Ngày 17/1, Thanh tra Chính phủ ra thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30/6/2015.
Theo kết luận thanh tra, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật…
Hậu quả là một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.
Ngoài ra, còn phát hiện việc đầu tư ngoài ngành gây thô lỗ, không có cơ hội để thu hồi vốn.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo kết luận thanh tra, tổng số tiền và đất đai qua thanh tra phát hiện cần xử lý là hơn 14.882 tỉ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà đất.
Sau khi thông tin được công bố, nhiều người đặt câu hỏi tại sao một tập đoàn chỉ khai thác than và khoáng sản nhưng lại để thua lỗ, thất thoát vốn của nhà nước nhiều đến thế?
Vì sao, Tập đoàn Than – Khoáng sản lại có nhiều dự án thua lỗ đến vậy nhưng trong thời gian dài không kiểm soát được?
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ảnh Ngọc Quang). |
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Nguyên nhân Tập đoàn Than – Khoáng sản để lỗ nhiều là do trình độ quản lý kém và công nghệ lạc hậu.
Trình độ làm ăn của ngành Than với bên ngoài kể cả trình độ liên doanh liên kết luôn bị đối tác lợi dụng, chèn ép.
Chưa biết, có vì lợi ích cục bộ của mỗi cá nhân, đơn vị hay không nhưng khi đàm phán luôn bị thiệt hại. Ngành than không thay đổi sẽ khó phát triển, hoặc thụt lùi”.
Để kiểm soát việc đầu tư sai lầm, thiếu hiệu quả nhưng vẫn vác tiền đi đầu tư ông Cao Sỹ Kiêm góp ý:
“Việc xảy ra sai lầm trong đầu tư xuất phát từ đường hướng chung, cả quy hoạch, kế hoạch của các Bộ chức năng.
Bản thân ngành Than do trình độ yếu kém nhưng khi làm thì ham dự án lớn, quá sức nên càng bộc lộ sai lầm.
Vì vậy, để hạn chế cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành chức năng như Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch – Đầu tư…để kiểm soát vốn chứ không để mình ngành than thích đầu từ vào đâu thì đầu tư”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Sự việc thanh tra phát hiện ra sai phạm trong đầu tư ở Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho thấy cách làm kinh tế sai lầm trước đây.
Xưa nay, các tập đoàn vốn nhà nước có rất nhiều tiền. Tiền ở đây không phải do các tập đoàn này làm ăn phát đạt mà có được.
Chủ yếu do tận dụng những điều kiện đặc biệt tạo nên như khai thác khoáng sản, dầu khí và các tài nguyên khác – những tài sản này là tài sản của nhà nước. Khi có tiền thích đầu tư lung tung dẫn tới hiệu quả thấp”.
Một vấn đề nữa mà dư luận quan tấm, đó là trong bản kết luận thanh tra của Chính phủ chỉ ra việc nhiều thành viên của Tập đoàn Than – Khoáng sản đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn.
Bàn về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Việc đầu tư ngoài ngành cho đến nay không một tập đoàn nào có kết quả tốt.
Đã đầu tư ngoài ngành tức là ngoài nghiệp vụ của mình. Trong khi điều kiện nghiệp vụ chính làm ăn chưa được thì đưa vốn ra ngoài ngành (tức đầu tư vào lĩnh vực mình không có chuyên môn, trình độ thấp) tất yếu sẽ thất bại.
Kinh nghiệm đến nay cho thấy, cứ đầu tư ra ngoài ngành đều lỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh Ngọc Quang). |
Bàn về sở thích đầu tư ngoài ngành ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Tiền là tiền công nhưng đầu tư theo quyết định của cá nhân lãnh đạo các tập đoàn.
Họ thay mặt nhà nước đầu tư nhưng tiền không phải của họ. Với tư duy lãi thì chia nhau còn lỗ nhà nước chịu. Chính tư duy này đã làm hỏng cả nền kinh tế trước đây và đến giờ hậu quả vẫn còn rất nặng nề.
Sự việc ở Tập đoàn Than – Khoáng sản chỉ là một ví dụ điển hình. Một thời, các tập đoàn nhao nhao đi đầu tư. Thậm chí, còn mang vốn đi đầu tư cả chứng khoán, đầu tư ngân hàng.
Đầu tư ngoài ngành, nhất là đầu tư bất động sản dễ dẫn đến tiêu cực. Cái này rất nhạy cảm, tiền ngoài tiền trong, tiền nọ tiền kia”.
Chính phủ yêu cầu quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước |
Để khắc phục được tình trạng đầu tư kém hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Bảo góp ý:
“Cần phải tập trung vốn vào một nguồn để nhà nước quản lý chặt. Vừa rồi thành lập Ủy ban vốn nhà nước là cách làm đúng.
Vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện trị giá hơn 130 tỉ đô la. Tiền vốn cực kỳ lớn nhưng giá trị phát huy lại kém.
Đó là bước cản của nền kinh tế, trong khi đất nước còn đang thiếu nhiều vốn, phải đi vay”.
Trước thông tin, chuyển hồ sơ thanh tra sang Bộ Công an để điều tra làm rõ một số sai phạm tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Sai phạm tại Tập đoàn Than – Khoáng sản đòi hỏi phải làm rõ, để trả lời cho người dân những sai pham ấy từ đâu, ai phải chịu trách nhiệm.
Phải làm cương quyết để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở về quỹ đạo, biết cách chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước đồng vốn của nhân dân”.