Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, đối với công tác kê khai tài sản, do chưa làm triệt để nên mới trở thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Thưa ông, thời gian gần đây xuất hiện nhiều luồng thông tin không chính thống đề cập tới tài sản của một số lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước. Với hơn 30 triệu người sử dụng các mạng xã hội thì những thông tin không được kiểm chứng ấy đang lan đi rất nhanh. Theo ông, biện pháp tốt nhất hiện nay để đối phó với tình trạng này là gì?
Ông Vũ Quốc Hùng: Gần tới các kỳ đại hội, các kỳ bầu cử, các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là người lớn tuổi) quan tâm tới những vị trí nhân sự trong Đảng, trong chính quyền thì đó là chuyện hết sức bình thường, thậm chí còn phải vui mừng là đằng khác. Nếu người dân thờ ơ thì đó lại là điều đáng lo. Lợi dụng tình hình này, nhiều thế lực xấu đã tung tin về các khối tài sản lớn của cán bộ, hay mối quan hệ ngoài luồng.
Theo tôi, để tránh tin đồn thất thiệt xuất phát từ động cơ cá nhân, làm rối loạn nội bộ các tổ chức Đảng và các tổ chức chính quyền thì giải pháp thiết thực nhất là phải công khai minh bạch tất cả mọi thông tin về lai lịch và tài sản của cán bộ để nhân dân biết.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói là phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vậy thì trước hết phải thông tin công khai cho dân biết cán bộ đã kê khai những gì về bản thân, trình độ học vấn thế nào, tài sản cá nhân bao nhiêu… Dân phải biết cán bộ kê khai thế nào thì mới giám sát được.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay chúng ta kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, bởi chưa có kiểm tra và công bố cho dân biết. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Vì các cơ quan có thẩm quyền chưa làm một cách nghiêm túc, chặt chẽ cho nên mới xảy ra chuyện kẻ xấu lợi dụng để tung tin thất thiệt trên mạng internet. Trong thực tế, người dân đã nhìn thấy cán bộ đương chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… một số thì kín đáo hơn, nhưng khi hưu là thấy có nhà nọ, xe kia. Có lần đồng chí KSor Phước cũng đã nói thẳng chuyện này ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo tôi, điều quan trọng là phải có một tổ chức thực hiện công tác kiểm tra các bản kê khai, đảm bảo được sự độc lập thì mới có thể kết luận khách quan về tài sản kê khai của cán bộ. Người kiểm tra phải xác nhận rõ ràng và ký tên vào đấy, phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh. Đối với những trường hợp khai gian dối phải cách chức ngay, đồng thời tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý các bước tiếp theo. Đối với cán bộ làm công kiểm tra nếu phát hiện bao che cho sai phạm thì cũng phải kỷ luật thật nghiêm khắc.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán việc tăng cường và chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh chóng, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội.
Vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói rất thắng thắn là phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường kiểm tra thanh tra chế độ công chức công vụ. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu và cán bộ công chức viên chức. Thực hiện đúng quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. Tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Thưa ông, trong những năm qua, báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ luôn nói rằng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Vậy không biết đến bao giờ phòng chống tham nhũng mới có được kết quả như chúng ta mong đợi?. Theo ông thì vì sao chưa đạt yêu cầu?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều nhận định công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tôi nghĩ rằng, hiện chúng ta chưa có đủ các giải pháp để người ta “không dám, không thể, không muốn”.
Để người ta "không dám" thì luật pháp phải thật chặt chẽ, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải công tâm (quân pháp bất vị thân), bất kỳ trường hợp nào vi phạm cũng phải xử lý nghiêm minh.
Để người ta "không thể" thì các cơ chế, quy chế chặt chẽ khiến những người có ý đồ tham nhũng cũng không thể lợi dụng.
Để người ta "không muốn" thì pháp luật phải quy định những hình phạt thật nặng cho tội tham nhũng, tham ô, hối lộ… như vậy, người nào có ý định lợi dụng địa vị của mình cũng phải e ngại vì họ có thể mất tất cả (danh dự, tài sản) khi bị phát hiện.
Có một điều rất đáng buồn là 3 năm qua Tổ chức minh bạch thế giới chỉ xếp Việt Nam đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng các quốc gia có chỉ số minh bạch, do tham nhũng ở khu vực công còn nhiều. Như vậy rõ ràng "công khai" và "minh bạch" dường như vẫn còn mơ ước khá xa vời với người dân, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Dân chủ, công khai, minh bạch mọi hoạt động của cơ quan nhà nước như lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã nói chính là biện pháp tốt nhất, nhưng mới nói thôi chứ chưa thực sự làm được như vậy.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát phải thường xuyên, định kỳ và khi cần thì kiểm tra đột xuất. Đề ra quy định mà không kiểm tra, thanh tra ráo riết thì quy định chẳng có nghĩa lý gì.
Vì vậy công tác kiểm tra phải làm thật nghiêm túc, kết quả thế nào cũng phải công báo cho toàn dân biết một cách nhanh nhất, chứ không phải đợi tới khi có nhiều người thắc mắc quá thì mới đưa ra.
Mặt khác, khi xử lý cán bộ chúng ta phải học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phê bình phải có văn hóa, mang tính xây dựng chứ không lợi dụng để bới móc. Nếu có đấu tranh thì là với cái xấu trong đồng chí đó chứ không phải là nhằm thẳng và con người đồng chí. Chẳng may đồng chí mình vướng vào sai phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn về mặt con người vẫn cần được đối xử nhân nghĩa, không nên vì ý nghĩ chủ quan cá nhân mà xúc xiểm.