"Ông lớn" đầu tư ngoài ngành, hàng trăm tỷ đồng "bay hơi"

17/03/2018 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Bùi Kiến Thành: “Phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước vì những hậu quả đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ".

Hàng loạt "ông lớn" mắc kẹt

Kiểm toán nhà nước vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo đó, Kiểm toán nhà nước nêu rõ công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỉ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.

Hầu hết Sabeco đầu tư ngoài ngành vào 10 công ty gây thua lỗ chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính.

"Ông lớn" đầu tư ngoài ngành, hàng trăm tỷ đồng "bay hơi" ảnh 1Xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước

Không chỉ Sabeco mà hàng loạt “ông lớn” khác cũng mắc kẹt thoái vốn đầu tư ngoài ngành hoặc có rút được vốn cũng bị lỗ nặng.

Và câu chuyện doanh nghiệp Nhà nước đầu tư lớn, thu hồi nhỏ đang trở thành gánh nặng cho ngân sách cũng như việc giải quyết hậu quả gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.

Một “ông lớn” cũng dính chuyện đầu tư ngoài ngành thua lỗ có thể chỉ ra là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 1/9/2016, Petrolimex đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định: Tăng vốn đầu tư vào PGBank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp).

Việc tăng vốn đầu tư này đã vi phạm Luật Tín dụng vì pháp luật chỉ cho phép đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng chiếm tối đa 20% vốn điều lệ của ngân hàng đó.

Cuối năm 2017, Thanh tra Chính phủ kết luận về Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng để xảy ra thất thoát hàng trăm tỷ đồng do đầu tư ngoài ngành. 

Sabeco đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ và chưa nộp ngân sách số tiền 2.400 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Phương
Sabeco đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ và chưa nộp ngân sách số tiền 2.400 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Phương

Một trường hợp khác là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hancorp) thuộc Bộ Xây Dựng. Cuối tháng 12/2016, Bộ Tài Chính đề nghị xử lý hàng loạt các vấn đề xảy ra tại doanh nghiệp này.

Văn bản của Bộ Tài Chính nêu rõ, về đầu tư ra doanh nghiệp bên ngoài, hết tháng 12/2016, tổng giá trị đầu tư ngoài ngành đạt 1.280 tỷ đồng, trong đó có 6 công ty con, 20 công ty liên kết, 14 công ty khác (theo kiểu đầu tư dài hạn)... trong đó nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản lớn tại Hà Nội.

Đặc biệt, Bộ Tài Chính nhấn mạnh, đầu tư ngoài ngành của Hancorp không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp, vốn tập trung chủ yếu tại công ty liên kết khác mà Hancorp không có quyền chi phối, rủi ro mất vốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: “Doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước đem hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài lĩnh vực cốt lõi là rất mạo hiểm.

Anh mang tiền ngân sách đi đầu tư không đúng ngành, không đúng chức năng, không đúng chuyên ngành, thậm chí thiếu hiểu biết, năng lực hạn chế về lĩnh vực đầu tư nên thua lỗ là khó tránh.  

Đấy là còn chưa kể họ có thể vẽ ra các dự án để mang tiền đi đầu tư, trong khi đó hoàn toàn không nghiên cứu tính khả thi của dự án như thế nào.

Họ xin cho được dự án với mục đích kinh doanh mang về lợi nhuận chưa thấy đâu nhưng đã tìm cách móc túi, bỏ túi. Còn dự án thành công, thất bại ra sao cũng không quan tâm”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành thua lỗ nặng là tiêu cực và có dấu hiệu "vẽ" dự án nhằm trục lợi. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành thua lỗ nặng là tiêu cực và có dấu hiệu "vẽ" dự án nhằm trục lợi. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Về nguyên nhân dẫn đến việc các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Rõ ràng cơ chế kiểm soát nguồn vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước vừa qua có vấn đề. Đặc biệt vấn đề quản lý tài chính khi để các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước lao vào các lĩnh vực không biết làm một cách vô tội vạ, tràn lan dẫn đến thua lỗ gây thiệt hại cho ngân sách.

Trong khi đó, một doanh nghiệp tư nhân lại hoàn toàn khác, họ bỏ ra một đồng phải tính toán, hạch toán rất kỹ.

Doanh nghiệp tư nhân có ý định đầu tư vào ngành, lĩnh vực nào, câu hỏi đặt ra là đó có phải là thế mạnh của doanh nghiệp hay không, tổng quan thị trường, thị phần nhắm tới là như thế nào.

Trước khi đầu tư họ phải cân nhắc, phân tích rất kỹ, trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước lại không làm việc này hoặc có cũng qua loa.

"Ông lớn" đầu tư ngoài ngành, hàng trăm tỷ đồng "bay hơi" ảnh 4Ông Cao Sỹ Kiêm: "Thiệt hại hàng nghìn tỷ là vì chưa làm đã tham nhũng"

Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước bày ra những dự án lớn, không phải mục đích kinh doanh mà vì tiêu cực, làm lợi cho cá nhân. Hậu quả đến bây giờ vẫn còn nhiều dự án đang đắp chiếu, chết lâm sàng”.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước vì những hậu quả đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, sản phẩm bán ra không được như đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ…".

Tăng trưởng nóng vội gây hậu quả nặng nề

Đồng quan điểm, Chuyên gia chính sách công - Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (Học viện Chính sách và Phát triển) chỉ ra: “Có thời gian hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước mang tiền đi đầu tư ngoài ngành. Việc đầu tư ngoài ngành này có thể xuất phát từ việc muốn tăng trưởng nóng trong khối doanh nghiệp Nhà nước. 

Tư duy để các doanh nghiệp, tập đoàn bung ra đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp có lợi nhuận khủng là sai lầm và có vấn đề. Việc đầu tư vội vàng đó đã lĩnh hậu quả nặng nề như vụ Vinashin. Tập đoàn này không chỉ sử dụng vốn của chính Vinashin mà còn sử dụng vốn Nhà nước, vốn đi vay nước ngoài.

Kết quả của việc đầu tư tràn lan, đầu tư ngoài ngành khi bong bóng bất động sản, bong bóng tài chính vỡ đã làm thất thoát nguồn vốn Nhà nước.

Đến nay hậu quả của việc đầu tư ngoài ngành của không ít doanh nghiệp Nhà nước để lại hậu quả thiệt hại rất lớn, gây thất thoát cho ngân sách những khoản không nhỏ và khó xử lý”.

Về việc Sabeco đầu tư ngoài ngành làm thua lỗ hơn 400 tỷ đồng, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ chỉ rõ: “Sabeco còn có khoản thu chính bù vào khoản đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ, chứ nếu các doanh nghiệp mà ngành kinh doanh chính không mang lại lợi nhuận thì còn gây thất thoát lớn hơn nhiều”.

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nhận định: “Lợi dụng vào việc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng thì những cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này đã cố ý làm trái quy định Nhà nước nhằm trục lợi cá nhân.

Điều này cũng cho thấy sự yếu kém về quản lý con người, công tác cán bộ tại các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước. Rõ ràng việc đầu tư ngoài ngành ở đây là sai, bởi vậy phải quy trách nhiệm cá nhân, cùng với đó là hướng tới việc khắc phục hậu quả, cũng như quản lý nguồn vốn nhà nước như thế nào trong thời gian tới là việc cần bàn”.

Vũ Phương