Bức cung, nhục hình – có phải một dạng bệnh tâm thần mới?

16/09/2014 06:37
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Một điều tra viên có tâm, thấm nhuần đạo lý làm người sẽ không bao giờ dùng nhục hình để buộc nghi phạm nhận tội.

Tại các nước phát triển, “im lặng” là một trong các quyền công dân được pháp luật bảo hộ. Ví dụ tại Hoa Kỳ, ngay từ năm 1791, Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp đã được thực thi trong đó quy định về “Truy tố; Tiến trình xét xử; Tự nhận tội; Không truy tố cùng một tội hai lần (double jeopardy)…”. Đến năm 1966, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã bổ xung vào tu chính án này “các quyền Miranda” như là một phương tiện để bảo vệ nghi phạm, tránh việc tự buộc tội chính mình do bị bức cung, nhục hình.

Lời cảnh báo Miranda (Miranda warning) là lời cảnh báo mà bất kỳ cảnh sát, người thẩm vấn nào cũng phải thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hoặc trước lúc bị thẩm vấn: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".

Bức cung, nhục hình – có phải một dạng bệnh tâm thần mới? ảnh 1Bộ trưởng Trần Đại Quang cấm bức cung, mớm cung...

(GDVN) - Điều tra viên không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can,người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án

Lời cảnh báo Miranda thể hiện một trong những quyền cơ bản của con người là “không bị cưỡng bức tự buộc tội mình” dù họ mới là nghi phạm hay thực sự là tội phạm.

Con người làm chủ  lời nói của mình, đó là quyền mà tạo hóa đã trao cho họ, điều quan trọng là con người phải biết sự dụng quyền đó đúng cách, đúng chỗ để bảo vệ quyền được sống trước những đe dọa trái pháp luật, cụ thể là nạn bức cung, nhục hình trong các trại, cơ sở tạm giam.

Với những điều khoản chặt chẽ như vậy, nhưng nạn bức cung, nhục hình vẫn xảy ra thường xuyên trong hoạt động tư  pháp Hoa Kỳ, điển hình là trong các trại tạm giam mà Hoa Kỳ xây dựng bên ngoài lãnh thổ để trốn tránh việc phải tuân thủ luật pháp liên bang.

Còn ở Việt Nam, Đoạn 2 điều 10, Luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định:

“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Quy định này có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền im lặng khi cần chứng minh là mình vô tội, nhưng luật tố tụng lại không có điều khoản quy định nghi can có quyền im lặng khi bị thẩm vấn nhằm buộc tội chính họ!

Không những thế,  khoản 1 Điều 308 Luật Hình sự 1999 lại quy định: “Người nào từ chối khai báo nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Bộ luật này hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Với điều khoản này, rõ ràng người bị thẩm vấn bắt buộc phải khai báo (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22), phải cung cấp cho điều tra viên chứng cứ tự buộc tội chính mình nếu không muốn bị quy là phạm tội theo điều 308 đã nêu.

Một người vô tội bị bắt, nếu không muốn bị khép tội “từ chối khai báo” thì hoặc người đó phải tìm được “lý do chính đáng” hoặc người đó phải khai báo. Nếu không có gì để khai báo hoặc khai báo không theo ý muốn của điều tra viên  mà lại “không có lý do chính đáng” thì dù vô tội vẫn có thể trở thành có tội?

Điều này rõ ràng không đúng với thông lệ quốc tế về tư pháp và cũng không phù hợp với bản chất của quyền con người.  Khiếm khuyết là ở chỗ luật chưa định nghĩa thế nào là “lý do chính đáng” để có thể từ chối khai báo.

Nghi phạm là một con người chưa bị kết án, nghĩa là chưa thành tội phạm (dù thực tế đó là kẻ phạm tội) vì vậy đương nhiên con người đó có quyền bảo vệ bản thân tránh sự trừng phạt của pháp luật, chính vì thế Luật Tố tụng Hình sự 2003 mới quy định việc chứng minh một người là có tội hay không có tội thuộc về cơ quan tố tụng. Đã như vậy thì việc từ chối khai báo để không tự kết án bản thân luôn là “lý do chính đáng”  biện hộ cho nghi phạm.

Từ đây có thể thấy, quy định không khai báo hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra là phạm tội thực chất cũng là một hình thức bức cung đối với nghi phạm.

Có thể thấy ba nguyên nhân chính  dẫn đến nạn bức cung, nhục hình trong trại tạm giam ở Việt Nam là:

1.      Pháp luật chưa hoàn chỉnh, chậm được bổ xung, cải cách;

2.      Phương pháp điều tra, công cụ phục vụ điều tra chưa đáp ứng;

3.      Trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức của một số cán bộ tham gia tố tụng (cảnh sát,  kiểm sát, tòa án) chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân thứ nhất đã trình bày ở phần trên, do luât quy định nghi phạm phải khai báo, nếu không khai là phạm tội (khi không có lý do chính đáng?) nên điều tra viên sẽ không bị hạn chế “quyền truy hỏi nghi phạm”. Đây có thể coi là “chỗ dựa pháp lý” chống lưng cho hành động bức cung, nhục hình.

Bức cung, nhục hình – có phải một dạng bệnh tâm thần mới? ảnh 2Xử lý thế nào khi điều tra viên dùng nhục hình với ông Chấn đã chết?

(GDVN) - Theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nếu điều tra viên đó đã chết thì gần như là mọi việc đã “chấm hết”

Cần phân biệt trường hợp tội phạm có tổ chức, việc truy hỏi nghi phạm, thậm chí là dùng các biện pháp trái luật đôi khi vẫn được áp dụng để nhanh chóng tìm ra kẻ đồng mưu với mục đích ngăn chặn các hành động xâm phạm an ninh quốc gia, đe dọa tính mạng và tài sản công dân, giảm nhẹ hoặc triệt tiêu các thiệt hại kinh tế cho cộng đồng, điều này dù trái luật song trong hoàn cảnh cụ thể vẫn có thể chấp nhận.

Tuy nhiên với những nghi phạm đơn độc đã bị tạm giam, khả năng tiếp tục gây án là không thể thì hình thức bức cung, nhục hình phải được xem là hành động phạm pháp.

Một điều cũng cần chỉ ra là sự nương nhẹ của cơ quan tố tụng đối với đồng nghiệp hoặc người “đồng ngành”, chẳng hạn hành vi cướp chiếc mũ trị giá vài chục nghìn đồng của mấy thanh niên ở Hải Phòng bị xử tù thấp nhất là 18 tháng và cao nhất tới 03 năm. Trong khi đó hành động dùng nhục hình của điều tra viên dẫn tới cái chết của nghi phạm lại chỉ bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Tuy Hòa đề nghị 6 tháng tù cho một tội phạm còn lại có tới 4 người được đề nghị án treo?

Sự nương nhẹ, bao che của cơ quan tố tụng  là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “nhờn luật” trong một bộ phận cán bộ tham gia tố tụng bao gồm cả kiểm sát, điều tra, xét xử, chính vì được “nhóm lợi ích” này o bế mà không ít người có “niềm tin mãnh liệt” rằng nếu có phạm pháp thì thế nào cũng được ưu ái, giảm nhẹ?

Nguyên nhân thứ hai cũng rất dễ nhận thấy, chẳng hạn việc xác định AND hiện nay chỉ có thể tiến hành ở một số cơ sở trung ương, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa việc xét nghiệm ngay là không thể, việc chờ đợi kết quả xét nghiệm vài ba ngày đủ thời gian cho tội phạm bỏ trốn khỏi địa bàn, thậm chí là ra nước ngoài. Ở các nước tiên tiến, các đội điều tra hiện trường luôn được các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ, từ  mô tả nhân dạng nghi phạm bằng lời của nhân chứng, bằng các phần mềm lập trình sẵn, việc xử lý trên máy tính chỉ sau ít phút đã có thể  đưa ra hình ảnh khá trung thực của kẻ phạm tội…

Có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng để chứng minh, rằng nếu được trang bị những công cụ, thiết bị hiện đại, việc phá án sẽ dễ dàng rất nhiều.  Thiếu công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, điều tra viên sẽ mất rất nhiều thời gian thu thập chứng cứ và đương nhiên họ sẽ bị đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm, đây là áp lực thực tế cần phải ghi nhận.

Thứ ba, vấn đề cuối cùng là trình độ chuyên môn, đạo đức của cán bộ tham gia quá trình tố tụng.  Đây là vấn đề then chốt, có thể nói là yếu tố quan trọng nhất tác động đến vấn nạn bức cung, nhục hình hiện nay. Một điều tra viên có tâm, thấm nhuần đạo lý làm người sẽ không bao giờ dùng nhục hình để buộc nghi phạm nhận tội, đặc biệt là việc nhận tội đó dẫn tới bản án tử hình. Một kiểm sát viên có tâm và có tầm sẽ nhận ra ngay sự vô lý trong các lời khai do bức cung mà có.

Trong nhiều vụ án, các luật sư độc lập có thể chỉ ra ngay sự ngụy tạo của điều tra viên trong biên bản điều tra hiện trường cũng như kết luận điều tra cuối cùng, chỉ có kiểm sát viên và chánh án là không nhận thấy.

Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày  11/8/2014 viết về vụ tra tấn khiến bảy người phải nhận tội ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng: “Không làm gì cả nhưng tất cả chúng tôi, bảy đứa đều nhận tội giết người. Biết nhận tội giết người là chết, là bị tử hình nhưng chúng tôi không đứa nào chịu nổi đòn tra tấn của các anh điều tra”.

Nói một cách thẳng thắn, những kẻ dùng nhục hình trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, hay vụ ở Sóc Trăng đều là kẻ gián tiếp giết người bởi lẽ chính từ “kết quả điều tra” của họ mà tòa tuyên án chung thân ông Nguyễn Thanh Chấn.

Phạm tội trong trường hợp này không chỉ có các điều tra viên mà còn có kiểm sát viên và hội đồng xét xử. Nếu kiểm sát viên, nếu chủ tọa phiên tòa xử lý công minh, không bị bất kỳ “áp lực” nào chi phối thì chắc chắn nhiều bản án oan sẽ không được tuyên, công dân sẽ không còn bị sợ đến mức phải tự kết án chính mình.

Một cách công bằng, khi ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan thì bản án chung thân phải được trao lại cho những kẻ đã nhào nặn ra nó bất chấp luật pháp và đạo lý làm người. Những kẻ thích tra tấn người khác, những kẻ nhắm mắt ký vào quyết định truy tố người vô tội dù không hoặc chưa bị pháp luật tước quyền làm người thì cũng không tránh được luật nhân quả.

Cuối thể kỷ 20 đầu thế kỷ 21 có thể đã có một lỗi của tạo hóa khi chót sinh nhầm cho nhân loại một loài “hình người, óc quỷ”, một loại người bệnh hoạn của kỷ nguyên văn minh thích giết người hàng loạt, thích tra tấn người khác, thích ngồi nhìn ngưới khác chết dần…

Phải chăng những kẻ  dùng hình thức tra tấn  dã man  không kém gì  bọn thực dân, đế quốc dùng ở Hỏa Lò, Côn Đảo  để buộc người vô tội phải nhận tội giết người cũng là một dạng người bệnh hoạn mà tạo hóa nhầm lẫn sinh ra? Hay tạo hóa chỉ có lỗi phần nhỏ, phần lỗi lớn hơn thuộc về một xã hội vô cảm mà quyền con người không được xem là tối thượng?

Luật pháp không có ý nghĩa gì nếu quyền thực thi pháp luật trong không ít trường hợp lại nằm trong tay một số người vừa kém về trình độ, vừa không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về tư cách đạo đức.

Xử lý nghiêm kẻ phạm pháp chưa đủ để lành mạnh xã hội, những người hiểu biết luật pháp, có trách nhiệm thực thi công lý mà phạm pháp cần bị xử lý nặng hơn khung hình phạt bình thường mới góp phần răn đe những ai đó đang xem bức cung, nhục hình  là công cụ hữu hiệu cho con đường thăng quan tiến chức của mình.

Nghỉ hưu mà phạm tội trước đó vẫn bị xử lý, vậy thì kẻ phạm tội đã chết như điều tra viên dùng nhục hình vụ ông Chấn Bắc Giang cũng cần bị công bố tội trạng, cũng cần phải xét xử để làm gương cho người sống. 

Không phải chết là hết, không phải chết là không bị xét xử, là bảo toàn được thanh danh bản thân và dòng tộc. Nghìn năm sau những kẻ bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống … vẫn là tội nhân của dân tộc, vẫn bị bị tòa án lịch sử đặt trước vành móng ngựa. Đấy mới là sự công bằng cần có trong một xã hội pháp quyền./.

XUÂN DƯƠNG