Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng đây mới là những bước đi đầu tiên, kết quả còn khiêm tốn và còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, xử lý những rào cản gây khó khăn doanh nghiệp.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị này thu hút hơn 2000 đại biểu của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp, nhiều gấp 4 lần so với hội nghị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó còn có sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương cùng hơn 10.000 đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến của cả nước.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhận được những góp ý thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp. ảnh: H.Lực |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một năm sau khi triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, hội nghị lần thứ 2 này để nhằm đưa ra chương trình hành động với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Vì thế Chính phủ cần những đóng góp thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp đó, báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp... là những điểm sáng đã được cộng đồng doanh nghiệp cả nước ghi nhận.
Trên thực tế, những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của tập thể Chính phủ với định hướng kiến tạo, hành động, liêm chính đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Kết quả rất đáng ghi nhận là kết thúc năm 2016, Việt Nam đã đạt con số kỷ lục – hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16% so với 2015) – kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay.
Ai chịu trách nhiệm khi để doanh nghiệp không đủ năng lực ký hợp đồng BOT? |
Với những nỗ lực ấy, Ngân hàng thế giới và nhiều tổ chức tài chính uy tín trên thế giới đều đã đánh giá cao và ghi nhận kết quả ấn tượng của Việt Nam; đồng thời chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã tăng lên 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82).
Các tổ chức tài chính uy tín thế giới dự báo, với những định hướng tốt như hiện nay, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng hạng về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh.
Đó là tiền đề vô cùng quan trọng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn là điều kiện vô cùng quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Dù đã đạt được những thành công nhất định trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì những ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một khoảng cách giữa chính sách và thực thi; vẫn còn những thủ tục hành chính chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Những tồn tại ấy một phần tác động đến chi phí kinh doanh khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần phải quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa Nghị quyết 35 của Chính phủ để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm vừa qua. ảnh: H.Lực. |
"Boeing cũng không đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh ở Việt Nam"
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra vấn đề này trong bài phát biểu.
Ông Lộc nhấn mạnh khi tổng kết Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đưa ra 3 thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển; Chính phủ có trách nhiệm kiến tạo, phục vụ doanh nhân và Khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Nghị quyết 35 với các mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể; Thủ tướng và Chính phủ giữ vững tinh thần: "Trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi". Quyết tâm cao của Thủ tướng, của Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương... đã từng bước cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh.
Đặc biệt là Thủ tướng chỉ đạo phải ghi nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và nhanh chóng trả lời, tìm mọi giải pháp gỡ rối, xóa bỏ những gì còn tồn tại mà gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn cho biết, Việt Nam còn đối diện với nhiều khó khăn do những tồn tại từ nhiều năm trước tích tụ dồn lại, trong đó phải kể tới vấn đề chi phí kinh doanh vào loại lớn nhất trong khu vực.
Vẫn còn tình trạng giải thích nhưng không giải quyết khiến người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Ở một số địa phương có hiện tượng lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp... đây là những tồn tại, thách thức, là rào cản cho quá trình phát triển và cần phải sớm xóa bỏ, giải quyết triệt để thời gian tới.
Còn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính
Liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết có nhận được thông tin phản ánh: Trong một tháng doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra đến 3 lần.
Ông Dũng cho biết, kể từ khi hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đi vào hoạt động (1/10/2016) đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đã giải quyết phần lớn những ý kiến, kiến nghị đó.
Đồng thời, ông Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cũng như việc phát sinh những thủ tục hành chính mới không cần thiết, không hợp lý.
Sự tín nhiệm của nhân dân và lương tri của cán bộ (GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng: "Các đồng chí đã được tín nhiệm bầu vào Trung ương thì làm việc gì cũng phải trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước dân tộc". |
Nhiều quy định còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Dũng nêu thí dụ có doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần; ở địa phương khác thì có doanh nghiệp bị thanh tra tới 12 lần trong một năm.
Một số bộ, ngành trung ương không gửi kế hoạch thanh, kiểm tra cho địa phương gây khó khăn cho triển khai thực hiện.
Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, từ các thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài; vẫn còn cơ chế xin – cho, còn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính .
Những tồn tại, hạn chế này cho thấy một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động.
Liên quan tới vấn đề tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Lê Minh Hưng cho biết hiện mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 40% so với năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, lạm phát, kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp... Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 39 đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ cho vay, bảo vệ quyền lợi người vay, nâng cao tính tự chủ, minh bạch hoá đảm bảo an toàn trong cho vay tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đang trình Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về xử lý nợ xấu, và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các tổ chức tín dụng, nếu được thông qua sớm sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất... giải phóng được lượng lớn tài sản thế chấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay của các doanh nghiệp. |
Trong buổi sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam – ông Phạm Hồng Hải cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ thì sẽ khó trụ vững trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy cần đầu tư công nghệ để phát triển cạnh tranh bền vững.
Việt Nam đang ở lợi thế lớn dựa vào nhân công giá rẻ, làn sóng FDI là cơ hội vàng để cải cách đất nước. Chính phủ tiếp tục cải cách, tạo điều kiện Việt Nam trở thành con hổ mới của châu Á.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phát triển.
Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và khắc phục các rủi ro kinh doanh.
Một nữ doanh nhân khác là bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH thì cho rằng có những quy định chưa cụ thể, khiến cho doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trên thị trường.
Bà Nga nêu vấn đề: Không hiểu mắc ở đâu mà tới giờ vẫn chưa thể ban hành được tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là về sữa. Trong khi các nước tiên tiến chỉ sử dụng sữa bột, sữa tươi thì ở Việt Nam lại lạm dụng sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên, và vẫn chưa ra được tiêu chuẩn dạng sữa lỏng.
Cũng theo bà Thái Hương, để biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới, theo bà Thái Hương thì trước hết phải làm tử tế ngay trong nước, phải ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
Báo Điện tử Giáo dục Việt nam tiếp tục cập nhật....