Vì sao phụ huynh cứ “sốt xình xịch” chuyện học trước khi vào lớp 1?

23/07/2017 07:12
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Nếu con bị chê, bạn chê, cô chê, người xung quanh chê.... là cha mẹ sốt xình xịch và tự khắc cho con đi học trước khi vào lớp 1.

Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Dạy con học chữ trước 6 tuổi, phụ huynh đang hủy hoại con trẻ những gì?” (ngày 13/7), tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của thầy cô, phụ huynh về vấn đề này. 

Hiện nay là thời gian trẻ chuẩn bị tựu trường thì cuộc tranh luận về việc có nên cho trẻ học trước khi vào lớp 1 hay không đang la chủ đề cực nóng trên các phương tiện thông tin truyền thông và các diễn đàn về giáo dục. 

Mặc dù các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ tuy nhiên rất nhiều cha mẹ vẫn cho con tham gia với sự nhiệt tình cao độ.

Khi trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Tiểu học (Đại học sư phạm Hà Nội) chỉ rõ những nguyên nhân không ngăn cản các cha mẹ tiếp tục dạy trẻ. 

Vì sao phụ huynh cứ “sốt xình xịch” chuyện học trước khi vào lớp 1? (Ảnh minh họa: nguồn VTV)
Vì sao phụ huynh cứ “sốt xình xịch” chuyện học trước khi vào lớp 1? (Ảnh minh họa: nguồn VTV)

Theo đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra 6 nguyên nhân cụ thể như sau: 

Thứ nhất, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (NXB Giáo dục, 5/2002) đã được đưa vào giảng dạy đại trà từ năm học 2002 - 2003 đến nay đã có những thay đổi không hợp lý.

Từ chỗ chữ cái đầu tiên trẻ học là chữ O thì đổi thành chữ E. Đây là chữ cái phức tạp, trẻ không dễ dàng nhớ được.

Vì thế, cha mẹ và thầy cô giáo sốt ruột khi dạy mãi mà trẻ không nhớ. Từ đó, người lớn có tâm lý muốn trẻ học trước để khi vào năm học mới con dễ học hơn. 

Thứ hai, bệnh thành tích

Giữa những cháu ngơ ngác như gà mắc tóc mà trong lớp có một bạn giỏi hẳn lên khi đọc thông viết thạo sẽ khiến cha mẹ nở mày nở mặt. 

Vì sao phụ huynh cứ “sốt xình xịch” chuyện học trước khi vào lớp 1? ảnh 2

Học sinh cả nước tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2017

Từ một vài cá nhân giỏi giang được lấy làm hình mẫu đem khoe cho đến lúc phong trào dạy trước cho con lan rộng, làm rối loạn mặt bằng nhận thức chung của các cháu. 

Khi đó, những cháu chưa học chút gì bị các cô giáo trút giận dữ lên đầu vì họ dạy mãi mà trẻ vẫn ngơ ngác. Điều này không hề thể hiện trình độ của trẻ mà chỉ là cháu chưa học tuy nhiên điều đó sẽ khiến trẻ và gia đình bị áp lực buộc phải học trước.

Ngoài ra, còn có tình trạng ở nhiều nơi không cho học sinh được ở lại lớp (hay còn gọi là “lưu ban”). Vì cứ ép trẻ lên lớp nên chính học lực của các em đuối dần và trở thành một nỗi ám ảnh về việc học.

Và nỗi lo sợ con đuối như vậy nên phụ huynh càng cuống lên và lo cho con học trước. 

Thứ ba, do giáo viên lười. 

Có rất nhiều thầy cô than mệt khi trẻ chưa biết chữ những đó cũng là điều dễ hiểu bởi nếu trẻ học trước thì giáo viên dạy dễ dàng, lớp đông trẻ chưa biết chữ họ dạy khó khăn. 

Vì số đông trẻ đã biết chữ nên nhiều giáo viên lại càng kêu ca. Nếu 100% trẻ không biết chữ thì họ sẽ thấy mọi khó khăn là bình thường. 

Nhưng giờ kêu ca thì được phụ huynh cảm thông và trợ giúp bằng cách dạy trước cho con, cho đi học thêm, thuê gia sư... 

Thứ tư, phụ huynh sợ con vất vả

Có một số cha mẹ thương con, hiểu chuyện nên không cho con học trước. Nhưng khi con vào học, thấy con khó khăn trong việc học chữ thì không chịu nổi phải nghĩ cách giúp con. 

Sau đó họ khuyên người khác dạy trước cho con để khỏi khổ như con họ. Cứ như vậy trở thành một trào lưu. 

Thứ năm, cha mẹ luôn sợ bị chê cười

Nếu con bị chê, bạn chê, cô chê, người xung quanh chê.... là sẽ sốt xình xịch và tự khắc sẽ con đi học trước.

Thứ sáu, ở các thành phố lớn, số học sinh/lớp đông một phần là do một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã gây khó khăn đối với các trường tư thục, không cho mở trường, thậm chí là hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh với họ nên sĩ số của trường công lập đã đông nay lại còn đông hơn. 

Thùy Linh (ghi)