Sáng ngày 4/10, tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu, đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4, trước khi kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV bắt đầu.
Phản ánh về tình trạng nợ công của Việt Nam đang ngày càng tăng cao, cử tri Đặng Thanh Bình (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) đánh giá, tình trạng nợ công của đất nước chúng ta đang cao gấp đôi các nước trong khu vực Đông Nam Á là một điều rất nguy hiểm
Cử tri Bình đề nghị Chính phủ và Nhà nước rà soát các dự án sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, liệt kê các doanh nghiệp âm vốn khiến cho Chính phủ phải bảo lãnh nợ.
Cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) thì nói rằng, những vụ xô xát giữa Công an – nhà báo, Công an – người dân trong thời gian gần đây tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã gây nhiều dư luận.
Bà Lợi đề nghị cần có điều tra kỹ càng, Công an sai chỗ nào, nhà báo sai chỗ nào để có một cách giải quyết cho phù hợp, tránh chuyện bé xé ra to, gây hoang mang dư luận, tạo cơ hội cho các trang mạng nước ngoài quy chụp, lợi dụng.
Lực lượng Công an là rất vất vả, nhất là khi điều tra các vụ trọng án, nhưng chỉ vì vài hành vi chưa đẹp của một số cá nhân, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của lực lượng Công an là không nên.
Song song đó, bà Lợi còn đề nghị cần phải xử lý ngay các công ty, nhà mạng có hành vi móc túi của người tiêu dùng, thông qua các hình thức đăng ký dịch vụ.
Cử tri Trần Đăng Trâm thì đề cập đến tình trạng thu hồi tài sản của tội phạm tham nhũng có làm được hay không?
3 đại biểu Quốc hội TP.HCM ở tổ đại biểu số 1 tiếp xúc cử tri quận 1,3 và 4 sáng ngày 4/10 (Ảnh: VOH) |
Bày tỏ suy nghĩ của mình với các cử tri 3 quận của TP.Hồ Chí Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá, nợ công của Việt Nam không nằm trong danh sách các nước nguy hiểm.
Nợ công là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, nên để quản lý và sử dụng hiệu quả, cần có sự đánh giá tiêu chí an toàn của nợ công trong giai đoạn 2016 – 2020 như: Khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách, mức bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm, tỷ lệ nợ công/GDP…
Dù vậy, theo Chủ tịch nước, cho dù chưa nguy hiểm, nhưng Chính phủ vẫn yêu cầu kiểm toán các dự án có vay vốn nước ngoài, kể cả vốn ODA.
“Chúng ta vay để làm gì, sẽ trả bằng cách nào, ai sẽ trả đều phải làm rõ để kiểm soát tốt nợ công của đất nước” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Đối với việc chống tham nhũng, thất thoát vốn tại các doanh nghiệp, công ty của Nhà nước, Chủ tịch nước đã khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các đơn vị có liên quan vào cuộc, làm rõ các sai phạm xảy ra tại PVC, cũng như quy trình bổ nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Việc thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, Chủ tịch nước đã nói rằng, hiện công tác này còn gặp khó khăn, vì các đối tượng tham nhũng lấy tiền của Nhà nước đi chi tiêu bừa bãi, khiến cho việc thu hồi lại càng gặp khó khăn hơn.
Trong vụ án này, các cơ quan có liên quan đã làm rõ trách nhiệm của các bên, khởi tố vụ án, bắt 4 người có liên quan đến các sai phạm này, Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị truy nã quốc tế.
“Dù tội phạm tham nhũng có trốn đi đâu, trốn ra nước ngoài 5 – 7 năm thì cũng sẽ bị bắt giữ, đưa ra xét xử, ví dụ như Công an đã bắt và truy tố Dương Chí Dũng, và sắp tới đây sẽ làm đối với Giang Kim Đạt” – ông Trần Đại Quang kết luận.