Đánh kìm chân, tạo thế, chuẩn bị kháng chiến lâu dài

31/10/2011 08:20
Theo QĐND
Ngày 25-11-1945 Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, vạch ra đường lối đối nội, đối ngoại.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đối phó với nhiều kẻ thù. Với danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc, quân Anh kéo vào miền Nam tiếp tay cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngoài ra còn 10 vạn quân Nhật ở lại Việt Nam chờ giải giáp xong để về nước.

Tuy các lực lượng trên có ý đồ riêng, nhưng đều có chung mục đích là “lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh”, bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ.

Chính quyền nhân dân mới thành lập đã phải đương đầu một lúc bốn lực lượng quân sự bên ngoài (Anh, Tưởng, Nhật, Pháp) đông gần nửa triệu tên, trong khi đó, bọn phản động bên trong đang tìm mọi cách ngóc đầu dậy.

Nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói, nạn lụt hoành hành, quân đội đang trong quá trình xây dựng, vũ khí trang bị hết sức thô sơ, vận mệnh đất nước, dân tộc đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng, tình thế như "ngàn cân treo sợi tóc".

Lợi dụng sự khó khăn của ta, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, được sự hậu thuẫn của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công đánh chiếm các cơ quan chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Để lãnh đạo kịp thời cuộc kháng chiến và có phương thức tác chiến phù hợp, các hội nghị cán bộ Đảng và quân sự ở Nam Bộ đã thống nhất quyết định: Phải bám lấy địa phương, bám đất bám dân, khôi phục lại phong trào kháng chiến, tổ chức các khu quân sự và chấn chỉnh lại lực lượng vũ trang, đặt các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa kháng chiến lâu dài.

Khoảng 2000 cán bộ, đảng viên từ Côn Đảo trở về được tăng cường, làm nòng cốt ở cơ sở để đẩy mạnh và phát triển phong trào kháng chiến ở miền Nam.
Quân và dân Nam Bộ dựng nóp và chông ngăn chặn quân Pháp tiến công xâm lược. Ảnh tư liệu.
Quân và dân Nam Bộ dựng nóp và chông ngăn chặn quân Pháp tiến công xâm lược. Ảnh tư liệu.
Ngày 25-11-1945 Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, vạch ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Đảng chủ trương lãnh đạo nhân dân Nam Bộ kháng chiến, động viên nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho mặt trận miền Nam, giúp phong trào kháng chiến ở Cam-pu-chia và Lào.

Thường vụ Trung ương Đảng nhận định: Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, tuy giặc Pháp chiếm được nhiều tỉnh lỵ, nhưng ta vẫn làm chủ ở thôn quê. Nhiệm vụ quân sự lúc này là động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác triệt để; cắt đứt liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự…

Chấp hành Chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Bộ và quán triệt thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” của Trung ương Đảng, quân và dân Nam Bộ thực hiện chủ trương kiên quyết không hợp tác với địch, đã anh dũng đứng dậy chiến đấu, trên khắp các vị trí trong nội thành, công nhân sát cánh cùng toàn dân kháng chiến, tất cả công sở, hiệu buôn lập tức đóng cửa, các xí nghiệp ngừng hoạt động, chợ không họp, nhà máy điện, nhà máy nước và nhiều cơ sở vật chất khác trong thành phố bị phá hủy, thực hiện một “thành phố không điện, không nước”, nhân dân sơ tán khỏi thành phố, dân quân tự vệ tổ chức phá hoại tài sản trong các cơ quan, công sở của Pháp.

Công nhân, cảnh sát xung phong, thanh niên xung phong, công đoàn xung phong, sinh viên đã nhanh chóng phối hợp với những đơn vị Cộng hòa vệ binh triển khai lực lượng, dựng chướng ngại vật, nhiều cây lớn được đốn xuống lập thành những vật chướng ngại trên nhiều đường phố chính, tổ chức đắp ụ, lập các ổ chiến đấu trên các đường phố để ngăn cản, làm chậm bước tiến của địch.

Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và Pháp đã diễn ra ở ở khu Tân Định, Cầu Muối, cầu Lái Thiêu, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y, cầu Bến Phân v.v.. Quân và dân Nam Bộ đã bám sát địch, dùng mọi thứ vũ khí để đánh địch, lợi dụng từng ngõ phố, căn nhà để tiến công tiêu diệt những tên địch đi lẻ, với cách đánh du kích, đánh phân tán rộng khắp ở cả nông thôn và thành thị, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật linh hoạt, sáng tạo như: Quấy rối, phá giao thông, đánh bằng chông mìn cạm bẫy…

Tuy còn mang nặng tính du kích, nhưng đó là bước đi ban đầu, phù hợp với điều kiện của ta lúc đó, đó cũng là cách đánh hiểm, chủ động và tranh thủ thời gian để tiến công địch, đã có tác dụng ngăn chặn, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận sinh lực, giam chân và làm chậm bước tiến công của địch, bước đầu đã đánh bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, làm thất bại kế hoạch “lấy lại Nam Kỳ trong vòng 18 ngày”, của tướng Lơ-cléc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược:

Kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, tạo điều kiện để quân dân miền Bắc tranh thủ quỹ thời gian hòa bình, xây dựng và củng cố thực lực, chuẩn bị hậu phương và lực lượng. Đồng thời, đó cũng là bài học quý để Đảng ta nghiên cứu vận dụng chỉ đạo quân dân Nam Trung Bộ, quân dân miền Bắc bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo QĐND