Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1987, giáo viên dạy môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Mường Lát, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã viết đơn xin ra khỏi biên chế của ngành giáo dục.
Ngày 9/10, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thành (quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết, cô lên công tác trên huyện Mường Lát vào tháng 10/2011, nhưng đến nay do điều kiện hoàn cảnh của gia đình nên cô đã xin ra khỏi biên chế của ngành để chuyển sang công việc khác.
Đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Thành, giáo viên Trường Trung học phổ thông huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh Thanh Hoa) |
Sau nhiều lần đắn đo, trăn trở, cô Thành đã quyết định viết đơn gửi Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông huyện Mường Lát và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa xin giải quyết cho cô nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục theo đúng quy định của ngành bắt đầu từ ngày 10/10/2017.
Trong đơn gửi ban lãnh đạo cô Thành nêu: "Tính đến thời điểm này, tôi đã công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát gần 7 năm. Gia đình tôi cách nơi công tác gần 250 km.
16 kế toán trường học ở Như Thanh hy vọng được giải cứu(GDVN)- Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý để các ngành, địa phương tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý... |
Bố mẹ ở quê đều đã có tuổi, hai con thơ dại, cần người chăm sóc, dạy dỗ.
Bản thân tôi khi cố gắng bám nghề cũng phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái về tâm lý, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, do đồng lương quá ít ỏi không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con.
Một lý do quan trọng hơn, hơn một năm nay tôi đã tìm đúng được con đường tôi nên đi đó là thuốc nam và dược liệu.
Nên mặc dù còn rất yêu nghề giáo với bao trăn trở và hoài bão nhưng tôi còn yêu nghề thuốc nam và dược liệu hơn nhiều.
Tôi tin những gì tôi tâm huyết và chưa làm được trong thời gian còn công tác trong ngành giáo dục thì sẽ được đóng góp và phát huy nhiều hơn trong lĩnh vực mới mà tôi đã lựa chọn"
Mặc dù đi đến quyết định rời xa mái trường, rời xa các học trò vùng cao nhưng cô Thành vẫn mang nhiều tâm sự, nặng lòng với nghề.
“Dù xin ra khỏi ngành giáo dục tôi vẫn luôn khẳng định mình còn rất yêu nghề và không nuối tiếc một phần đời thanh xuân đã qua.
Không yêu sao 7 năm bám núi 250km xa con.... 7 năm trời tưởng như 1 cái chớp mắt, những ai kinh qua miền núi, là phụ nữ sẽ hiểu...
Cô Nguyễn Thị Thành bên những học trò vùng cao huyện Mường Lát (Ảnh Thanh Hoa) |
Nếu được phép lựa chọn lại thời điểm 7 năm về trước sẽ vẫn chọn nghề giáo. Nhưng nếu cho quyết định lại tại thời điểm này vẫn chọn đúng như những gì đã - đang diễn ra....”, cô Thành chia sẻ.
Được biết, cô Thành đã có gia đình và hai con nhỏ, con lớn mới 4 tuổi ở cùng bố và ông bà, còn con nhỏ mới 20 tháng tuổi ở cùng cô.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thanh Hóa báo cáo vụ 647 giáo viên mất việc |
Nhận thấy điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt, công việc đi lại khá xa nhà nên cô đã quyết định xin ra khỏi biên chế của ngành để về nhà làm nghề bốc thuốc nam, dược liệu.
“Bên gia đình ngoại và chồng tôi đều làm nghề giáo nên khi tôi đưa ra quyết định, mọi người thân đều suy sụp.
Bố mẹ thấy làm tiếc nuối, buồn phiền và khuyên tôi suy nghĩ lại, song tôi đã quyết tâm đi theo nghề khác.
Bố mẹ ở quê đều đã có tuổi rồi, trong khi tôi còn hai con nhỏ rất cần có người bên cạnh chăm sóc, dạy dỗ. Trong khi đó đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống gia đình.
Khoảnh khắc cô Nguyễn Thị Thành bên con gái của mình |
Chỉ cần là người mẹ, người cô thành công với chính 2 đứa con mình, tôi cho rằng đó đã là điều xứng đáng hi sinh...”, cô Thành chia sẻ.
Được biết, trong suốt 12 năm học phổ thông, cô Thành đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh cả 3 môn Văn, Sử, Địa. Trước khi trở thành giáo viên, cô Thành đạt số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế năm 2005.
Trước đây, năm 2016, tại Thanh Hóa có trường hợp cô giáo Vũ Thương Hà, sinh năm 1982, công tác tại Trường Tiểu học xã Định Công, huyện Yên Định đã viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục.
Cô Hà vào ngành từ tháng 10/2003, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ, là giáo viên Tiếng Anh.
Thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2016, Thanh Hóa có hơn 10.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm hệ chính quy, nhưng chỉ khoảng 3.800 người tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Hơn 6.000 sinh viên còn lại thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Những năm gần đây, do tình trạng dôi dư giáo viên, các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định, Cẩm Thủy... cắt giảm biên chế, chấm dứt hợp đồng đứng lớp khiến nhiều thầy cô rơi vào cảnh thất nghiệp. |