Giáo viên kiếm tiền dịp hè nhờ nghề tay trái

06/08/2018 07:30
LÃ TIẾN
(GDVN) - Trong dịp hè năm nay, nhiều giáo viên tại Hải Phòng tranh thủ tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và thỏa mãn đam mê của mình.

Thực tế hiện nay, nhiều thầy, cô giáo ở các bậc học ngoài công việc giảng dạy ở trường, họ còn tranh thủ làm thêm các công việc khác nhau để có thêm thu nhập nhằm ổn định cuộc sống.

Đủ nghề tay trái

Chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng) lúc hơn 11 giờ trưa khi cô vừa mới mang các đồ dùng học tập tới giao cho các trường trở về nhà.

“Dù trời nắng nóng nhưng chúng em vẫn phải kịp giao hàng cho nhà trường để có đủ đồ dùng phục vụ năm học mới”, cô Thảo nói.

Trước đây, cô Thảo từng là giáo viên dạy thanh nhạc ở Trường Tiểu học Chu Văn An. Năm học 2018-2019, cô Thảo luân chuyển về công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ.

Vốn có kiến thức về âm nhạc nên dịp nghỉ hè, cô thường nhận dạy nhạc cho một số học sinh của bạn bè quen biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo cùng nhân viên tư vấn bán đồ dùng học tập cho các bậc phụ huynh tại Hải Phòng (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo cùng nhân viên tư vấn bán đồ dùng học tập cho các bậc phụ huynh tại Hải Phòng (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Mùa hè rảnh rỗi, ngoài giờ dạy nhạc, cô giáo Thảo còn mở thêm cửa hàng cung cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường học tại Hải Phòng.

Chính vì thế, công việc của cô Thảo những ngày hè khá bận rộn, hôm thì đi xuống các trường tư vấn mua hàng, chuyển hàng cho khách, hôm thì lên tận các công ty thiết bị trường học trên Hà Nội để tìm nguồn hàng mới.

Mùa hè cũng là thời điểm của thầy N.Đ.Th, giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An) bận rộn hơn.

Thời gian này, thầy tập trung bán đồ gỗ mỹ nghệ qua mạng. Hằng ngày, thầy thường đi đến các xưởng chế tác của người dân trên đường Trần Nhân Tông (quận Kiến An) để xem hàng.

Tìm được những món đồ vừa ý, sau khi thống nhất với chủ cửa hàng, thầy dùng điện thoại di động chụp hình và đưa lên trang Facebook, Zalo cá nhân để giới thiệu.

Có người mua, nếu khoảng cách 40 km trở lại, thầy Th. dùng xe máy giao hàng tận nơi, còn ở xa thì gửi xe ô tô tải.

Từ nguồn thu nhập thêm này, mỗi tháng cô Thảo, thầy Th. cũng kiếm thêm được vài triệu đồng, tăng thêm thu nhập cho gia đình và trang trải cuộc sống.

Nhưng không vì thế mà cô Thảo, thầy Th. xao nhãng công việc chính dạy học ở trường, mà luôn hoàn thành tốt nhiệm và hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo nhà trường giao phó.

Từ ngày về Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đến nay được 6 năm, mỗi dịp hè đến, cô giáo Nguyễn Thị Trang lại tìm việc để làm thêm.

Những năm trước, cô thường bán hàng quần áo trên mạng xã hội. Năm nay, cô Trang xin đi làm công nhân may.

“Để kiếm việc thì không khó. Tôi tham gia vào nhóm việc làm Hải Phòng trên mạng nên tìm được rất nhiều thông tin việc làm. Quan trọng nhất là lựa chọn cho mình công việc phù hợp với sức khỏe, đi lại và thời gian”, cô Trang chia sẻ.

Những giáo viên không có nghề tay trái ổn định như thầy Th., cô Thảo thì tìm việc tự do phù hợp với mình.

Do chỉ có 3 tháng hè ngắn ngủi nên giáo viên hợp đồng không được trả lương trong hè thường lựa chọn công việc có tính thời vụ như làm nhân viên phục vụ tại các cửa hàng, bán hàng qua mạng, dạy bơi, võ...

Nguồn thu nhập chính

Theo khảo sát cho thấy, các giáo viên đến với nghề “tay trái” thường là những giáo viên không dạy thêm, chủ yếu là dạy các môn phụ.

Sau khi hoàn thành công việc ở trường, họ sắp xếp thời gian những lúc rảnh rỗi, ngày nghỉ hoặc dịp hè, mỗi người chọn cho mình một công việc làm thêm phù hợp để tăng thêm thu nhập.

Tuy là công việc làm thêm trong dịp hè nhưng lại trở thành nguồn thu nhập chính đối với nhiều giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết dịp hè, thu nhập mỗi tháng của cô từ 5-7 triệu đồng.

Số tiền này cô dùng để đóng bảo hiểm nhân thọ cho con trai và trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải) tư vấn các mẫu đồ dùng học tập cho các nhà trường (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo (bên phải) tư vấn các mẫu đồ dùng học tập cho các nhà trường (Ảnh: Lã Tiến)

“Nếu không đi làm thì mọi khoản chi tiêu lại phải phụ thuộc vào bố mẹ. Trong năm học, tuy tôi có lương nhưng cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày, tiền tích lũy không đáng kể”, cô Thảo nói.

Không chỉ đối với giáo viên hợp đồng, ngay cả giáo viên trong biên chế thì nguồn thu từ việc làm thêm cũng đáng kể.

Hiện nay, do lương của giáo viên còn thấp nên để trang trải cho cuộc sống gia đình không đơn giản.

Có uy tín, lại chăm chỉ, mỗi tháng hè thầy giáo Th. thu nhập từ 10-15 triệu đồng nhờ làm thêm, gấp đôi, gấp ba so với lương được lĩnh trong năm học.

Tuy nhiên, làm việc trái nghề nên để kiếm được tiền không dễ. Nhiều người không chịu được áp lực của công việc đã bỏ giữa chừng.

Công việc của thầy giáo Th. cũng rất vất vả, phần lớn làm ngoài trời và phải mang vác, vận chuyển các món hàng cồng kềnh… Người không có sức khỏe, khả năng chịu đựng thấp sẽ khó theo.

Để đáp ứng được công việc làm may, cô Trang phải rèn luyện tay nghề, tìm hiểu qua một vài người bạn đang làm ở công ty mình xin việc để biết cách thức tổ chức, áp lực công việc...

Ngoài mục đích tăng thu nhập, nhiều giáo viên tìm nghề làm thêm với mong muốn được trải nghiệm, có thêm kiến thức, kỹ năng sống để dạy học sinh.

Cô giáo Trang nhận xét: “Qua mỗi công việc, tôi tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống.

Những điều này rất bổ ích để tôi có thể tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh khi đang chuẩn bị bước vào đời”.

Theo tìm hiểu, mặc dù vất vả kiếm thêm đồng tiền từ việc làm thêm là vậy nhưng các thầy, các cô vẫn không quên công việc chính giảng dạy và không từ bỏ nghề.

Các giáo viên đều kỳ vọng thời gian tới không phải trăn trở về việc lương không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Có như vậy giáo viên sẽ toàn tâm, toàn ý chăm lo chuyên môn, hết lòng với học sinh mà không còn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền.

LÃ TIẾN