Mấy hôm nay, vụ kiện cáo giữa hai ông, một ông Tiến sĩ nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một ông “Tiến sĩ chờ tòa quyết” đang làm nóng dư luận.
Thực ra đây là vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Hoàng Xuân Quế (giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) và bị đơn là quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT (QĐ 4674) ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ trường khi đó là ông Phạm Vũ Luận).
Về câu chuyện ông Hoàng Xuân Quế kiện ông nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, rõ ràng là hai vị luật sư bảo vệ quyền của ông Quế rất tinh khôn, khi khoét sâu vào việc bản luận án nộp cho Bộ, thư viện Quốc gia… không có chữ ký của ông ấy, theo như tường thuật của báo chí thì “toàn bộ 3 luận án lưu tại 3 thư viện do Bộ thu thập không phải của ông Quế” mà “đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế”. [1]
Luật sư bên nguyên, bà Trần Hồng Phúc cho rằng, có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã bị đánh tráo vì mục đích xấu, vì tất cả những tài liệu quan trọng liên quan tới ông Quế đều bị mất.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh HL |
Với lý do đó bên nguyên đòi hủy bỏ quyết định 4674 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phục hồi quyền lợi, học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.
Trong khi đó, luật sư bên bị, ông Đinh Anh Tuấn chưa tìm được những lý lẽ thuyết phục để bào chữa cho thân chủ của mình là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên nguyên đã khẳng định cả ba cuốn luận án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thu thập xác minh đều là giả mạo, và Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện không có bản luận án nào khác ngoài các luận án đã thu thập.
Mặt khác, ngày 10/7/2013 ông Hoàng Xuân Quế đã nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo luận án chính thức (kèm theo cả hóa đơn mà cửa hàng photocopy xác nhận đã photo luận án cho ông).
Vậy luật sư Đinh Anh Tuấn có quyền đề nghị tòa hai điều:
- Yêu cầu ông Hoàng Xuân Quế nộp bản luận án gốc mà ông hiện còn lưu giữ (thay vì nộp bản photocopy);
- Tiến hành giám định lại một lần nữa bản luận án gốc này.
Hai quyển luận án có phần giống nhau, biểu hiện của "đạo văn" (Ảnh:nld.com.vn). |
Sẽ xảy ra các khả năng:
Thứ nhất, ông Hoàng Xuân Quế nộp bản luận án mà cá nhân ông lưu trữ và đó chính xác 100% là bản luận án in vào thời điểm ông Quế bảo vệ tại hội đồng chấm thi Nhà nước.
Từ bản “luận án gốc” này sẽ đối chiếu với các tố cáo của ông Hoàng Văn Nam xem có đúng là ông Hoàng Xuân Quế sao chép một phần luận án của ông Mai Thanh Quế hay không?
Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật” |
Nếu không có bất kỳ sự sao chép nào thì việc hủy quyết định QĐ 4674 là có cơ sở.
Nếu có sự sao chép các nguồn tài liệu khác nhau và đã có ghi chú ở phần tài liệu tham khảo thì cần xem phần sao chép đó chiếm bao nhiêu phần trăm kiến thức luận án và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu có sự sao chép nhưng không trích dẫn tên tác giả hoặc tài liệu tham khảo thì đây là hình thức “đạo văn” và phải xử lý nghiêm vì điều này liên quan đến đạo đức của người thầy.
Thứ hai, nếu (giả sử) cuốn luận án mà ông Quế nộp cho tòa có dấu hiệu đã được sửa chữa, bổ sung, đóng lại trước khi nộp, nghĩa là bản nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải bản gốc thì cần đến sự vào cuộc của cơ quan giám định Nhà nước.
Việc giám định ở đây cần thực hiện với các yêu cầu kỹ thuật sau:
- Giấy in tất cả các trang luận án có cùng chủng loại (cấu trúc sợi giấy, thành phần hóa học, năm xuất xưởng, nơi sản xuất giấy…)?
- Mực in trên các trang có giống nhau?
- Phần mềm xử lý văn bản có giống nhau (kiểu chữ, kích thước chữ, dáng chữ…)?
- Phần mềm xử lý dữ liệu (nếu có) ví dụ phần mềm Excel, Foxpro… là phiên bản trước năm 2003 (khi ông Quế viết luận án) hay sau năm 2003.
Chắc chắn các chuyên gia công nghệ thông tin sẽ tìm được sự khác nhau trên đồ thị, biểu đồ hoặc độ tin cậy giữa các phần mềm này.
Nếu xác định được một số trang có sự khác biệt với các trang khác trong cùng luận án (giấy, mực in, phần mềm văn phòng…) mà ông Quế đã bảo vệ thì có thể kết luận bản luận án nộp cho tòa và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bị sửa chữa, không phải là bản gốc từ năm 2003.
Trường hợp bản photocopy mà ông Quế nộp được photo vào cùng một thời điểm, nghĩa là không có sự khác biệt về giấy và mực in vẫn có thể tìm hiểu vì mực in năm 2003 và năm 2013 không thể giống nhau tuyệt đối.
Còn một điều nữa là phần mềm xử lý dữ liệu sau 10 năm đã thay đổi rất nhiều, nếu có sự “làm mới” luận án thì có thể dễ dàng phát hiện.
Thứ ba, nếu ông Hoàng Xuân Quế không có bản luận án gốc thì việc sử dụng các bản luận án lưu tại thư viện Quốc gia hay các cơ sở khác cần phải có xác nhận bằng văn bản tính trung thực của các luận án mà các cơ sở này lưu trữ.
Người viết cho rằng, nếu tòa án dựa vào kết luận 3 bản luận án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thu thập bị xem là “giả mạo” để hủy quyết định của Bộ là chưa đầy đủ, chưa thuyết phục mà còn cần xem xét thêm các yếu tố khác như đã nêu trên.
Mặt khác, tòa án cũng không nên vì áp lực phải bảo vệ quyết định của cơ quan Nhà nước mà làm thiệt hại quyền lợi chính đáng của công dân, cụ thể là ông Hoàng Xuân Quế.
Cần phải khẳng định rằng kiến thức của loài người là sự kế thừa, phát triển từ các thế hệ trước, vì vậy nếu ông Hoàng Xuân Quế có trích dẫn, sử dụng kết quả nghiên cứu của người khác cũng là điều bình thường.
Thế giới có những quy định rất rõ ràng về việc sử dụng, trích dẫn tài liệu,
Xin giới thiệu một tài liệu mà thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh công bố [2] “Việc trích dẫn tài liệu tham khảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”:
Nguyên Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận bị kiện vì quyết định số 4674 |
“Tài liệu tham khảo phải bao gồm tất cả các tác giả với công trình có liên quan đã được trích dẫn trong luận văn.
Các chi tiết phải được ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác để độc giả quan tâm có thể tìm được tài liệu đó”.
Nếu tài liệu tham khảo là luận văn tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ thì mẫu trích dẫn phải ghi đầy đủ thông tin “tên tác giả, năm công bố, tên luận văn, tên (địa chỉ) cơ quan quản lý”, ví dụ:
Trần Huyền Công, 1994. Một số đặc điểm sinh học của cá lóc bông (Channa micropeltes). Luận văn tốt nghiệp Kỹ sư Thủy sản, Đại học Nông Lâm, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. [2]
Nếu luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã thực hiện đúng theo quy định này thì không có lý do gì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tước bằng Tiến sĩ của ông. Ngoài việc hủy quyết định quyết định 4574 còn phải kèm theo lời xin lỗi nếu đương sự không đòi hỏi bồi thường thiệt hại.
Trường hợp ông Quế không thực hiện theo đúng quy định này, nghĩa là trích dẫn nhưng không công bố nguồn (hoặc khối lượng trích vượt quá tỷ lệ % theo quy định) thì nghĩa là ông đã đồng thời vi phạm hai điều: quy định của Bộ và tâm đức người thầy.
Người viết cho rằng, cơ quan giữ quyền công tố chưa nên kết luận bất kỳ điều gì nếu chưa giám định lại bản luận án gốc mà ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại nhà.
Chỉ sau khi trưng cầu giám định và có kết quả chính xác thì mới tiếp tục phiên tòa, khi đó sẽ không còn dị nghị về việc làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Nếu giả sử điều này xảy ra và tòa kết luận quyết định 4674 là đúng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có các quyết định tiếp theo về việc đưa ra khỏi ngành những cá nhân không đủ tiêu chuẩn.
Trường hợp ông Hoàng Xuân Quế không sai và tòa hủy quyết định 4674 thì cần xem xét lại trách nhiệm của người, bộ phận đã tham mưu để Bộ trưởng ban hành quyết định trái luật.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.vnulib.edu.vn/wp-content/uploads/Trich-dan-tai-lieu-theo-BGD.pdf