Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vào ngày 5/3 tới. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm Chủ tọa - Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra liên tục trong 10 ngày.
Theo đó, 9 bị cáo trong vụ án này gồm: ông Hoàng Thế Trung (58 tuổi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội); ông Nguyễn Văn Khải (57 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội); ông Trương Trần Hiển (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội);
Ông Trần Cao Bằng (64 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex); ông Vũ Thanh Hải (58 tuổi, nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex); ông Đỗ Đình Trì (50 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội); ông Nguyễn Biên Hùng (68 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội);
Ông Hoàng Quốc Thống (63 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội); ông Bùi Minh Quân (46 tuổi, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội).
Các bị cáo trên bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 229, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Phải chỉ rõ ai ở "liên ngành tư pháp" đã "tha" cho ông Phí Thái Bình và cộng sự? |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng, cho đến nay đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho các nhà máy nước ngầm, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước.
Từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, trong 56 tháng vận hành khai thác, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí 16,6 tỷ đồng để khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m³, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Sự cố liên tục vỡ đường ống nước Sông Đà đã gây phiền toái cho người dân và tốn kém ngân sách. Ảnh: TTXVN |
Ngoài 9 bị cáo đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên Hội đồng quản trị của Vinaconex là các ông:
Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân (Tổng Giám đốc); Tô Ngọc Thanh; Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm là các thành viên Hội đồng quản trị có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực đã gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích và Nguyễn Đức Lưu.
Phía cơ quan điều tra cho rằng, những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không ai bị khởi tố.
Điều này đã gây ra phản ứng trong dư luận xã hội cho rằng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với những người nguyên là lãnh đạo kể trên là không tuân thủ nguyên tắc mọi công dân công bằng trước pháp luật.
Được biết, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009 thì hoàn thành.
Sau đó, hệ thống đường ống cấp nước này đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Vào tháng 7/2008, người dân Hà Nội hồ hởi đón nhận nguồn nước sạch được Vinaconex đưa về từ sông Đà. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, mới đưa vào sử dụng chưa tròn 4 năm thì sự cố vỡ đường ống nước xảy ra (năm 2012).
Tính đến cuối năm 2015 thì đường ống vỡ tới lần thứ 17. Điều này khiến cuộc sống của người dân Thủ đô liên tục bị xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và làm việc. Mỗi lần mất nước người dân lại phấp phỏm nào thùng, xô, chậu để trữ nước, thậm chí nhiều người phải “di cư” vì thiếu nước sạch.
Sau đó, trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống cấp nước sông Đà, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ. Sự cố gần đây nhất xảy ra vào tối ngày 18/6 là sự cố lần thứ 21 đối với đường ống nước sạch sông Đà tại Km 30+60 - Đại lộ Thăng Long.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình vận hành khai thác, từ năm 2012 đến 2015, đường ống đã hàng chục lần bị vỡ. 177.000 hộ dân đã bị dừng cấp nước gần 350 giờ, gây thiệt hại trên 13 tỷ đồng để khắc phục sự cố.