Một số góp ý, đề xuất để kỳ thi Quốc gia không còn tiêu cực

21/07/2018 06:39
THIÊN ẤN
(GDVN) - Qua vụ bê bối gây chấn động, Bộ Giáo dục cần phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ các khâu từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi, ra đề thi... nhằm rút kinh nghiệm.

LTS: Đề xuất những cải tiến, điều chỉnh một số điểm được xem là lỗ hổng, kẽ hở tồn tại lâu nay trong thi trung học phổ thông Quốc gia, qua đó nhằm rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho kỳ thi năm sau, tác giả Thiên Ấn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vụ gian lận, tiêu cực trong khâu chấm thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang đã gây chấn động ngành giáo dục và dư luận xã hội cả nước trong mấy ngày qua.

Một mình ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang không thể “xử lý” được 330 bài thi của 114 thí sinh trong thời gian vài tiếng đồng hồ.

Phải chăng có một nhóm hoặc nhiều người nữa cùng tham gia vào vụ việc trên?

Một số góp ý, đề xuất để kỳ thi Quốc gia không còn tiêu cực ảnh 1Một mình ông Vũ Trọng Lương làm sao cõng được 114 thí sinh?

Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể đã thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Từ đây, dư luận xã hội cũng đặt thêm những câu hỏi nghi vấn rất có cơ sở: Liệu kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 ở tỉnh Hà Giang đã từng có chuyện tiêu cực, gian lận như thế này hay không?

Trong khâu chấm thi trung học phổ thông năm 2017 và năm 2018 ở các địa phương khác có hay không gian lận, tiêu cực tương tự như ở Hà Giang?

Nếu thấy có dấu hiệu nghi vấn, điểm cao bất thường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mở rộng việc kiểm tra, rà soát, thẩm định ở một số địa phương khác.

Có thể nói, bắt đầu thực hiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia “2 trong 1”, từ năm 2015, qua mỗi lần tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh, thay đổi trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thầy cô giáo và dư luận xã hội.

Kỳ thi “2 trong 1” này đã được nhiều người đồng tình, ủng hộ vì giảm áp lực phải thi nhiều cho thí sinh.

Việc thi tại địa phương giúp phụ huynh, học sinh đỡ mệt mỏi khi phải di chuyển về các thành phố tìm thuê chỗ trọ, lo lắng chuyện ăn uống…

Kinh phí, tốn kém của từng gia đình và toàn xã hội dành cho kỳ thi này ít hơn so với những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây…

Tuy nhiên, vụ gian lận, tiêu cực chấm thi nghiêm trọng ở Hà Giang đã lộ ra những kẽ hở, những điểm chưa chặt chẽ, chưa hợp lý ở kỳ thi quốc gia này.

Thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc giao cho địa phương coi thi, chấm thi… từ 2 năm nay là căn nguyên chính dễ xảy ra tiêu cực, gian lận, mặc dù đã có sự phối hợp với các trường đại học, thanh tra Bộ Giáo dục và Công an.

Bởi, chưa thể trông chờ vào đạo đức công vụ, vào sự liêm chính của cán bộ coi thi ở địa phương khi mà bệnh thành tích hiện nay còn quá nặng nề, khi mà ở địa phương có nhiều mối quan hệ chằng chịt, họ hàng, bà con, anh em… thi nhau gửi gắm, nhờ vạ, thậm chí “chạy”, “mua” điểm để trúng tuyển vào các trường đại học theo ý muốn.   

Qua vụ bê bối gây chấn động, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ các khâu từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi, ra đề thi… nhằm rút kinh nghiệm và điều chỉnh, cải tiến cho những kỳ thi sau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần lắng nghe dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của thầy cô giáo tham gia trực tiếp tại các hội đồng coi thi, chấm thi để đánh giá lại toàn bộ mặt được và chưa được của kỳ thi “2 trong 1” này.

Tôi đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cải tiến, điều chỉnh một số điểm được xem là lỗ hổng, kẽ hở tồn tại lâu nay trong thi trung học phổ thông Quốc gia theo hướng sau:

- Trong khâu coi thi, bổ sung thêm quy định, chế tài để các hội đồng, điểm thi kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn thời gian 10 phút giao nhau giữa các môn thi thành phần thuộc bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Một số góp ý, đề xuất để kỳ thi Quốc gia không còn tiêu cực ảnh 3Tôi vẫn chưa hết lo về tiêu cực có thể phát sinh trong coi thi

- Không để cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố tham gia công tác coi thi, giám sát thi tại địa phương (vì có quen biết, quan hệ nể nang, nhờ vả lẫn nhau...).

Phải di chuyển họ đi các địa phương khác. Có tốn kém hơn nhưng rất cần thiết.

- Tờ phiếu trả lời trắc nghiệm cần bổ sung, thiết kế thêm phần phách như tờ giấy thi tự luận.

Do lâu nay, phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phần phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của thí sinh nào. Một kẽ hỡ dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

 - Không giao công đoạn chấm thi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo nữa (dễ nảy sinh tiêu cực, làm bậy, có biểu hiện chấm chặt, chấm lỏng).

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chấm bài thi trung học phổ thông quốc gia theo từng cụm tại các trường đại học và do các trường đại học chủ trì hoặc hoán đổi tất cả bài thi tự luận và trắc nghiệm cho các địa phương ở cận lận chấm như cách trước đây đã từng làm.

- Đối với các bài thi trắc nghiệm sau khi thi, (rọc phách nếu có), quét ảnh thì truyền file về Bộ ngay lập tức, như vậy Bộ cũng sẽ chấm độc lập trên file ảnh này (Đĩa CD1). Các trường hợp lỗi khi kiểm dò có thể xử lý sau.

- Trách nhiệm, đạo đức công vụ, sự liêm chính và nghiệp vụ coi thi và chấm thi của người đứng đầu, cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt lực lượng kiểm tra, giám sát mọi khâu cần được quán triệt hơn nữa trước và trong quá trình làm việc. 

THIÊN ẤN