Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 2 tháng 2 dẫn báo Hàn Quốc cho biết, buổi lễ thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm Hải quân Hàn Quốc đã được tổ chức ở quân cảng South Gyeongsang, Hàn Quốc. Bộ tư lệnh này sẽ phụ trách chỉ huy tàu ngầm tác chiến, huấn luyện và kiểm tra.
Ngày 2 tháng 2 năm 2015, Hải quân Hàn Quốc tổ chức lễ thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm |
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gửi điện mừng, cho rằng, tàu ngầm là vũ khí chiến lược cốt lõi hỗ trợ cho an ninh quốc gia. Hơn 20 năm trước, Hàn Quốc lần đầu tiên nhập khẩu tàu ngầm, hy vọng Bộ tư lệnh tàu ngầm có thể giúp cho Quân đội Hàn Quốc tiếp tục phát triển lớn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo phát biểu cho rằng, ngày thành lập là ngày mang tính lịch sử trong xây dựng của Quân đội Hàn Quốc. Sức chiến đấu của tàu ngầm phải lấy việc thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm hải quân làm cơ hội, phát huy vai trò trung tâm trong phòng vệ quốc gia.
Được biết, Bộ tư lệnh tàu ngầm Hàn Quốc sẽ thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ tuyến đường hàng hải, duy trì trạng thái tác chiến đối với CHDCND Triều Tiên, tấn công các mục tiêu cốt lõi của kẻ thù trong thời chiến. Ngoài ra, sau khi xây dựng xong cảng tổng hợp ở Jeju trong năm 2015, Hải quân Hàn Quốc sẽ triển khai tàu ngầm ở Jeju.
Theo thông tin trước đó, hiện nay, Hải quân Hàn Quốc sở hữu 13 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm lớp 209 (1.200 tấn), 4 tàu ngầm lớp 214 (1.800 tấn). Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2018 tăng tàu ngầm lớp 214 lên 9 chiếc, lúc đó sẽ sở hữu tổng cộng 18 chiếc tàu ngầm.
Hải quân Hàn Quốc còn có kế hoạch chế tạo 9 tàu ngầm lớp 3.000 tấn có thể lắp thiết bị bắn thẳng đứng và tên lửa đạn đạo sau năm 2020. Sau khi tàu ngầm lớp này đi vào hoạt động, tàu ngầm lớp 209 sẽ từng bước đào thải. Tuổi thọ của tàu ngầm thông thường khoảng 30 năm.
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Hàn quốc |
Quốc gia thứ 6 trên thế giới có Bộ tư lệnh tàu ngầm
Tờ "Tân Kinh báo" Trung Quốc ngày 3 tháng 2 cũng dẫn báo Hàn Quốc cho rằng, Bộ tư lệnh tàu ngầm Hàn Quốc được mở rộng trên nền tảng “chiến đoàn tàu ngầm 9” do chuẩn tướng chỉ huy, thiết lập ở South Gyeongsang. Bộ tư lệnh tàu ngầm sẽ tương đồng với cấp Bộ tư lệnh Hạm đội 1, 2 và 3, do thiếu tướng hải quân chỉ huy.
Theo bài báo, Hàn Quốc thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm sau khi nhập khẩu chiếc tàu ngầm của Đức vào năm 1992 được 23 năm. Do đó, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 6 thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm, sau Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh và Ấn Độ.
Hải quân Hàn Quốc ngày 2 tháng 2 thông báo cho biết, tàu ngầm động cơ hạt nhân lớp 7.000 tấn USS Olympia của Hải quân Mỹ ngày 30 tháng 1 đã đến South Gyeongsang, mục đích là tham gia diễn tập quân sự liên hợp giữa hải quân Hàn-Mỹ tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7 tháng và chúc mừng Hàn Quốc thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm hải quân.
Tàu ngầm Hải quân Hàn Quốc |
Đối tượng tác chiến không chỉ là CHDCND Triều Tiên
Trang mạng "Sputnik" Nga ngày 4 tháng 2 cũng có bài viết cho rằng, căn cứ vào thông tin từ Hàn Quốc, Hải quân Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành tổ chức lại: trong biên chế hải quân sẽ xuất hiện Bộ chỉ huy chuyên môn của lực lượng dưới mặt nước (tàu ngầm).
Điều cần nói rõ là, Hàn Quốc có lực lượng dưới nước khổng lồ. Hải quân Hàn Quốc hiện trang bị 13 tàu ngầm: 9 tàu lớp 214 lượng giãn nước 1.800 tấn, 4 tàu ngầm lớp 209 lượng giãn nước 1.200 tấn. Thời gian tới, quy mô của lực lượng dưới mặt nước của Hàn Quốc sẽ tăng mạnh, dự kiến, đến năm 2018 hạm đội dưới mặt nước của Hàn Quốc sẽ sở hữu trên 20 chiếc tàu ngầm loại này.
Quyết định xây dựng Bộ chỉ huy chuyên môn lực lượng dưới mặt nước xem ra tương đối phù hợp logic, muốn lãnh đạo tàu ngầm với số lượng nhiều như vậy, thực sự cần một bộ chỉ huy chuyên môn. Nhưng do đó đã sinh ra một vấn đề: Hạm đội dưới mặt nước Hàn Quốc tại sao tăng mạnh như vậy?
Chính quyền cho rằng, hạm đội dưới mặt nước tăng mạnh là nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên không đơn giản, cũng không phải là không hề khó khăn. Năm 2010, tàu hộ vệ Cheonan Hàn Quốc bị chìm là một sự nhắc nhở đối với trình độ công nghệ cao và tố chất chiến thuật của thủy thủ CHDCND Triều Tiên.
Nhưng có lý do nghi ngờ lực lượng dưới mặt nước Hàn Quốc mở rộng nhanh chóng chỉ vì tiềm lực quân sự của CHDCND Triều Tiên. Trước hết, để chiến đấu với tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên, không cần thiết xây dựng một hạm đội dưới mặt nước có số lượng nhiều như vậy. Kinh nghiệm cho thấy, tàu mặt nước đã có thể thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ săn ngầm, trong khi đó, Quân đội Hàn Quốc trang bị đủ số lượng tàu mặt nước.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp 214 Hải quân Hàn Quốc |
Thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu của tàu ngầm là hành động ở tuyến đường giao thông trên biển của quân địch. Nhưng quả thực không có ý nghĩa đối với việc CHDCND Triều Tiên triển khai loại hoạt động này, bởi vì CHDCND Triều Tiên hầu như không có tàu thương mại.
Vì vậy, tăng cường lực lượng dưới mặt nước gây nghi ngờ, đối thủ tiềm tàng của Hải quân Hàn Quốc không chỉ có CHDCND Triều Tiên, mà còn có các nước láng giềng.
Quan hệ giữa Hàn Quốc-Nhật Bản là rất mâu thuẫn: Một mặt, Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực triển khai hợp tác công nghệ cao, đầu tư và thương mại đều đang phát triển. Mặt khác, Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan tâm đến tranh chấp chưa được giải quyết xung quanh đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima). Hơn nữa, Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên xảy ra tranh cãi về sự kiện lịch sử thực dân và lịch sử thế kỷ 20.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc về tổng thể xem ra không tồi. Nhưng, Hàn Quốc cũng có người lo ngại quá trình tăng cường sức mạnh quân sự và công nghiệp của Trung Quốc, đây không phải bí mật đối với dư luận.
Trong tình hình này, có thể lý giải Quân đội Hàn Quốc hy vọng sở hữu loại vũ khí có thể đối phó láng giềng trong các trường hợp cần thiết. Nhưng, chạy đua vũ trang là trò chơi nguy hiểm.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Olympia, Hải quân Mỹ |