LTS: Trước sự hủy hoại ghê gớm của vấn nạn dạy thêm học thêm đối với nền giáo dục nước nhà, với mong muốn góp phần vào bản đồng ca của nhân dân kêu gọi giải phóng học sinh thoát cảnh "măng non bị cối đá ụp đầu", thầy giáo Xuân Vi đã có bài viết chia sẻ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Dạy thêm học thêm là vấn đề chưa bao giờ cũ và luôn luôn nóng bỏng trong xã hội.
Dạy thêm học thêm là một nhu cầu chính đáng và có thật của cả người dạy và người học.
Song, nếu nhìn nhận vấn đề không thấu đáo để định hướng sẽ thiếu nhân văn và lợi bất cập hại.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: laodong.vn). |
Tôi xin trình bày quan điểm cá nhân của mình để giải thích vì sao nhân dân vẫn cần học thêm, vẫn cho con đi học thêm nhưng vẫn lên án dạy thêm học thêm dữ dội như vậy?
Dạy thêm có hai loại: dạy thêm chân chính và dạy thêm bất chính.
Dạy thêm chân chính cũng có hai trường hợp
Dạy thêm không thu tiền: Đó là dạy thêm cho học sinh được phân công giảng dạy hàng ngày trong giờ chính khóa.
Luật Giáo dục quy định rõ "phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ của giáo viên bộ môn, không được thu tiền"; dạy thêm của những thầy cô giáo lo cho chất lượng chung của lớp mà ôn tập cho lớp được phân công; dạy thêm của những tấm lòng từ thiện đem chữ đến cho người nghèo khổ.
Việc dạy thêm này tôn vinh giá trị người thầy giáo, làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên thiêng liêng cao quý và làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dạy thêm có thu tiền với học sinh không chính khóa: Là dạy thêm của người làm gia sư; dạy thêm của những thầy cô giáo đã nghỉ hưu; dạy thêm của những thầy cô đang dạy trong các trường công lập cho học sinh không được phân công giảng dạy hằng ngày nhưng được học sinh, phụ huynh yêu mến tin tưởng và đề nghị; dạy thêm của những giáo viên đang thất nghiệp hoặc dạy trong trường dân lập...
Phạt dạy thêm bằng tiền chỉ hạn chế được kiểu dạy thêm kiểu...cò con |
Dạy thêm học thêm loại này vận hành theo cơ chế thị trường thuận mua vừa bán hoàn toàn tự nguyện.
Giữa hai bên hoàn toàn không có sự ràng buộc gì để cưỡng bức, khống chế nhau ngoài niềm tin.
Người dạy phải có năng lực, uy tín, phải cố gắng thường xuyên để đảm bảo chất lượng lâu dài. Nếu không sẽ mất học sinh hoặc không ai thèm học.
Không có điều luật nào cấm được vì đó là quyền làm việc, quyền học tập và sự tự nguyện hoàn toàn hợp pháp.
Dạy thêm học thêm bất chính
Đây là dạy thêm của giáo viên công lập có thu tiền đối với học sinh chính khóa. Không có nước nào trên thế giới cho phép.
Để kiếm được nhiều tiền, kiếm nhiều lần từ một học sinh, người dạy đã phát huy tối đa quyền quyết định nhiều mặt của mình để ép học sinh học thêm (các thủ đoạn phụ huynh đã nêu trong phạm vi bài này tôi xin được miễn thống kê).
Học sinh là lứa tuổi còn non nớt. Các em hầu như không có khả năng tự vệ trước những thủ đoạn khủng bố tinh thần như lườm nguýt, dọa nạt, cho điểm thấp, thậm chí tìm cớ để "trả thù giáo dục" như cách nói của thầy giáo Sơn Quang Huyến.
Bao nhiêu lá thư đẫm nước mắt, bao nhiêu câu chuyện đau lòng, bao nhiêu lời ca thán đến mức khinh miệt, hận thù đều nhằm vào loại dạy thêm học thêm này.
Lá thư của học sinh Trường trung học phổ thông Núi Thành, lá thư có chữ ký của 20.000 phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối loại hình dạy thêm này gửi Quốc hội chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
Loại dạy thêm này tạo ra một sân chơi ăn tiền bất công giữa người lớn và trẻ thơ. Trong đó, người lớn vừa là người chơi vừa là trọng tài.
Nó bào mòn dần dần lương tâm người dạy. Nói xói mòn niềm tin của phụ huynh, học sinh với thầy cô giáo. Nó phá hủy mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa nhà trường với gia đình học sinh.
Nó làm hình ảnh thầy cô méo mó đến mức thảm hại trong mắt nhân dân và nhất là tạo ra nhiều lớp người quen cam chịu cảnh măng non bị cối đá úp đầu trong cả một quá trình ngồi trên ghế nhà trường.
Vì vậy, nhà trường có thể tổ chức cho học sinh học thêm, nhưng nhất định không được phép dạy thêm cho học sinh chính khóa để thu tiền. Dạy thêm cho học sinh chính khóa không được thu tiền trong mọi hoàn cảnh.
Phải cấm giáo viên dạy thêm có thu tiền cho học sinh chính khóa ở mọi cấp học, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào mới là đạo lý.
Còn để dạy thêm cho học sinh chính khóa để thu tiền, mọi cải cách giáo dục sẽ trở nên vô nghĩa.