước sông Hàn cạn, nền địa chất tốt (chủ yếu là cát) nên quá trình thi công và duy tu, bảo dưỡng dễ dàng hơn.