Học trò viết thư gửi Phó thủ tướng từng đau khổ vì phải đi học thêm

22/08/2014 06:36
Xuân Trung
(GDVN) - “Tác động duy nhất để em viết bài này là lương tâm. Em muốn có một kỳ thi tốt nhất cho các bạn, 2-3 thế hệ sau này”.

Sau khi bức tâm thư giãi bày những suy nghĩ về chuyện học và thi hiện nay ở phổ thông của em Phan Hưng Duy (hoc sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Đốc – An Giang) được đăng tải, rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ những khó khăn,thách thức mà ngành giáo dục đang gặp. Phan Hưng Duy cũng cho rằng, em viết bức thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xuất phát từ lương tâm của mình, không chịu bất cứ một sự tác động nào.

Từng nghĩ tới cái chết vì phải đi học thêm

Tâm sự thêm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, em Phan Hưng Duy cho biết, trong lòng em đã nung nấu mình phải làm điều gì đó như góp một viên sỏi để xây dựng nền giáo dục nước nhà, mặc dù em là người sống khá nội tâm, ít nói nhưng theo dõi về chuyện học, chuyện thi cử và đổi mới giáo dục em không thể ngồi yên với tư cách là người học sinh.

Duy thẳng thắn rằng, bản thân em lớn lên trong tiêu cực của giáo dục. Tuổi thơ đi học của em, chỉ có những niềm vui với bạn bè, còn tình thầy trò, tình thương yêu của thầy cô với em là điều xa xỉ. 

Duy và mẹ, người mà em bảo rất khó tính nhưng cũng chỉ vì thương em. Ảnh nhân vật cung cấp
Duy và mẹ, người mà em bảo rất khó tính nhưng cũng chỉ vì thương em. Ảnh nhân vật cung cấp

Duy tâm sự em luôn bị bắt phải giải toán, viết văn theo cách của thầy cô, theo những bài văn mẫu thầy cô đưa ra không được sai dù chỉ một chữ. Trong khi đó tính của em tuyệt đối không chấp nhận chuyện gò bó. Lên đến cấp 2, mọi chuyện càng tồi tệ hơn, bài học mà Duy được dạy ở đó là "phải đi học thêm, nếu không sẽ bị đì, mất danh hiệu học sinh giỏi".

“Ban đầu em cũng nghe lời ba mẹ, em đi học thêm 5 môn: Toán, Lí, Hoá, Văn, Anh. Nhưng sau đó, em thấy không hiệu quả vì thầy cô dạy câu giờ, toàn dạy những thứ có trong đề kiểm tra để học sinh của mình điểm lớn... Và nhất là em thấy ba mẹ lao tâm lao lực vì em, hao mòn sức khoẻ, em không chịu được. Em mon men ý định xin nghỉ học thêm, và các thầy cô biết được” Duy tâm sự. Nói với chúng tôi, Duy cũng cho rằng điều bất hạnh nhất của em là em có được ảnh hưởng với bạn bè, nên việc học thêm Duy nghỉ thầy cô nào các bạn cũng sẽ nghỉ thầy cô đó. Không có học sinh học thêm, một vài giáo viên đến nhà nói xấu Duy với bố mẹ em.

“Mẹ em – một người nội trợ đã tin các thầy cô và đánh em, mắng em rất nhiều và rất đau. Em chịu đựng những trận đòn, những áp lực điểm số, áp lực phải phục tùng những người thầy cô giả hiệu đó một thời gian dài, không những thế họ còn nói xấu em với các bạn, nói em biến thái đa tình, nói em hút thuốc lá... khiến em mất rất nhiều bạn.... đến khi em không chịu được (những trận đòn, stress...) nữa thì 1 buổi chiều nọ sau 1 trận đòn, em nói với mẹ "hoặc là con chết, hoặc là con tiếp tục đi học thêm", mẹ em nói "đi học thêm", tối hôm đó em lấy sẵn 1 cây dao để tự sát” Duy nghẹn ngào.

Học trò viết thư gửi Phó thủ tướng từng đau khổ vì phải đi học thêm ảnh 2

Lo lắng học- thi, một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

(GDVN) - Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ...

Chuyện muốn tự tử của Duy bị anh trai phát hiện, khi nhìn thấy cảnh tượng đó anh trai và Duy đã ôm chầm lấy nhau khóc rất nhiều. Cả nhà biết chuyện và đã tìm cách thuyết phục mẹ em, từ đó em được nghỉ học thêm. Khi mẹ Duy đã hiểu hơn về cậu con trai thì mọi trù dập về điểm số của giáo viên đối với Duy là vô nghĩa – đó là quãng thời gian cuối những năm THCS, Duy không coi trọng danh hiệu học sinh giỏi.

Thời gian học ở THPT cũng không khác THCS là mấy, đối với Duy đó là quãng thời gian cảm giác như đang bị đi tù chứ không còn là đi học. 

“Em luôn cảm thấy đau lòng khi người Việt Nam vốn rất sáng tạo, thông minh lại chỉ vì một nền giáo dục tệ hại mà không thể vươn mình tài giỏi. Em viết chỉ để góp một viên đá nhỏ để trùng tu, chấn hưng lại nền giáo dục nước nhà, và để cho những thế hệ sau không phải lớn lên trong một nền giáo dục tệ hại, như em đã từng” Duy bày tỏ.

Chia sẻ thêm về lí do vì sao viết bức tâm thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mà không phải cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT? Duy cho biết, có hai lí do, thứ nhất bản thân Duy theo dõi nhiều các cuộc nói chuyện, trao đổi của Phó thủ tướng thấy rằng là người đăng đàn, phát ngôn nhiều nhất về đổi mới kỳ thi quốc gia, cải cách giáo dục. 

Lí do khác, Duy nói rằng muốn viết thư cho Phó thủ tướng vì sự kính trọng và em gần như thuộc tiểu sử của Phó thủ tướng, Duy đã bị chinh phục hoàn toàn khi xem các clip Phó thủ tướng nói chuyện với học sinh, sinh viên.

Về lí do vì sao không viết cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Duy cho biết: “Có lẽ vì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gần dân hơn so với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận”?.

Lương tâm của một học trò

Phan Hưng Duy còn cho biết, tác động lớn nhất để em viết bức thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là lương tâm. Duy muốn có một kỳ thi tốt nhất cho các bạn thay vì quá chú trọng vào việc đổi mới kỳ thi theo Duy là vốn không thể rốt ráo chấn hưng căn bản và toàn diện nền giáo dục. Duy góp ý, Bộ GD&ĐT nên trọng tâm vào việc xây dựng lại toàn bộ hế thống giáo dục, bắt đầu từ mầm non.
Duy cũng bày tỏ, trong các tư tưởng đổi mới giáo dục có thể có những quan điểm khác nhau, đó là  điều bình thường. Việc viết thư gửi lãnh đạo Chính phủ cũng là một quan điểm để đóng góp cho nền giáo dục.

Học trò viết thư gửi Phó thủ tướng từng đau khổ vì phải đi học thêm ảnh 3

"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến!

(GDVN) - Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực cho đất nước giống như một bài toán có lời giải nhưng việc áp dụng như thế nào lại là đáp số rất khó.

“Con luôn rất kính trọng  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cũng như các vị lãnh đạo các cấp Bộ, Sở - vì các vị đã lao tâm lao lực cho ngành giáo dục trong nhiều năm, nhiều vị thậm chí đã làm giáo dục cả một đời người. Con là một học sinh, các bác là những nhà lãnh đạo, hoạch định chiến lược. 

Có thể những quan điểm của con không đồng với những phương án, cách nhìn của các bác, đó là điều đương nhiên, vì con còn quá nhỏ và dại khờ. Con chỉ mong mỏi thiết tha bên cạnh những kiến giải ngây ngô, lập luận còn non nớt của con, các bác có thể tìm thấy được những tâm tình, nguyện vọng của các bạn học sinh, thầy cô giáo cũng như một chút gợi ý nhỏ nhoi cho những thay đổi nếu có của kỳ thi quốc gia hay chương trình giáo dục phổ thông” Duy tâm sự.

Em cũng nói tiếp, sự khác biệt hoàn toàn là vô nghĩa khi bản thân Duy cũng như những người có trách nhiệm luôn nhìn về một hướng chung – vì một nền giáo dục hoàn hảo, tốt nhất cho Việt Nam, để nước ta vươn mình mạnh mẽ trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa, đủ sức mạnh để lấy lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

“Người ta nói "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng", cũng vậy, con và các bác đều cùng nhìn về một hướng nên hẳn là rất thương quý nhau, nên nếu con có những phút bốc đồng, sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ thái quá, không giữ được sự kính trọng với các bác, con xin các bác hãy bao dung, tha thứ cho con. Dần dần con sẽ thay đổi không còn bồng bột như thế nữa” Duy chân thành.

Đọc bức tâm thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam của Phan Hưng Duy, trước những lập luận logic, dùng từ ngữ, lối viết cứng rắn, sắc sảo, nhiều người không tin đây là bài viết của một học trò lớp 12. Trước hoài nghi này, Duy khẳng định không có ai chắp bút cho em, thậm chí khi em nói với ba mẹ em viết bài về giáo dục gửi cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ba mẹ còn có ý ngăn cản vì sợ em làm ảnh hưởng việc học (theo lời Duy, mẹ em rất khó và quản lý em chặt chẽ, chỉ muốn em học và phụ việc cho ba – ba Duy là thợ trồng răng giả).

Xuân Trung