Châu chấu công đường!

21/10/2016 06:55
Xuân Dương
(GDVN) - Với “châu chấu công đường”, nếu ăn nhẵn các thứ có thể ăn thì “đề xuất cấp kinh phí bổ sung”, chuyện nhỏ như con thỏ.

Hải Dương vốn là tỉnh đất chật, người đông, xếp thứ 13 về diện tích (1656 km vuông) và thứ 52 về dân số (1,75 triệu người) theo số liệu thống kê năm 2013.

Thời kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Hải Dương đã có những cá nhân xuất sắc như anh hùng Mạc Thị Bưởi, như “chuyện cô du kích xóm Lai Vu, rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù (Tố Hữu)” hoặc “những trưa tháng sáu, nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy (Trần Đăng Khoa)”…

Thế hệ sinh ra khi đất nước thống nhất ngày nay đã trở thành thế hệ lãnh đạo chủ chốt, vậy họ đã làm được những gì để Hải Dương tiếp nối truyền thống lịch sử mà các thế hệ đi trước tạo dựng?

Năm 2014, Hải Dương phải nhận bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng (Quyết định số 3016/QĐ-BTC ngày 04/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố công khai số liệu dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014) trong khi Bắc Ninh và Vĩnh Phúc không cần nhận một khoản nào từ Trung ương.

Với “châu chấu công đường”, nếu ăn nhẵn các thứ có thể ăn thì “đề xuất cấp kinh phí bổ sung” là chuyện nhỏ như con thỏ (Ảnh: vietnamnet.vn).
Với “châu chấu công đường”, nếu ăn nhẵn các thứ có thể ăn thì “đề xuất cấp kinh phí bổ sung” là chuyện nhỏ như con thỏ (Ảnh: vietnamnet.vn).

Cái gì đang khiến cả nước không khỏi ngỡ ngàng về một tỉnh không có khó khăn gì (so với các các tỉnh miền núi) nhưng lại phải nhận hỗ trợ từ Trung ương như Hải Dương?

Cái gì càn quét qua mảnh đất này khiến những truyền thống hào hùng bị mai một, khiến làm không đủ ăn ngửa tay xin tiền hỗ trợ từ Trung ương mà thực chất là từ các tỉnh bạn?

Và quan trọng hơn, vì sao một “bộ phận không nhỏ lãnh đạo Hải Dương” không thấy “rát mặt” khi điều kiện thiên nhiên, con người, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… không khác gì Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mà lại phải nhận tiền trợ giúp từ trung ương?

Châu chấu công đường! ảnh 2

Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!"

Đấy là chưa nói trên trục đường chiến lược Hà Nội-Hải Dương-Hải Phòng-Quảng Ninh duy nhất Hải Dương là không đủ tiền trả lương cho công chức, viên chức.

Có người nói đùa đó là do giặc châu chấu, nhưng không phải châu chấu ngoài tự nhiên mà là “châu chấu công đường”.

Lũ châu chấu ấy sà xuống đâu thì ở đó trơ trụi, không còn màu xanh, không còn sự sống.

Vụ việc người nông dân Hải Dương có va chạm với chủ đầu tư khi thi công một công trình ở khu công nghiệp còn chưa thấy kết luận thì gần đây lại xuất hiện sự việc “hàng chục hộ dân ở Kim Thành, Hải Dương mang chất thải đổ ra cổng khu công nghiệp Lai Vu khiến giao thông quốc lộ 5 bị tắc nghẽn nghiêm trọng”. [1]

Nguyên nhân là do người dân không đồng tình với quyết định thu hồi đất và mức đền bù giải phóng mặt bằng mà chính quyền dùng dằng suốt 10 năm chưa xong?

Nhưng còn một nguyên nhân khác, rất cũ nhưng lại rất mới khi Báo Nhân Dân điện tử ngày 17/10/2016 đăng bài: “Chuyện như đùa ở Hải Dương”.

Bài báo có đoạn: “Những năm qua, việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Dương diễn ra một cách tràn lan, trong đó có những trường hợp được bổ nhiệm hết sức gấp gáp.

Chẳng hạn trường hợp Phó Chánh thanh tra Vũ Thị Thu Hà, tháng 8/2015 được tuyển dụng công chức, nhưng chỉ ba tháng sau, đến ngày 1/12/2015 đã được bổ nhiệm Phó Chánh thanh tra.

Do phòng toàn lãnh đạo, nên nhiều lãnh đạo phòng phải làm những công việc của nhân viên như: đưa công văn, đun nước, pha trà”... [2]

Vì báo Đảng nói “Những năm qua” nên phải quay về quá khứ một chút, ở Hải Dương, có trường hợp bố làm lãnh đạo bị Trung ương phê bình nhắc nhở, nhưng ngay sau đó báo chí phải giật tít “Con trai, con rể Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương băng băng trên đường quan lộ”.

“Con trai” nói ở đây chính là ông Phó Giám đốc đương nhiệm họ Bùi của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh nhà, còn người anh em cọc chèo của ông Phó Sở thì làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân một huyện, chức vụ cũng một chín một mười, chênh nhau không đáng kể.

Có thể thấy hình như ở Hải Dương, người tuổi trẻ tài cao như con ông nguyên Bí thư không hiếm, thế nên “trong số 46 người trong biên chế của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương hiện tại, chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên”? [2]

Hải Dương nhiều người giỏi đến mức không còn ai để làm nhân viên, không chỉ thế Hải Dương còn là địa phương có cách “làm ăn” khoa học khiến các địa phương khác phải đổ xô về học hỏi bí quyết?

Châu chấu công đường! ảnh 3

Ngẫm về bài viết của ông Trương Tấn Sang trên Báo Nhân dân

Chẳng thế mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương cho biết thời gian qua, đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm như Hậu Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Quảng Ninh... nên “hết tiền” và hiện còn nợ 310 triệu đồng.

Các địa phương đổ xô về Hải Dương có phải là muốn “học lỏm” kinh nghiệm làm thế nào cứ ngồi chơi xơi nước, vung tay quá trán mà Trung ương vẫn phải móc hầu bao còn tỉnh lại chẳng bị “điều ong tiếng ve gì”?

Hãy nghe ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy “ngây thơ” khẳng định: “Đây không phải vấn đề khuất tất gì, có tham ô, tư túi gì đâu. Theo thống nhất trong lãnh đạo Uỷ ban, các tỉnh đến thăm thì mình tiếp đón, không có tiền thì đề xuất cấp kinh phí bổ sung”. [3]

Thế đấy, anh em đến thì mình phải đưa ra nhà hàng, khách sạn, không có tiền thì đề xuất cấp bổ sung, tỉnh hết tiền thì xin Trung ương (chứ đừng xin tỉnh bạn “ngượng chết”).

Đây chỉ là quan điểm của lãnh đạo cấp tỉnh hay còn ở cấp cao hơn?

Cứ nhà hàng khách sạn, cứ “vui vẻ” đi, “không có tiền thì đề xuất cấp kinh phí bổ sung”, Ủy ban Kiểm tra hết thì xin tỉnh, tỉnh hết thì xin Trung ương, Trung ương hết thì vay nước ngoài, nói như một vị nguyên Bộ trưởng “mọi chuyện nhường nhiệm kỳ sau” giải quyết?

Nhiệm kỳ sau của Bộ trưởng thì không biết thế nào chứ “nhiệm kỳ sau của nhân dân” thì xưa nay vẫn thế.

Vẫn là “mùa thuế phí” hãi hùng ở Thanh Hóa mà báo chí đề cập và Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ, vẫn là mỗi năm nhận hơn 14.000 tỷ từ Trung ương nhưng động đến 8 Phó Giám đốc Sở thì Thanh Hóa luôn tìm cách hoãn binh vì “tỉnh to cần nhiều lãnh đạo”, và vẫn điệp khúc muôn thủa, hễ bão lũ thiên tai là yêu cầu cứu trợ khẩn cấp?

Ngoài sự “ngây thơ” đáng kinh ngạc của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thì lại phải công nhận Hải Dương có đội ngũ cán bộ trẻ rất đáng phục, chẳng hạn một ông Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội mới ngoài 30 mà đã có gia sản ở mức:

Số tiền mà ông có được để bỏ ra xây dựng ngôi nhà tọa lạc trên khu đất hơn 4.000m2 này là tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào”. [4]

Dẫu có tự mình làm ra thật cũng chẳng ai vỗ ngực, rằng mình chẳng dựa vào bất kỳ ai, nếu không dựa vào các “mối quan hệ”, nếu chỉ trông mong vào đồng lương công chức bao nhiêu năm ông Phó Sở  để dành được một tỷ đồng?

Châu chấu công đường! ảnh 4

Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?

Còn nếu tập trung trí lực cho kiếm tiền mà vẫn leo cao vùn vụt chốn quan trường chẳng cần dựa vào “bất kỳ kẻ nào” thì Việt Nam chắc chắn không nhiều mà thế giới cũng vậy.

Người Việt có hiếu, có đức chẳng ai phát biểu như thế, phát biểu thế là vô hình chung coi công sức của cha mẹ, vợ con chẳng bằng “cái đinh gỉ”, là phụ công cha mẹ, vợ con sớm chiều cơm nước.

Ba mươi tuổi dư đã kiếm được nhiều tỷ đồng mà “không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai” kể cả cha mẹ thì quả là bậc kỳ tài. Người kỳ tài mà làm cấp phó sở thì có lẽ hơi phí dù sở ấy toàn cán bộ chỉ độc “hai mống” nhân viên.

Không biết với đội ngũ cán bộ năng nổ, biết làm giàu cho bản thân như ở Hải Dương hiện nay, đến bao giờ tỉnh này không còn phải nhận sự điều tiết bổ sung từ ngân sách trung ương?

Người ta nói nhiều đến “công chức cắp ô”, giống như loại cán bộ phó trưởng phòng cấp Sở mà công ciệc chủ yếu là “đưa công văn, đun nước, pha trà”...

Nặng hơn một chút thì gọi là “bầy sâu” và có lẽ bây giờ nên thay các cụm từ này mà dùng cụm từ “châu chấu công đường”.

Công chức cắp ô dẫu sao cũng còn “hiền lành”, cũng biết “đun nước, pha trà” dẫu có tí chút “ăn bám”, bọn “sâu” thì tốc độ di chuyển khá chậm nghĩa là phải hàng chục năm mới “phủ sóng” toàn quốc, bọn “châu chấu công đường” thì mới đúng là lũ ăn tàn phá hại, chúng “ăn không từ một thứ gì, ăn không còn một cái gì và ăn không sợ bất kỳ ai” và tốc độ di chuyển của chúng thì quả thật miễn bàn!

Với “châu chấu công đường”, nếu ăn nhẵn các thứ có thể ăn thì “đề xuất cấp kinh phí bổ sung”, chuyện nhỏ như con thỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-dan-chan-cua-khu-cong-nghiep-quoc-lo-5-te-liet-nhieu-gio-3484193.html

[2] http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/30989402-chuyen-nhu-dua-o-hai-duong.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/325778/nhieu-doan-tham-ub-kiem-tra-tinh-het-tien-tiep-khach.html

[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/73512/con-bi-thu-hai-duong-noi-ve-tai-san-kech-xu.html

Xuân Dương