Ấn Độ bất mãn với Pháp, sẽ chuyển sang mua tàu ngầm của Nhật Bản

28/04/2015 06:38
Việt Dũng
(GDVN) - Hợp tác tàu ngầm Pháp-Ấn gặp nhiều trở ngại, Pháp trở thành đối tác "không đáng tin cậy", do đó, Ấn Độ tìm kiếm hợp tác với nước khác để chuyển giao công nghệ.

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 27 tháng 4 đưa tin, chiếc tàu ngầm thông thường lớp Scorpene đầu tiên của Ấn Độ đã hạ thủy vào ngày 6 tháng 4 ở Công ty TNHH đóng tàu Mazagon, Mumbai. Tàu này do Pháp cung cấp công nghệ và bộ kiện quan trọng, lắp ráp sản xuất ở Ấn Độ.

Nhưng, Hải quân Ấn Độ không hài lòng, có nhiều mâu thuẫn trong hợp tác với Pháp, chiếc tàu đầu tiên này hạ thủy chậm tới 2 năm rưỡi, công tác chế tạo chiếc tiếp theo vẫn chưa rõ. Bởi vì, Hải quân Ấn Độ đã quyết định từ bỏ đối tác Pháp, giao hợp đồng mua sắm lô tàu ngầm tiếp theo cho nước khác.

Theo báo chí Ấn Độ, năm 2005, Ủy ban an ninh nội các Ấn Độ phê chuẩn hợp đồng trị giá 4,16 tỷ USD, đặt mua 6 tàu ngầm lớp Scorpene của Công ty DCNS Pháp.

Căn cứ vào yêu cầu, Pháp cần chuyển giao công nghệ để Ấn Độ hoàn thành công tác lắp ráp và chế tạo linh kiện 6 tàu ngầm ở trong nước, theo kế hoạch ban đầu, thời hạn bàn giao chiếc đầu tiên vào tháng 12 năm 2012.

Tuy nhiên, hợp tác Pháp-Ấn sau đó đã gặp trở ngại. Trước hết là, bệ lắp ráp của nhà máy đóng tàu Ấn Độ bị tổ chuyên gia Pháp nhận định là không đạt tiêu chuẩn, phương tiện do Anh chế tạo vốn có của nhà máy đóng tàu Ấn Độ đã phải đổi sang phương tiện hệ mét.

Sau khi cải tạo nhà máy đóng tàu, khi tàu ngầm có thể khởi công chế tạo, Ấn Độ lại phát hiện, do khi ký hợp đồng chỉ chú ý đến thiết kế tàu ngầm, công nghệ chế tạo và hệ thống tác chiến, nhưng không ghi rõ bộ cảm biến, hệ thống đẩy và hệ thống con phải nằm trong hợp đồng. Kết quả là người Pháp đã đẩy giá cả thiết bị từ 800 triệu USD lên 1,3 tỷ USD. Ấn Độ buộc phải chi thêm vài trăm triệu USD.

Sau đó, do nhà máy đóng tàu Mazagao chưa từng tiếp xúc với tàu ngầm có độ chính xác trong gia công với yêu cầu rất cao này, vì vậy, trên các phương diện như hàn vỏ tàu, lắp ráp thiết bị và đặt các đường ống đã nhiều lần bị đội giám sát Pháp và đại diện Hải quân Ấn Độ yêu cầu làm lại, khiến cho công trình liên tiếp bị kéo dài, chi phí chế tạo tiếp tục gia tăng.

Thực ra, lần này, chiếc đầu tiên hạ thủy chỉ là hoàn tất lắp ráp vỏ ngoài và vỏ chịu áp của tàu ngầm, vẫn còn phải chuyển nó đến nhà máy lắp thiết bị quân sự và tiến hành một loạt hoạt động chạy thử.

Nếu tất cả thuận lợi, chiếc tàu ngầm lớp Scorpene vừa hạ thủy này có thể biên chế vào tháng 9 năm 2016. Công ty TNHH đóng tàu Mazagao Ấn Độ cho biết, 5 tàu ngầm lớp Scorpene còn lại sẽ bàn giao với tốc độ “9 tháng hoàn thành 1 chiếc”, nhưng dư luận lại không hy vọng quá lớn đối với vấn đề này.

Tàu ngầm thông thường lớp Scorpene được Pháp công khai chuyên dùng để xuất khẩu vào năm 1996. Tàu này sử dụng vỏ ngoài hình giọt nước, biên chế 31 người, trực ban thông thường chỉ cần 9 người.

Tháng 12 năm 1997, Hải quân Chile từng đặt mua 2 tàu ngầm loại này, chiếc đầu tiên khởi công chế tạo vào tháng 7 năm 1998 ở nhà máy đóng tàu Cherbourg, Cục đóng tàu Pháp. Hải quân Tây Ban Nha cũng từng đặt mua 4 tàu ngầm loại này.

Lớp Scorpene do Ấn Độ đặt mua có lượng giãn nước khi lặn từ 1.650 tấn loại cơ bản tăng lên 1.750 tấn (2 chiếc cuối cùng còn muốn lắp hệ thống đẩy AIP,  lượng giãn nước khi lặn tăng lên 2.000 tấn), tàu ngầm dài khoảng 67 m (khi trang bị hệ thống đẩy AIP thì độ dài thân tàu tới 77,5 m), đường kính vỏ chịu áp 6,2 m, tốc độ tối đa khi lặn là 20 hải lý/giờ, tốc độ tối đa khi nổi là 12 hải lý/giờ, lặn sâu 300 m.

Ngày 6 tháng 4 năm 2015, Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên mang tên INS Kalvari
Ngày 6 tháng 4 năm 2015, Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên mang tên INS Kalvari

Công ty DCNS Pháp cho biết, tàu ngầm lớp Scorpene nếu lắp hệ thống đẩy AIP sẽ có thể có năng lực lặn tầm xa như tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm lớp Scorpene đã tiếp thu đầy đủ thành quả công nghệ của Công ty DCNS và Công ty Thales Pháp về thiết bị định vị thủy âm, hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí; các hệ thống con của nó như điều khiển vũ khí, hệ thống chi viện điện tử, hệ thống dẫn đường, hệ thống tác chiến tổng hợp chiến thuật áp dụng kết cấu mô đun hóa kiểu phân bố...

Về vũ khí, tàu ngầm lớp Scorpene có 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, có thể phóng ngư lôi và tên lửa chống hạm, có năng lực nhồi đạn nhanh. Tàu ngầm lớp Scorpene bình thường mang theo 16 quả ngư lôi hạng nặng, khi cần thiết cũng có thể đổi sang lắp thuỷ lôi và tên lửa.

Ấn Độ yêu cầu Pháp cung cấp tên lửa chống hạm SM-39 Exocet. Tên lửa này thông qua ống phóng ngư lôi bắn từ dưới nước, nặng khoảng 675 kg, tầm bắn 4 - 50 km, đầu đạn 165 kg.

Theo tờ "Sunday Guardian" Ấn Độ, Ủy ban an ninh nội các Ấn Độ lúc đầu hy vọng thông qua nhập khẩu tàu ngầm lớp Scorpene để nhận được xuất khẩu công nghệ và đào tạo nghiệp vụ từ Pháp, thông qua phương thức hợp tác "chuyển giao - kinh doanh - chuyển giao" để xây dựng dây chuyền sản xuất tàu ngầm tiên tiến.

Nhưng, kết quả vận hành thực tế của chương trình khiến cho người Ấn Độ rất thất vọng, không chỉ chi tiêu chương trình vượt xa dự kiến, nhà máy đóng tàu cũng lệ thuộc nghiêm trọng vào trợ giúp hậu cần và trợ giúp công nghệ của công ty Pháp.

Trên phương diện công nghệ hàn vỏ tàu, nhà máy đóng tàu cũng không thể đạt được yêu cầu sản xuất quy mô lớn, không thể tiến hành kiểm soát chất lượng có hiệu quả, làm cho Hải quân Ấn Độ hết sức bất mãn.

Để tìm cách tháo gỡ, ngay từ năm 2007, Bộ Quốc phòng Ấn Độ lại công khai đề xuất chương trình mua sắm tàu ngầm thứ hai, số lượng mua sắm vẫn là 6 chiếc, được gọi là "Công trình 75I". Nhưng, chương trình này gặp trở ngại trong nhiều năm, khó có triển vọng tốt đẹp.

Theo tờ "The Times of India", đầu năm 2015, Ấn Độ đã đưa ra đề nghị với Chính phủ Nhật Bản, bàn bạc khả năng doanh nghiệp Nhật Bản tham gia "Công trình 75I" và chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm lớp Soryu cho Ấn Độ.

Căn cứ vào tiết lộ của nguồn tin trong ngành, Ấn Độ đã đề nghị Nhật Bản và họ xây dựng một doanh nghiệp liên doanh, chế tạo 6 tàu ngầm lớp Soryu cho Ấn Độ.

Ngoài ra, theo trang mạng DHNS Ấn Độ, bất kể đàm phán tàu ngầm giữa Ấn Độ và Nhật Bản có kết quả hay không, ít nhất công ty Pháp sẽ bị loại, bởi vì tranh chấp đội giá trong chương trình mua sắm tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp làm cho Quân đội Ấn Độ ý thức được Pháp là một "đối tác hợp tác không tin cậy".

Việt Dũng