Bộ giáo dục bị "mắng" té tát vì xin 34 nghìn tỷ đổi mới sách

14/04/2014 15:28
Ngọc Quang
(GDVN) - Từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho tới Chủ nhiệm các ủy ban đều đặt ra nghi vấn về tính khả thi của đề án đổi mới SGK.

Sách kém, người dạy cũng kém

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay (14/4), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành có 2 bất cập lớn.

Một là nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…

Hai là nội dung chương trình, SGK bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông. Hình thức tổ chức “phân ban kết hợp với tự chọn” ở cấp THPT còn cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu phân luồng đa dạng.

Nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh tính khả thi của đề án đổi mới SGK tại Thường vụ Quốc hội sáng nay. Ảnh TTO
Nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh tính khả thi của đề án đổi mới SGK tại Thường vụ Quốc hội sáng nay. Ảnh TTO

Sau khi nghe báo cáo này, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân nói thẳng: “Làm 14 năm rồi mà vẫn cãi nhau mãi về sách giáo khoa. 10 năm nữa mà thay đổi toàn diện thì sẽ như thế nào? Giáo viên thay đổi như thế nào? Không đơn giản đâu. Thứ hai là thời gian học đưa vào an ninh quốc phòng, an toàn giao thông vào, liệu tích hợp có loại trừ nhiều bộ môn đưa vào không? Tôi thấy cần tính toán cân nhắc cho đầy đủ hơn”.

Ở một góc nhìn khác, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, đề án lớn, nhưng báo cáo tác động của đề án chưa rõ. Chỉ có 2,5 trang nhưng trong đó đa phần là thuận lợi, mà không nêu khó khăn.

"Vậy chương trình sách giáo khoa phổ thông tác động tới các chương trình khác như: Đại học, dạy nghề, cuộc sống như thế nào? Có quá ít đánh giá phân tích cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực để bảo đảm, ông Hiền đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: "Ai viết báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang? Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì 2 tỷ USD không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn". 

Phân tích sâu thêm, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội nói: "Nghị quyết đổi mới chương trình, SGK phổ thông căn cứ theo báo cáo giám sát là chưa đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, bởi báo cáo giám sát không phải là căn cứ để đổi mới… Vậy đầu ra của Nghị quyết này là như thế nào? Phải làm sao chỉ rõ được lần đổi mới này khác với những lần trước như thế nào? Tức là phải đạt cao hơn về chất, phải được lượng hóa, chứ không thể định tính”.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng thẳng thắn: "Báo cáo đánh giá tác động quá ngắn, đọc mà tưởng báo cáo tóm tắt!".

Sau khi chỉ ra, chương trình phổ thông là bước đầu trang bị kiến thức, nhân cách để các em bước vào đời, ông Dũng chỉ  ra những "yếu điểm" của đề án, đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phải chính là việc: "Chương trình ảnh hưởng đến nhân cách của nhiều thế hệ học trò ra sao? Tác động đến phát triển kinh tế xã hội thế nào?”.

Học sinh Việt Nam không biết Phidel là ai?

Sau khi đề cập tới tính khả thi của đề án, ông Ksor Phước kể một câu chuyện khiến nhiều người giật mình: “Tôi đi tháp tùng Thủ tướng, chụp ảnh với ông Phidel về khoe cháu thì không ai biết cả. Ở Cuba ai cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng con cháu của chúng ta 30 tuổi mà không biết Phidel là ai? Thế thì chết rồi. Đây là sản phẩm của giáo dục. Không khéo về sau con cháu không biết là ai, mà chỉ quan tâm đến những cái đương thời thôi. Vì thế, tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì? Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần”.

Ông KSor Phước nói về đề án đổi mới SGK: Tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì?
Ông KSor Phước nói về đề án đổi mới SGK: Tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì?

Ngay trong báo cáo của Bộ Giáo dục cũng đang loay hoay với một số bất cập như:

Hội đồng chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thành lập sau các ban soạn thảo chương trình ở mỗi cấp học; không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung của giáo dục phổ thông.

Còn thiếu một số công trình nghiên cứu cần thiết cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Việc xin ý kiến góp ý của các đối tượng trong và ngoài ngành giáo dục cho dự thảo chương trình, SGK chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả; chưa đáp ứng tốt yêu cầu về tập huấn, điều kiện làm việc, cung cấp thông tin… cho các tác giả chương trình và tác giả SGK.

Không bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chưa nhận thức và thực hiện đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Nhìn chung, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, SGK, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu.

Thiếu quy hoạch phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, đội ngũ này vừa thừa, vừa thiếu. Phương thức đào tạo trong các nhà trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp.

Quản lý, chỉ đạo việc thực hiện chương trình, SGK ở địa phương còn mang nặng tính hành chính, thiếu các giải pháp quản lý hữu hiệu phù hợp với từng địa phương. Việc hướng dẫn, tạo điều kiện vận dụng chương trình theo đặc điểm vùng miền và từng loại đối tượng chưa cụ thể, rõ ràng. 

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về mục tiêu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam có đạt được mốc tiên tiến khu vực hay không?

Ông Phan Trung Lý đặt thẳng câu hỏi: "Năm 2000 ban hành Nghị quyết 40 về đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Vậy kết quả thực hiện Nghị quyết 40 được gì? Giờ sửa mới thì ra sao? Nếu không luôn đổi mới mà không ổn định. Chúng ta cứ loay hoay từ năm 2000 đến giờ. Những gì cần sửa đã đưa vào trong Luật giáo dục đại học rồi. Giờ phải lấy ý kiến chuyên gia. Đánh giá không phải là đánh giá về tác động tâm lý học sinh, mà phải đánh giá tác động của phương án quy định".

Trước những khó khăn chất đầy như núi với đề án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo lắng về tiến độ thực hiện nếu đề án được thông qua.

“Còn có 1,5 năm nữa thôi, từ nay dựng xong chương trình - SGK, nâng cao năng lực trình độ, đáp ứng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai. Hai điều kiện này có khả thi không, có làm được không? 10 năm đổi mới chương trình, bổ sung SGK thì hay dở phải tiếp tục. Đổi mới có kế thừa chứ không phải cái gì cũng mới cả. Mới mà không kế thừa thì gay go. Từ đó mới ra quan điểm, mục tiêu yêu cầu đối vói chương trình, sách, tiếp tục thì như thế nào? Viết thế này chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Bây giờ là cải cách hành chính, vậy chương trình sách mới phải thế nào? Ba lô giờ to hơn là không được. Thủ tục phải công khai minh bạch, cái gì có lợi cho dân thì áp dụng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngọc Quang