Phân vân chuyện có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1?

23/07/2017 07:00
Nguyễn Duyên
(GDVN) - Không cho con học chữ trước 6 tuổi để phát huy khả năng liên tưởng, tư duy sáng tạo nhưng trào lưu học chữ trước khi vào lớp 1 khiến nhiều phụ huynh phân vân.

LTS: Sau khi bài viết “Dạy con học chữ trước 6 tuổi, phụ huynh đang hủy hoại con trẻ những gì?” của Tiến sĩ Vũ Thu Hương được đăng tải.

Tác giả Nguyễn Duyên cũng đã có bài viết chia sẻ về những trăn trở khi đứa con gái đầu lòng chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa lớp 1.

"Cô dạy hời hợt vì ngỡ ai cũng biết chữ rồi"

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi con gái đứng trước ngưỡng cửa vào lớp 1. Bản thân tôi muốn con được học đúng lứa tuổi nhưng xoay quanh vấn đề này vẫn còn nhiều điều phân vân, lo nghĩ.

Nhiều phụ huynh băn khoăn trước việc có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nhiều phụ huynh băn khoăn trước việc có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Cho con đi học trước tuổi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tâm lý, sức khỏe. Chưa nói đến việc thu nhận kiến thức và khả năng sáng tạo bị hạn chế. Nhưng cái mà phụ huynh nhìn thấy trước mắt là sức khỏe của con bị ảnh hưởng.

Nhưng để đưa ra quyết định học hay không học chữ trước khi vào lớp 1 lại không hề dễ dàng.

Tôi đã từng chứng kiến câu chuyện của gia đình bạn tôi, một công chức đang sống và làm việc ở thành phố về việc học của con.

Phân vân chuyện có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1? ảnh 2

Dạy con học chữ trước 6 tuổi, phụ huynh đang hủy hoại con trẻ những gì?

(GDVN) - Nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát thì chắc chắn trẻ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.

Chị bạn kể rằng, khi con trai chuẩn bị vào lớp 1, gia đình đã tìm hiểu nhiều nguồn và quyết định không cho con học chữ trước.

Vạch ra một loạt những tai hại của việc học trước, rồi trích dẫn hàng loạt lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, chị vững tin nghĩ đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Dù rằng, ông bà nội ngoại, anh chị em cũng nhiều lần khuyên chị nên suy nghĩ lại vì hầu hết phụ huynh đều chọn phương án "an toàn" là cho con học trước.

Ba tháng trước ngày khai giảng, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa ngược xuôi đi học chữ, học đếm số thì chị cho con mình đi chơi "thả ga", về thăm quê, đi du lịch đây đó.

Con bước vào lớp 1, chị cũng lo lắng, theo dõi việc học hành của con. Qua tìm hiểu, gia đình mới "té ngữa" khi biết gần 100% các bạn trong lớp đã biết mặt chữ và viết thành thạo các chữ cái.

Cũng vì lý do "cả lớp đã biết hết rồi" nên khi giảng bài ở lớp, cô giáo dạy lướt qua rất nhanh.

Vì vậy nên con trai chị không theo kịp các bạn trong lớp. Xếp loại học kỳ đầu tiên, bé đứng cuối lớp. Thành tích tồi tệ đó đã khiến cháu nảy sinh tâm lý ngại đi học, thậm chí là “sợ” khi đến trường.

Hỏi lý do thì chị phân trần “bé nhiều lần khóc, dù có giải thích với ba mẹ không ngọn ngành nhưng tôi hiểu do con có cảm giác mình kém hơn các bạn nên không tự tin.

Nhiều khi đứng trước câu hỏi của cô giáo, thấy các bạn trong lớp giơ tay xung phong còn bé thì lặng thinh”.

Để xoay chuyển tình hình cho năm lớp 2, gia đình chị đã nhờ cô giáo phụ đạo thêm ở nhà, học thêm ở các lớp... Nhưng suốt hơn một năm "vật lộn" căng thẳng cho việc học ở nhà, ở lớp nhưng con chị vẫn không "đuổi kịp" các bạn.

Và kết cục phụ huynh này đã quyết định để con học lại một năm lớp 1 để củng cố kiến thức.

Giáo dục phải từ gốc rễ

Phụ huynh thì lo sợ con mình không theo kịp bạn nên chạy đua theo trào lưu “cho con học trước”.

Còn giáo viên thì thấy trẻ đã biết chữ hết nên dạy với tâm thế “trẻ đã biết hết rồi”. Điều này khiến cho vấn đề đi vào ngõ cụt mà hậu quả phải gánh là những đứa trẻ.

Phân vân chuyện có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1? ảnh 3

Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học: “Dạy trước lớp 1 là có tội với trẻ con”

(GDVN) - Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trong buổi trao đổi với báo chí chiều tối qua (25/3) về câu chuyện quen thuộc: “Có nên hay không nên cho trẻ học trước lớp 1”.

Điều quan trọng mà phụ huynh cần không phải là con cái xuất chúng, giỏi giang ngay từ khi bước chân vào trường. Mà quan trọng là tạo thói quen và truyền cảm hứng, sự thích thú cho trẻ đến trường.

Nhưng nếu để trẻ có cảm giác lạc lõng, cảm giác kém cỏi thì sự tư ti, mặc cảm sẽ khiến các cháu sợ hãi.

Tâm lý của những ngày đầu đến trường rất quan trọng và để tạo nên sự thích thú, tự tin thì phần nhiều phụ thuộc vào giáo viên.

Liệu rằng đứng trước một lớp học có hơn nửa học sinh đã thuộc lòng các chữ cái thì cô giáo có còn dạy các em chi tiết như “một trang giấy trắng tinh” hay không?

Nhận thức và tiếp thu được bài học là do mỗi cá nhân học sinh. Nhưng giáo dục phải truyền đạt từ gốc rễ và xem các em như một “trang giấy trắng” để có phương pháp giáo dục hiệu quả.

Nguyễn Duyên