LTS: Tác giả Diệp Phương Chi, giảng viên Đại học Sư phạm kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, Đại học Kĩ thuật Dresden, Cộng hoà Liên bang Đức) đã có bài viết chia sẻ về vấn đề tuyển sinh đại học tại Đức.
Qua đó, tác giả đưa ra kiến nghị về kì thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dưới đây, người viết đang là nghiên cứu sinh tại Cộng hoà Liên bang Đức xin trình bày một số hình thức xét tuyển sinh đại học tại Đức.
Trên cơ sở đó, người viết xin đề xuất một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tuyển sinh đầu vào đại học.
Hình thức thi đầu vào: thường áp dụng với các ngành nghệ thuật và năng khiếu (ví dụ như vào các học viện về mỹ thuật, các ngành sân khấu điện ảnh v.v…).
Ở kì thi này, thí sinh phải chứng minh năng khiếu của mình trước một hội đồng chuyên gia.
Đại học Tổng hợp Mannheim (Cộng hoà Liên bang Đức). Ảnh minh hoạ: duhocduc.edu.vn |
Ngoài ra ở một số chuyên ngành khác cũng có thể có hình thức thi đầu vào, tùy vào trường đại học tiếp nhận có quyền quyết định nội dung và hình thức, nhưng nhìn chung nội dung chỉ nhẹ nhàng, người đăng kí có thể làm dưới dạng bài TestOnline để kiểm tra kiến thức chung hoặc một số kĩ năng cần thiết (ví dụ như để đánh giá xem người đăng kí có khả năng viết luận tốt như thế nào hoặc đánh giá về biểu đồ tốt như thế nào v.v…).
Ở ngành Y Dược, người đăng kí có thể tham gia vào kì thi đầu vào để lấy điểm cộng, kì thi này không bắt buộc, nhưng nếu như tham gia thi và đạt điểm cao thì điều này có thể bù đắp cho điểm số thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cao lắm của người đăng kí.
Hình thức phỏng vấn để chọn lựa: đây không phải là thi vấn đáp mà là một cuộc phỏng vấn từ trung tâm khảo thí của phía trường đại học để tìm hiểu và đánh giá về động lực và sự phù hợp cá nhân của người đăng kí đối với ngành dự tuyển.
Người phỏng vấn phải được đào tạo và buổi phỏng vấn phải tổ chức chuyên nghiệp theo một quy trình nhất định mà theo đó, người phỏng vấn sẽ ghi nhận lại các câu trả lời, cách phản ứng và khả năng giải quyết các nhiệm vụ nhỏ của ứng viên.
Hình thức phỏng vấn để chọn lựa và hình thức thi đầu vào Online như đã nói phía trên ngày càng phổ biến, nhất là tại các đại học tư.
Hình thức đăng kí tại doanh nghiệp/ công ty:
Tại Đức có hệ thống đào tạo kép với sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh chương trình đào tạo nghề theo hệ thống kép thì cũng có dạng đào tạo kết hợp cả đào tạo nghề và đào tạo bậc đại học theo hệ thống kép.
Có khoảng 910 chương trình cấp bằng kép (bằng đại học lẫn bằng nghề) được phối hợp giữa doanh nghiệp/ công ty với các học viện hàn lâm, các đại học ứng dụng và các đại học hàn lâm.
Người học không đăng kí trực tiếp tại đại học mà đăng kí tại doanh nghiệp với hồ sơ gồm bài luận, các bằng cấp, học bạ và lí lịch.
Doanh nghiệp sẽ tổ chức phỏng vấn để chọn lựa. Việc phỏng vấn chọn lựa này diễn ra khoảng một năm trước khi việc đào tạo bắt đầu.
Hồ sơ sản phẩm nghệ thuật (Mappe): Với một số ngành nghệ thuật và thiết kế, để tuyển đầu vào, trường đại học hoặc học viện nghệ thuật sẽ xem xét hồ sơ sản phẩm của ứng viên gửi đến (ví dụ như ảnh, bản vẽ, phim tự tạo v.v…).
Việc xét hồ sơ sản phẩm để lựa chọn học viên này thường có độ cạnh tranh rất cao vì các xuất học tại các học viện nghệ thuật khá ít.
Bài luận về động lực học tập: Một số chuyên ngành đại học muốn ứng viên trình bày động lực của mình khi tham gia đăng kí vào chuyên ngành.
Bài luận này sẽ được kiểm soát kĩ để loại trừ khả năng người viết copy từ những mẫu có sẵn.
Các vấn đề về kinh nghiệm nghề nghiệp (làm thêm trong kì nghỉ), thực tập, các mối quan tâm và sở thích cá nhân liên quan đến chuyên ngành sẽ nâng cao cơ hội cho người dự tuyển.
Xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông:
Đa số các trường đại học tại Đức xét nhận sinh viên đầu vào từ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông.
Mỗi trường sẽ đưa các ứng viên vào một danh sách xếp hạng theo điểm tốt nghiệp phổ thông của họ.
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số lượng người đăng kí của mỗi năm học mà nhà trường sẽ đưa ra một điểm chuẩn đầu vào.
Ứng viên có điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông từ điểm chuẩn này trở lên thì được nhận vào, còn thấp hơn thì bị loại.
Những ứng viên bị loại có thể nhanh chóng đăng kí vào một đại học khác để tìm cơ hội khác, vì điểm chuẩn cho cùng một chuyên ngành của các đại học khác nhau là khác nhau.
Ngoài ra, tuỳ chuyên ngành mà các trường đại học lại có những đòi hỏi bổ sung bên cạnh việc xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông.
Ví dụ: Ngành Sư phạm nghề (tốt nghiệp ra làm giáo viên dạy nghề), bên cạnh xét điểm tốt nghiệp phổ thông thì còn đòi hỏi ở người dự tuyển kinh nghiệm một năm làm việc hoặc thực tập trong chuyên ngành đó (cũng có trường cho nợ tiêu chuẩn này, người học có thể tích lũy và đáp ứng từ từ trong quá trình học).
Trên đây vừa trình bày một số các hình thức tuyển sinh đầu vào của các đại học tại Đức.
Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng cho phép các trường đại học tự quyết hình thức tuyển sinh của mình dựa trên sự kết hợp xét cùng lúc các cơ sở:
(1) Điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông;
(2) Học bạ;
(3) Kì thi đầu vào/ phỏng vấn đầu vào/ viết luận đầu vào hoặc thi năng khiếu đầu vào do trường đại học tự tổ chức dựa trên đặc thù của trường và yêu cầu cụ thể của trường (Lưu ý cơ sở thứ ba này chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết tuỳ theo yêu cầu của nhà trường nhằm tránh lãng phí và cồng kềnh trong thi cử).
Tỉ lệ phần trăm giữa các cơ sở này do trường tự quyết định.
Ví dụ: có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 50%, xét học bạ chiếm 30% và thi đầu vào/ viết luận/ phỏng vấn tại trường chiếm 20%;
Ngược lại, cũng có trường có thể lựa chọn tỉ lệ điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông chiếm 20%, xét học bạ chiếm 10%, thi năng khiếu đầu vào chiếm 70%;
Hoặc trường hợp có đại học không tổ chức thi đầu vào/ phỏng vấn đầu mà chỉ xét điểm tốt nghiệp và học bạ, tỉ lệ có thể do trường tự quyết định.
Giả sử bỏ kì thi tốt nghiệp phổ thông, thì các đại học có thể xét tuyển đầu vào bằng cách xét học bạ phổ thông kết hợp kì thi đầu vào/ phỏng vấn/ thi năng khiếu khi cần thiết.
Tại nước ta, trong bối cảnh hiện nay vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp phổ thông thì trong mọi trường hợp, điểm thi tốt nghiệp phổ thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xét tuyển đầu vào của các trường đại học.
Do đó, việc đảm bảo chất lượng tổ chức kì thi tốt nghiệp và chấm thi tốt nghiệp tại các địa phương là rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng các đại học phải nhận sinh viên với kết quả thi tốt nghiệp phổ thông “ảo” (như trường hợp "phù phép" điểm thi ở Hà Giang vừa qua) gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu vào.
Do đó, cần nâng cao công tác thanh tra bảo vệ tại kì thi tốt nghiệp tại các địa phương, tăng cường thanh tra chéo (từ phía Bộ và các trường đại học xuống thanh tra trong kì thi);
Đồng thời, công tác chấm thi tốt nghiệp phổ thông cần được tổ chức khách quan, không nên để địa phương tự chấm thi mà có thể phân cho các đại học chấm thi kết quả này.
Các đại học là những đơn vị sẽ dùng kết quả thi này mà xét tuyển sinh viên vào trường, do đó, việc các đại học chấm thi kết quả tốt nghiệp phổ thông cũng là một phương án khả thi.
Ngoài ra, việc thành lập các trung tâm khảo thí để chấm kết quả thi tốt nghiệp cũng là một giải pháp, tuy nhiên giải pháp này gây tốn kém chi phí hơn giải pháp đã nêu.