Hai ngày qua, dư luận Thủ đô lại "nóng" hơn về chuyện bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV khi 95% đại biểu tự ứng cử bị loại sau vòng hiệp thương thứ 3, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn.
Đây là một kết quả bất ngờ, bởi ông Trần Đăng Tuấn vốn là người được đánh giá rất cao về trình độ học vấn, và những đóng góp tích cực cho xã hội, cho học trò vùng cao nhiều năm nay. Qua báo chí và các mạng xã hội, có hàng vạn người dân đã bày tỏ sự ủng hộ ông.
Tối qua 17/4, trên trang cá nhân của mình, lần đầu tiên ông Trần Đăng Tuấn nói về việc không có tên trong danh sách bầu cử sau vòng hiệp thương cuối cùng:
"Tôi được biết qua báo chí rằng Hội Nghị Hiệp thương lần 3 do Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức đã không đưa phần lớn các cá nhân tự ứng cử vào danh sách bầu ĐBQH khoá 14. Có những người trong số họ tôi đánh giá cao và trân trọng. Tôi cũng nằm trong số ứng cử viên không được chọn.
Tôi không bình luận, cũng không quan tâm lý do và động cơ khiến số đông trong 83 người dự cuộc họp này không ủng hộ tôi ứng cử. Theo thủ tục bầu cử hiện nay, họ có quyền như vậy. Họ cũng có trách nhiệm với xã hội và cử tri khi sử dụng quyền này. Đó là việc của họ.
Hàng nghìn chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ tiếc nuối khi ông Trần Đăng Tuấn không có tên trong danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14. ảnh: Hoàng Nguyên. |
Tôi đã chuẩn bị kế hoạch riêng cho mình trong trường hợp trúng cử, mà vắn tắt là góp phần nhỏ bé của mình vào thúc đẩy, giám sát các lĩnh vực:
1- An toàn thực phẩm.
2- Hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo.
3- Bảo vệ quyền lợi của cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc bị yếu thế trong quá trình biến động phát triển kinh tế -xã hội.
4- Hành lang pháp lý và thực tế rộng rãi hơn cho sáng kiến, sự tự quản của người dân, thông qua các hình thức của xã hội dân sự lành mạnh.
5- Vai trò lớn hơn của báo chí và của truyền thông trong xã hội.
Với kết quả hiệp thương này, về mặt cá nhân, tôi sẽ có cuộc sống ít áp lực hơn. Nhưng tôi có phần tiếc nuối là không có những điều kiện mà tư cách Đại biểu Quốc hội đem lại để thực hiện dù chỉ một phần những công việc như đã kể ra ở trên, cũng như tham gia vào các công việc khác vì quyền lợi chung của tất cả mọi người dân, trong đó có tôi.
Dù vậy, tôi không mảy may bất ngờ hay buồn bực.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại |
Như tôi từng chia sẻ: Tôi có nhiều việc khác để làm và có nhiều cách khác để đóng góp như một công dân.
Tôi viết stt này để chân thành cám ơn tất cả cử tri nơi cư trú, cử tri nơi công tác đã ủng hộ tôi. Chân thành cám ơn hàng chục ngàn người đã ủng hộ tôi khi gặp gỡ trực tiếp hoặc qua mạng xã hội.
Cám ơn các đồng nghiệp báo chí đã chú ý nhiều đến việc tự ứng cử của tôi.
Cám ơn thiểu số thành viên của Hội nghị Hiệp thương lần 3 đã tín nhiệm tôi. Tôi vô cùng trân trọng sự ủng hộ này từ các vị và các bạn".
Sau chia sẻ này, đã có hơn 700 ý kiến chia sẻ, bình luận trên trang cá nhân của ông Trần Đăng Tuấn:
Bạn Phương Nhung chia sẻ cảm xúc: "Cho dù thế nào chú cũng luôn là đại biểu suất xắc trong lòng dân".
Bạn Hoai Thu bình luận: "Anh vẫn là anh,một người có tấm lòng nhân ái, luôn mang đến điều tốt đẹp cho các mầm non đất nước. Anh vẫn là tấm gương để những người lương thiện làm theo, như ngọn cỏ may hiên ngang trước gió".
Bạn Minh Tuấn Hoàng bày tỏ: "Kể cá những kẻ có địa vị cao sang tự coi mình là cây tùng cây bách đều mờ mịt trước anh - Người đại biểu Quôc hội của lòng tôi".
Bạn Hồ Tam Quân chia sẻ: "Tôi gởi Anh một phiếu, dẫu biết anh không thuộc dạng được cơ cấu, những việc anh đã đang làm "Tổ quốc ghi công ".
Bạn Van Thanh Phan đăng dòng cảm xúc: "Chúng tôi, những người dân bình thường rất trân trọng nhân cách trí tuệ và tâm huyết mà anh đã giành cho dân nghèo và cho một đất nước và xã hội công bằng hơn và đỡ nghèo hơn".
Bạn Nguyễn Tiến bình luận: "Tôi luôn tôn trọng anh và trân trọng những gì anh đã và đang làm... Tôi không bất ngờ với kết quả trên. Anh âm thầm nhưng thật mạnh mẽ".
Đó là một phần những chia sẻ trong số hàng nghìn chia sẻ, cảm xúc của người dân sau sự kiện ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội.
Những điều đó cho thấy, kết quả so với tình hình thực tế không hẳn lúc nào cũng có chung một kết quả. Kết quả này là sự thể hiện của 83 người có quyền bỏ phiếu ở vòng hiệp thương thứ 3. Họ được coi như là đại diện cho hàng triệu người dân Thủ đô, và chính họ tạo ra kết quả này.