Hiệu trưởng trường cao đẳng Lý Tự Trọng vẫn tiếp tục tự nhận là Tiến sĩ

12/04/2016 07:42
Phương Linh
(GDVN) - Dù đã được các cơ quan quản lý yêu cầu không được phép xưng là Tiến sĩ, nhưng ông Phạm Hữu Lộc vẫn dùng học vị Tiến sĩ trong các giấy tờ mà ông ký.

Mới đây nhất, một số giáo viên của trường cao đẳng Lý Tự Trọng, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục gửi thông tin về báo điện tử Giáo dục Việt Nam, việc Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc tiếp tục sử dụng học vị Tiến sĩ trong các giấy tờ có liên quan đến trường.

Cụ thể, trong thư giới thiệu tuyển sinh của trường gửi tới các trường trung học trong thành phố, dưới phần ký tên của mình, ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng đã ghi rõ là NGUT.TS. (Nhà giáo ưu tú – Tiến sĩ).

Tiếp theo, trong thẻ sinh viên mới đổi cho các sinh viên của trường, Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc ngày 29/3/2016 ký, cũng tiếp tục ghi mình là NGUT.TS.

Điều đáng nói, việc xưng danh Tiến sĩ này hoàn toàn trái với yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, được thể hiện trong văn bản số 4055 do Giám đốc Lê Hồng Sơn ký mới đây.

Thẻ sinh viên ông Phạm Hữu Lộc ký có ghi rõ là NGUT - TS (Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ).
Thẻ sinh viên ông Phạm Hữu Lộc ký có ghi rõ là NGUT - TS (Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ).

Theo văn bản này, người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố đã đề nghị ông Phạm Hữu Lộc ngưng sử dụng văn bằng Tiến sĩ này trong nhà trường, kể cả các văn bằng khác của các cán bộ, giáo viên do nước ngoài cấp, mà chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.

Trước đó, Cục khảo thí – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết, văn bằng Tiến sĩ của ông Lộc có nằm trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ hợp pháp, được công nhận ở nước Nga.

Thư ngỏ giới thiệu tuyển sinh của trường Lý Tự Trọng, do ông Lộc ký cũng ghi rõ NGUT - TS (Ảnh: P.L)
Thư ngỏ giới thiệu tuyển sinh của trường Lý Tự Trọng, do ông Lộc ký cũng ghi rõ NGUT - TS (Ảnh: P.L)

Thế nhưng, văn bằng do Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống, Liên Bang Nga cấp lại chưa được công nhận tại Việt Nam. Lý do, chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Viện này tại TP.Hồ Chí Minh vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tại Việt Nam.

Nhằm thông tin khách quan, trung thực về sự việc này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với trường cao đẳng Lý Tự Trọng, hẹn gặp làm việc với ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, một nhân viên tên Sa của phòng Hành chính – Tổng hợp cho biết, ông Lộc đi họp đột xuất, không có mặt tại trường. Khi liên tục liên hệ qua số máy di động cá nhân của ông Lộc, nhưng vị Hiệu trưởng này cũng không thấy nghe máy.

Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã để lại tin nhắn cho ông Lộc được biết, với nội dung hẹn gặp để làm việc xung quanh các ý kiến, thắc mắc của giáo viên, nhưng cũng không thấy ông Phạm Hữu Lộc hồi âm lại.

Phương Linh