South China Morning Post hôm 21/11 đưa tin, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh sẽ tới Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài ba ngày bắt đầu từ 22/11, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Djibouti được tăng cường đáng kể, khi các mặt hàng xuất khẩu như xe máy, ô tô và thiết bị điện tử của Trung Quốc sang Djibouti đạt khoảng 20,7 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, thì mối quan hệ giữa hai nước trên thực tế còn vượt ra khỏi sự hợp tác thương mại và có thể trở thành nền tảng cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc ở khu vực Sừng châu Phi.
Cơ sở nền tảng cho tham vọng địa chính trị
Thứ nhất, Trung Quốc đã thuyết phục Djibouti cho xây dựng căn cứ hải quân tại quốc gia này
Vào năm 2016, Trung Quốc đã khởi công xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti, trở thành nước thứ 7 thiết lập một căn cứ quân sự ở quốc gia này.
Tháng 8 năm nay, căn cứ quân sự này đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động với một lễ thượng cờ trang trọng, đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Djibouti có vị trí chiến lược đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi, kiểm soát cửa ngõ đi vào Biển Đỏ và kênh đào Suez, được hải quân các nước sử dụng như một điểm trung chuyển trong cuộc chiến chống cướp biển từ quốc gia láng giềng Somalia.
Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn cho Trung Quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo trong vùng biển gần Somalia và Yemen.
Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh (Ảnh: Reuters) |
Căn cứ này cũng sẽ có hỗ trợ cho việc thực thi các nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung, sơ tán và bảo vệ cứu hộ người Hoa ở nước ngoài cũng như các cứu trợ khẩn cấp khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và sử dụng các căn cứ quân sự ở Djibouti chủ yếu nhằm mục đích cho các hoạt động “hậu cần”.
Hiện Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản cũng đã đặt các căn cứ quân sự tại Djibouti và cung cấp nguồn thu nhập lớn cho quốc gia này.
Theo đó, Trung Quốc đã đồng ý chi trả 100 triệu USD mỗi năm, trong khi Hoa Kỳ trả 63 triệu USD cho việc hạ đặt các căn cứ quân sự của họ ở Djibouti.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ đầu tư thực hiện dự án xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt tự nhiên tại Djibouti
Hồi tuần trước, Tập đoàn Dầu khí POLY-GCL của Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ để đầu tư 4 tỷ USD vào dự án khí đốt tự nhiên tại Damerjog (Djibouti).
Theo đó, một thoả thuận sơ bộ sẽ được hoàn thành trong sáu tháng kể từ khi bản ghi nhớ được ký kết và các công việc mà phía Trung Quốc thực hiện như lắp đặt một đường ống dẫn khí tự nhiên, xây dựng một nhà máy hóa lỏng và một nhà ga sẽ được tiến hành ngay sau đó.
Đường ống dẫn khí đốt dự kiến có công suất chuyển tải khoảng 12 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ Ethiopia đến Djibouti, trong khi nhà máy hóa lỏng có công suất mục tiêu là 10 triệu tấn mỗi năm đối với khí tự nhiên hoá lỏng.
Binh sĩ Trung Quốc đang tiến hành lễ thượng cờ tại căn cứ quân sự ở Djibouti (Ảnh: Reuters) |
Thứ ba, hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti
Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và Djibouti đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti.
Tuyến đường sắt này có chiều dài 750 km, nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia tới cảng biển Điếu Ngư của Djibouti, thông qua đó có tới 90% hàng hoá của Ethiopia và Djibouti được giao dịch thông qua tuyến đường sắt này.
Đây là tuyến đường sắt xuyên biên giới có sử dụng các thiết bị điện khí hóa đầu tiên ở châu Phi.
Để thực hiện dự án này, Tập đoàn Đường sắt và Công ty Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc (CCECC) đã tài trợ 70% trong tổng số 490 triệu USD kinh phí của dự án và phải mất 4 năm để hoàn thành.
Thứ tư, Trung Quốc đầu tư cho dự án xây dựng sân bay quốc tế tại Djibouti
Theo nguồn tin của Bloomberg hồi tháng trước, hai sân bay quốc tế mới ở Djibouti đã được CCECC xây dựng với kinh phí gần 600 triệu USD theo hợp đồng được hai bên ký kết vào năm 2015.
Sân bay quốc tế Aptidon được xây dựng ở Hassan cách thủ đô Djibouti 25 km, có công suất vận chuyển 1,5 triệu hành khách mỗi năm và có đường băng đủ rộng cho các máy bay thương mại quốc tế kể cả Airbus A380 có thể cất hạ cánh.
Còn sân bay Quốc tế Ahmed Dini Ahmed, nằm về phía Bắc của Djibouti, sẽ có năng lực vận chuyển cho khoảng 767.400 hành khách mỗi năm.
Cả hai sân bay này dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Thứ năm, Trung Quốc đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do ở Djibouti
Hồi đầu năm nay, Djibouti đã bắt đầu khởi công xây dựng một khu thương mại tự do với toàn bộ nguồn kinh phí của Trung Quốc.
Khu thương mại tự do này có diện tích 48 km2 đang được đơn vị quản lý cảng Đại Liên, Trung Quốc xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ được điều hành bởi cảng Djibouti và Tập đoàn thương mại China Merchants Holdings của Trung Quốc. [1]
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại đầu tư rất nhiều tiền của vào Djibouti - một quốc gia châu Phi nhỏ bé, dân số ít và không có tài nguyên thiên nhiên.
Đó chắc hẳn phải là những toan tính chiến lược về địa chính trị mà Djibouti mang lại, bởi Djibouti có vị trí địa chiến lược quan trọng bên vịnh Aden và Ấn Độ Dương.
Quốc gia này nằm án ngữ ngay cửa ngõ vào Đông Bắc Phi và khu vực Biển Đỏ nên rất thuận tiện cho việc quá cảnh hàng hóa qua cảng cho toàn bộ khu vực và trở thành trung tâm chuyển tải, tiếp liệu cho các tầu bè qua đây.
Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi tuần trước tại căn cứ ở Djibouti (Ảnh: AP) |
Những toan tính địa chính trị
Trung Quốc luôn mô tả tiền đồn quân sự của họ ở Djibouti chỉ như là một “cơ sở hậu cần” để hỗ trợ cho các tàu của Trung Quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo.
Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh và các báo cáo không chính thức cho thấy, căn cứ này có hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự như:
Các doanh trại, nhà kho, các đơn vị bảo dưỡng kỹ thuật và các vị trí neo đậu có thể chứa được hầu hết các tàu chiến trong biên chế hải quân Trung Quốc.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti - nằm ở cực tây Ấn Độ Dương, trên con đường dẫn tới Kênh đào Suez và nằm ngay của ngõ Biển Đỏ, có vị trí địa chiến lược quân sự rất quan trọng, và là cầu nối giữa khu vực Trung Đông với châu Phi.
Bởi vậy căn cứ này đã gây ra những lo ngại về tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh ở khu vực này.
Ông Zhang Baohui, giáo sư trường Đại học Lĩnh Nam về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết:
Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ không gây ra nhiều tranh cãi, bởi đơn giản vì có nhiều nước khác cũng đang có mặt ở đó và cũng nằm cách xa các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc.
Còn ông Malcolm Davis, chuyên gia an ninh châu Á tại Học viện Chính sách Chiến lược Australia thì cho rằng:
Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ giúp cho việc bảo vệ lợi ích dọc theo con đường tơ lụa thế kỷ 21 phần trên biển thuộc sáng Vành đai Con đường của Bắc Kinh.
Theo báo cáo của CNA, cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Djibouti có thể giúp hỗ trợ các sứ mệnh của quân đội nước này trong việc “bảo vệ biển khơi” để hỗ trợ cho các hoạt động chống cướp biển, di tản người dân Trung Quốc, giữ gìn hòa bình, chống khủng bố, thu thập thông tin tình báo và bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.
Ông Rahul Roy-Chaudhury, chuyên gia cao cấp về Nam Á tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London cho rằng:
Bắc Kinh có thể sử dụng căn cứ quân sự ở Djibouti để cảnh báo và triển khai sức mạnh của họ lên khu vực Bắc Phi, cũng như để tăng cường vị thế của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
“Căn cứ quân sự ở Djibouti có ý nghĩa rất quan trọng để Trung Quốc triển khai các tàu chiến vào Ấn Độ Dương và họ có thể duy trì được các hoạt động tuần tra trong một thời gian dài ở Ấn Độ Dương”, ông Chaudhury nói.
Điều này đã gây ra mối quan ngại của Ấn Độ đối với an ninh hàng hải trong khu vực.
Bởi New Delhi luôn nghi ngờ rằng, Bắc Kinh tăng cường thêm căn cứ quân sự ở Djibouti vào “chuỗi ngọc trai” gồm một loạt dự án xây dựng căn cứ hải quân từ Miến Điện, Bangladesh, Maldives cho đến Sri Lanka nhằm mục đích để bao vây Ấn Độ.
Ông Bawa Singh, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Punjab (Ấn Độ) nhận định:
“Chiến lược biển của Trung Quốc hướng tới việc đối phó với Ấn Độ bằng cách xây dựng hàng loạt căn cứ hải quân ở các nước láng giềng của New Delhi trên Ấn Độ Dương”. [2]
Bất chấp những quan ngại của Ấn Độ cũng như một số nước về tham vọng địa chính trị của Trung Quốc dọc theo sáng kiến Vành đai Con đường, Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng:
Căn cứ quân sự ở Djibouti chỉ là một “cơ sở hậu cần” và Trung Quốc sẽ không có tham vọng bành trướng hay tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Trung tâm Chỉ huy tác chiến ở Bắc Kinh hồi tháng trước, đã chỉ thị cho các lực lượng đóng ở căn cứ Djibouti phải nâng cao năng lực chỉ huy hiệp đồng cấp độ khu vực và tăng cường huấn luyện trong điều kiện chiến đấu để nâng cao khả năng tác chiến của quân đội. [3]
Rõ ràng, việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Djibouti sẽ không chỉ đơn thuần là “cơ sở hậu cần” như nước này đã tuyên bố, mà đằng sau đó sẽ là cả một chiến lược địa chính trị ở khu vực Sừng châu Phi.
Và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh lần này chắc chắn sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước;
Đồng thời sẽ xây chắc thêm những toan tính về một chiến lược địa chính trị của Trung Quốc ở khu vực Sừng châu Phi nhằm góp phần quan trọng hình thành “chuỗi ngọc trai” dọc theo sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng của nước này.
Tài liệu tham khảo:
[1] South China morning post/ From rail and airports to its first overseas naval base, China zeroes in on tiny Djibouti.
[2] South China morning post/ Djibouti's military base in China: "logistics base," or foundation for geopolitical ambitions abroad?
[3] China morning post/ Xi urges troops at China’s first overseas base to help promote peace and boost country’s image