Tốt nghiệp loại xuất sắc, hiện Vũ Phương Thảo không đi xin việc làm, mà tập trung vào dự án cá nhân về tiếng Anh dành cho trẻ em.
Bí quyết học tiếng Anh giỏi
Nói về quá trình học tiếng Anh của mình, Vũ Phương Thảo chia sẻ, em đã bắt đầu bằng những thói quen hết sức bản năng, nhưng đã cố gắng không mệt mỏi để có thể sử dụng tiếng Anh một cách lưu loát.
Đến với tiếng Anh khi mới chỉ học lớp 1, khi mà ở tỉnh Đồng Nai lúc đó vẫn chưa có nhiều trung tâm ngoại ngữ lớn, có người nước ngoài dạy như bây giờ, Thảo chỉ có thể học qua sách vở, với giáo viên người Việt và học qua băng cassette, nghe đi nghe lại nhiều lần.
Khi vào cấp trung học cơ sở, gia đình Thảo chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh. Phải thay đổi môi trường học tập, nhưng cô gái sinh năm 1995 này lúc nào cũng tự tin vào vốn ngoại ngữ là thế mạnh của mình.
Lúc đó, em “đánh” liều ghi danh vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, và may mắn được chọn đi thi học sinh giỏi cấp quận, để chọn ra người đi thi cấp thành phố.
Do khối lượng kiến thức ngữ pháp, từ vựng đòi hỏi trong bài thi học sinh giỏi cấp thành phố tăng lên rất nhiều, vả lại thời gian đó, em hơi chểnh mảng, cộng thêm lúc nào cũng tự tin vào thế mạnh vốn tiếng Anh của mình, nên kết quả của kỳ thi năm ấy, Thảo đã là người duy nhất bị rớt lại trong tổng số 20 bạn đi thi.
Thảo cảm thấy buồn, xấu hổ, nên em đã chú ý nhiều hơn nữa vào việc học, nhất là tự học, với một kế hoạch và mục tiêu thật rõ ràng.
Vũ Phương Thảo đã dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc học ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh. Em mua thêm thật nhiều sách hơn nữa để về đọc, và tự học thêm.
Lúc nào em cũng tranh thủ tối đa dành cho việc học tiếng Anh, thậm chí là dậy từ 5h sáng mỗi ngày để làm bài tập, học thêm từ vựng hay ngữ pháp vào giờ chơi, giờ chuyển tiết ở trường.
Vũ Phương Thảo trong ngày nhận bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Sư phạm thành phố (ảnh: NVCC) |
Sau giờ học ở trường, Thảo lên phòng lab luyện thi tiếng Anh qua các phần mềm đến tận gần 22h mỗi ngày.
Cứ như thế, đều đặn mỗi ngày, cả 4 kỹ năng cần thiết cho việc học tiếng Anh (nghe, nói, đọc và viết) của Thảo đang tăng dần.
Đặc biệt, Thảo còn nói rằng, bí quyết học tiếng Anh tốt của em là qua thơ, nhất là đối với kỹ năng nghe và đọc.
Với vần điệu, hành ảnh và thông điệp rõ ràng, Vũ Phương Thảo cho rằng, đây chính là cách học tiếng Anh làm cho em nhớ, hứng thú và dễ học hơn. Với cách học này, em sẽ biết được thêm nhiều từ vựng, nghe và đọc tốt hơn.
Không chỉ tiếng Anh, mà các môn học khác ở trường, Thảo cũng giành điểm số rất cao, tham gia vào rất nhiều hoạt động phong trào, công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án tâm huyết: Tiếng Anh dành cho trẻ em
Tốt nghiệp ở một trường đại học uy tín loại xuất sắc, Vũ Phương Thảo đã từ chối rất nhiều cơ hội nghề nghiệp ở những công ty có uy tín.
Phương Thảo đã tự chọn cho mình một công việc, thực hiện dự án tiếng Anh sáng tạo, mong muốn trở thành nhà giáo dục. Theo nữ sinh 9x này, em muốn truyền cảm hứng cho học trò, tạo ra một thế hệ mới có kỹ năng, có kiến thức và cả bản lĩnh.
Dự án của Thảo và một người bạn khác có tên “The learning tree”, nhằm mục đích phát triển kỹ năng tiếng Anh, song song với việc giáo dục tư duy sáng tạo.
Vũ Phương Thảo và các thành viên chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á 2017 (ảnh: NVCC) |
Tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng quan trọng, mà còn có thể mở ra được nhiều cơ hội để phát triển. Chính vì thế, với The Learning Tree, Thảo hy vọng có thể truyền được cho các em nhỏ tình yêu đối với tiếng Anh, có thể sử dụng được công cụ ngôn ngữ này để viết, kể hay sáng tạo những thứ của riêng các em.
Trong tương lai xa hơn một chút, Thảo còn mong rằng, mình có thể trở thành một nhà giáo dục có khả năng truyền cảm hứng, tạo ra một thế hệ trẻ có đủ bản lĩnh, kỹ năng để hội nhập toàn cầu.
Ngoài việc học rất giỏi tiếng Anh, Vũ Phương Thảo còn sở hữu một bảng thành tích rất đáng tự hào: Đại biểu tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP 2017), đại diện cho Việt Nam tham gia diễn đàn lãnh đạo trẻ Châu Á 2016 ở Thái Lan, đại biểu chương trình “Thanh niên Asean và doanh nghiệp xã hội” ở Thái Lan vào năm 2017…
Ngoài ra, Thảo còn lọt vào top 10 xuất sắc nhất của cuộc thi “Asean Citizens 2016”, danh hiệu thanh niên Sư phạm điển hình, sinh viên 5 tốt…
Không những vậy, năm 2017 vừa qua, Vũ Phương Thảo còn đạt danh hiệu “thủ khoa kép”, khi là người có điểm đầu vào và đầu ra đều cao nhất của ngành ngôn ngữ Anh, thuộc Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Với những trải nghiệm của mình, được làm việc trong môi trường đa văn hóa, Vũ Phương Thảo hiện đã lên ý tưởng, thiết kế dự án hậu chương trình “Kiến tạo thế hệ công dân Asean” tại một trường tiểu học ở thành phố.
Cụ thể, Thảo sẽ sử dụng những kiến thức mà mình đã học được trên tàu, truyền đạt lại cho các em nhỏ qua những hình thức như trò chơi, hoạt động tương tác.
Nói về những dự định của mình trong tương lai, Thảo đặt ra mục tiêu cho mình là hằng năm đều có thể đặt chân lên một nước mới, tham gia một hoạt động mới thử nghiệm một điều mới để có thể phát triển bản thân nhiều hơn nữa, nhằm có thể trở thành một nhà giáo dục truyền cảm hứng cho học trò.