Những chiếc xe tiền tỷ, đạo đức công vụ và thói sính hình thức

07/06/2016 06:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Hàng ngày có rất nhiều xe gắn biển xanh trị giá bạc tỷ ung dung phóng đi trên khắp các con đường. Những chiếc xe đó của ai? Sử dụng vào việc gì?

Tuần vừa qua, dư luận xã hội sôi nổi khi biết tin ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi lại bằng chiếc xe siêu sang Lexus 570.

Và dù vị Phó Chủ tịch tỉnh (từng là người đứng đầu Tổng Công ty Xây lắp dầu khí bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng) đã giải thích rằng, đó là xe đi mượn của người nhà bên vợ, nhưng có lẽ chẳng mấy người tin được vào giải thích ấy.
 
Giả sử có ai đó thông cảm với giải thích của ông Thanh về người đứng tên đăng ký chiếc xe thì cũng không thể hài lòng khi ở vị trí của Phó Chủ tịch tỉnh – ông Thanh lại “lách luật” bằng việc sử dụng xe “mượn” trị giá tiền tỷ.

Chiểu theo quy định của nhà nước thì chẳng có ông Phó Chủ tịch tỉnh nào được quyền đi xe sang đến vậy. Ngay cả đến Bộ trưởng, trưởng ngành, cho tới Bí thư tỉnh ủy thì cũng chỉ được đi xe giá trị đến 1, 1 tỷ đồng.
 
Thế nên có người bảo, cái lối suy nghĩ đi xe sang gắn mác “mượn” để được tiếng là “tiết kiệm ngân sách” chẳng qua là cách nghĩ của trẻ con (theo cách nói của vài người thì chẳng có gì ầm ĩ).

Các cụ xưa đã dạy rằng “giấy không bọc được lửa”, sự giả dối sớm muộn cũng sẽ bị lòi ra.

Cán bộ không muốn bị mang tiếng xấu thì cách duy nhất là phải nói thật và làm thật.

Chiếc xe ông Trịnh Xuân Thanh "mượn" của người nhà bên vợ. ảnh: Tuổi trẻ.
Chiếc xe ông Trịnh Xuân Thanh "mượn" của người nhà bên vợ. ảnh: Tuổi trẻ.

Khi chiếc xe bạc tỷ mà ông Trịnh Xuân Thanh đi lại được công khai trên báo chí, nhiều người giật mình nhớ tới bản báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh Hậu Giang.

Trong báo cáo này cho biết, giá trị gia tăng bình quân đầu người mới chỉ đạt 33,5 triệu đồng (tức là chưa được nổi 3 triệu đồng mỗi tháng); vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo và cận nghèo; còn rất nhiều trẻ em suy dinh dưỡng và thậm chí đâu đó vẫn còn có những hộ dân chưa được sử dụng điện.
 
Ở một bản báo cáo đẹp của tỉnh Hậu Giang mà vẫn còn có những con số sót xa như vậy thì cũng thật dễ hiểu vì sao dư luận xã hội bức xúc khi quan chức của tỉnh xài xế hộp bạc tỷ.

Không những vậy, ông Phó Chủ tịch tỉnh còn được một số người giúp sức để có biển xanh gắn vào xe đã đăng ký biển trắng từ năm 2013.

Lối hành xử này có khác nào coi pháp luật không còn tồn tại?

Những trường hợp quan chức đi xe siêu sang như ông Trịnh Xuân Thanh thực ra cũng chẳng hiếm trong xã hội Việt Nam.

Hàng ngày, người dân vẫn tận mắt nhìn thấy nhiều chiếc xe bạc tỷ gắn biển xanh chạy ầm ầm khắp các đường phố Thủ đô và nhiều thành phố khác.

Những chiếc xe tiền tỷ, đạo đức công vụ và thói sính hình thức ảnh 2

Ai là người cho Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn xe siêu sang?

Nếu đối chiếu với quy định sử dụng xe công thì chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội,Thủ tướng, Chủ tịch nước là được phép sử dụng xe công khi còn công tác cũng như khi nghỉ hưu mà không quy định cụ thể số tiền mua xe.

Còn lại, các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội... và các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác.

Căn cứ tình hình thực tế tại từng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại xe trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Xe ô tô trang bị cho các chức danh trên được thay thế theo yêu cầu công tác.

Ở cấp Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ… cho tới  Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng quy định rất rõ: được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/một xe.

Quy định rất rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế ở nhiều nơi không chấp hành, và để lý giải cho những trường hợp bị lộ thì cách dễ nhất là lấy lý do “đặc thù”.

Đây cũng là cách để lý giải cho công tác sắp xếp cán bộ quá tuổi quy định, hay xây dựng các công trình, mua sắm tài sản từ tiền ngân sách.

Khi đã có một lần “đặc thù” thì sẽ còn nhiều thứ khác phát sinh không theo đúng luật cũng được gắn mác “đặc thù”.

Và, người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Những chiếc siêu xe được mua bằng tiền ngân sách để phục vụ những nhiệm vụ gì, hay chỉ là một cái cớ để tiêu tiền nhà nước?

Liệu có chuyện doanh nghiệp tư nhân cũng được cấp biển xanh bằng một vài chiêu trò phù phép nào đó?

Xin biển số xanh vì sính hình thức hay còn vì mục đích nào khác?

Những chiếc xe tiền tỷ, đạo đức công vụ và thói sính hình thức ảnh 3

Cán bộ tùy tiện, vô nguyên tắc phải xử lý thật nghiêm khắc

Trong một nhà nước pháp quyền, người dân hoàn toàn có lý khi đòi hỏi sự minh bạch.

Trong một đất nước mà người dân làm chủ thì lẽ nào họ không được biết vì sao có nhiều xế sang gắn biển xanh đến vậy?

Suy cho cùng, mọi luật lệ đều do con người đặt ra, vì vậy nó cũng có thể bị bóp méo, bị lợi dụng.

Ví như Phó Chủ tịch tỉnh không được bố trí sử dụng xe công tiền tỷ thì họ lách luật bằng cách “mượn” xe nhiều tỷ.

Vì vậy mới nói rằng, đạo đức công vụ là vấn đề cơ bản nhất để thực hiện nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội.

Có nghĩa là cán bộ nhà nước chỉ làm những gì luật quy định, còn người dân mới làm những điều luật không cấm.

Khi cán bộ nhà nước tôn trọng nguyên tắc ấy thì sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, chuyển từ nền hành chính cai quản sang phục vụ.

Và để thực hiện được nguyên tắc ấy kỳ thực chẳng khó khăn gì, chỉ cần nhớ một điều, đừng bao giờ đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên tất cả.

Nói như ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội: “Đã là cán bộ thì không nghèo, nhưng không được hèn. Càng là lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt thì càng phải trong sạch, minh bạch”

Ngọc Quang