Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật”

06/10/2016 16:16
Xuân Dương
(GDVN) - Hình thức “cảnh cáo” mà tỉnh ủy Hậu Giang đưa ra với ông Lê Thành Nhân có phù hợp với quy định pháp luật?

Thành phố Cần Thơ vốn trước đây thuộc tỉnh Hậu Giang, năm 2004 tách thành thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương. Hậu Giang sau khi tách Cần Thơ lấy Vị Thanh làm tỉnh lỵ.

Đầu năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ  ban hành  quyết định thu hồi, hủy bỏ bằng cấp 3 (Trung học Phổ thông)  của ông Lê Thành Nhân (Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh).

Lý do thu hồi bằng cấp 3 của ông Nhân  là do vị quan chức này mượn bằng cấp 2 (Trung học Cơ sở) của người có tên là Lê Hoàng Nhân để hợp thức hóa việc học bổ túc văn hóa cấp 3 (Trung học Phổ thông).

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ông Nhân tiếp tục học tập “nâng cao trình độ” và nhận bằng Cử nhân Luật (2010), bằng Cao cấp Chính trị - Hành chính (2015).

Tháng 4/2016 Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang ra quyết định kỷ luật “cảnh cáo” ông Nhân do làm ảnh hưởng đến uy tín tập thể và cá nhân cán bộ này.

Gần nửa năm sau, ngày 29/9/2016, Thành ủy Vị Thanh - Hậu Giang mới tổ chức làm việc với ông Lê Thành Nhân về vụ việc man trá này.

Theo Tuoitre.vn ngày 29/9/2016, ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vị Thanh, cho biết:

Việc bố trí lại công việc cho phù hợp khi ông Nhân không còn đủ tiêu chuẩn của cán bộ công chức sẽ xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy. Hiện giờ ông Nhân vẫn là trưởng Ban tổ chức Thành ủy Vị Thanh”?

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh mượn bằng cấp 2 của bạn để học tiếp (Ảnh: vtc.vn).
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh mượn bằng cấp 2 của bạn để học tiếp (Ảnh: vtc.vn).

Ngày 6/2/2015, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai (ông Bùi Khắc Quang) cho biết, trường Đại học Luật Hà Nội đã ra Quyết định số 125/QĐ-ĐHLHN yêu cầu thu hồi bằng Đại học đã cấp cho ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai.

Lý do thu hồi là do ông Tục đã sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp Bổ túc văn hóa Trung học Phổ thông không hợp pháp để thi tuyển vào học hệ tại chức trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Gia Lai.

Chuyên trang Tin nhanh của Báo điện tử Đại đoàn kết ngày 27/7/2015 có bài:

Đuổi học Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã nhờ người thi hộ 17 môn”.

Người bị đuổi là ông Đặng Bá Sướng (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Người này theo học ngành Luật Kinh tế (Viện Đại học Mở Hà Nội).

Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật” ảnh 2

“Sâu” tiến sĩ và “canh” Giáo dục

Báo Tienphong.vn ngày 5//1/2016 có bài: “Lùm xùm thi tuyển, bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội”.

Bài báo cho biết: “Kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã kết thúc từ ngày 1/9/2015. Theo kết quả được công bố, Tiến sĩ Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink đã trúng tuyển vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội”.

Tuy nhiên ông Vinh không được bổ nhiệm và Bộ trưởng Tư pháp thời điểm đó là ông Hà Hùng Cường (cơ quan chủ quản Đại học Luật Hà Nội) đã thừa nhận:

Ông Lê Đình Vinh vẫn là người trúng tuyển nhưng sự việc đã “vượt khỏi tầm tay của Bộ Tư pháp”.

Nhiều năm trước có hai cán bộ xã dự định thi vào hệ tại chức ngành Kế toán một Đại học có trụ sở ở ngoại thành Hà Nội, được biết hệ chính quy trường này hàng chục năm qua luôn tuyển từ điểm sàn.

Sau đó hai người khoe đã trúng tuyển tại chức ngành Luật mà không thi vào trường đã chọn, lý do là thi vào hệ tại chức trường Luật “dễ đỗ” và việc học cũng không “hóc” như trường khác.

Hai người này đã có bằng Đại học và bây giờ đang là lãnh đạo chủ chốt của địa phương.

Bài viết “Luật sư và các vụ tai tiếng” đăng trên Dantri.com.vn (23/4/2013) nêu một số vụ việc liên quan đến luật sư: [1]

Tháng 1/2008, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo, tuyên y án 29 năm tù đối với luật sư Lê Bảo Quốc về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn khỏi nơi giam, đưa hối lộ…

Tháng 8/2009, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt luật sư Lê Quốc Trung (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Tháng 2/2010, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phạt luật sư Nguyễn Ngọc Chính 12 năm tù về hai tội làm môi giới hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt luật sư tập sự Trần Thị Ngọc Tú 4 năm tù về tội làm môi giới hối lộ…

Nghiêm trọng nhất có thể kể đến là vụ án lừa đảo do luật sư Nguyễn Trọng Quý cầm đầu.

Viện kiểm sát Nhân dân thành phố đã đề nghị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt vị luật sư này mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng giá trị tài sản lên tới 35 tỷ đồng.

Theo quy định luật pháp hiện hành, người muốn trở thành Luật sư, điều kiện đầu tiên là phải tốt nghiệp các trường đào tạo cử nhân luật. Tiếp đó phải tham gia khóa học đào tạo nghề Luật sư của học viện tư pháp trong vòng sáu tháng, đăng ký tập sự tại các văn phòng luật sư trong vòng mười tám tháng và cuối cùng là trải qua kỳ thi cấp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức.

Các sự kiện nêu trên dẫn đến ba câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao khá nhiều cán bộ đương chức chọn nâng cao trình độ hệ tại chức ngành luật?

Thứ hai, vì sao nhiều vụ lùm xùm của học viên tại chức từ cấp xã đến cấp tỉnh lại liên quan đến ngành luật, đến các cơ sở đào tạo luật trình độ Đại học?

Thứ ba, đạo đức của luật sư có liên quan gì đến vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cử nhân luật?

Trở lại câu chuyện hai cán bộ xã nêu trên, lý do họ không học kế toán vì ngành này đào tạo nhân viên chứ không phù hợp với lãnh đạo, tương lai khó được đề bạt chức vụ trong bộ máy công quyền.

Cũng theo tâm sự của họ, học kế toán phải thành thạo phần mềm kế toán, tức là phải nắm chắc Công nghệ Thông tin và tiếng Anh, trong khi học Luật “chẳng cần gì đến hai môn này”?

Chuyện một số cán bộ, đảng viên sử dụng văn bằng giả để bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu trong hồ sơ, lý lịch cán bộ không phải là cá biệt và cũng không có gì mới mẻ.

Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật” ảnh 3

Nhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật?

Không ít người còn sử dụng bằng Tiến sĩ do nước ngoài cấp nhưng không được công nhận hợp chuẩn tại Việt Nam để hợp thức hóa chức danh lãnh đạo (Hiệu trưởng, Hiệu phó) các Đại học ngoài công lập.

Từ trước đến nay, sử dụng văn bằng giả để thăng tiến trong hàng ngũ cán bộ chưa có chế tài xử lý thỏa đáng ngoại trừ điều 267 Bộ Luật Hình sự 2009.

Khoản 1 điều 341 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (đang được Quốc hội xem xét lại) về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Khoản 1 điều 359 “Tội giả mạo trong công tác” cũng quy định rõ:

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu một người dùng bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, do sử dụng bằng giả mà từ một cán bộ bình thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thì phải xử lý hình sự.

Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này chứng tỏ luật pháp được vận dụng không đúng và cách xử lý là không công bằng.

Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật” ảnh 4

Phải biết xấu hổ

Câu hỏi đặt ra là tổ chức Đảng và chính quyền nơi hai ông Lê Thành Nhân, Huỳnh Ngọc Tục đã xử lý hai cán bộ này như thế nào?

Xét về góc độ pháp luật, họ vi phạm cả hai điều trong Bộ Luật Hình sự, tức là “sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm giấy tờ giả”?

Hình thức xử lý với họ ngoài chuyện phạt tiền còn là “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” hoặc “phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Hình thức “cảnh cáo” mà tỉnh ủy Hậu Giang đưa ra với ông Lê Thành Nhân có phù hợp với quy định pháp luật?

Đây là hành vi phải chịu phạt “cải tạo hoặc tù”, nếu như thế ông Nhân có còn xứng đáng là Đảng viên?

Vì sao chỉ cảnh cáo mà không khai trừ và tiếp đó là xử lý hình sự, có phải quyết định của tỉnh ủy Hậu Giang là hành vi bao che cho cán bộ đảng viên, dù trái pháp luật?

Một vấn đề khác cũng cần làm sáng tỏ:

Chương trình đào tạo tại chức cử nhân Luật rõ ràng bị buông lỏng trong nhiều năm, nói cách khác, các cơ sở đào tạo cử nhân Luật hình thức tại chức đã góp phần vào việc hình thành một bộ phận quan chức dối trá.

Nếu không có sự tiếp tay của các cơ sở này tại sao học viên được người khác thi hộ 17 môn mới phát hiện, tại sao người không đủ trình độ tốt nghiệp cấp 2 vẫn có thể tốt nghiệp cử nhân Luật?

Một khi nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, có nên truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với chính những cơ sở đào tạo chứ không chỉ những cá nhân giả dối?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/nghe-hot/ky-6-luat-su-va-cac-vu-tai-tieng-1367144454.htm

[2] http://infonet.vn/phat-tu-nguoi-su-dung-bang-gia-la-cap-thiet-va-dung-luat-post33581.info

Xuân Dương