Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng”

16/06/2016 08:58
Xuân Dương
(GDVN) - Dùng “dung môi pha loãng – Nhân Dân” để thay đổi “nồng độ tham nhũng” là ý tưởng được đề xuất nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm.

Các chất hoặc hợp chất chứa thành phần nguy hại cho sức khỏe con người chỉ thực sự biến thành chất độc nếu nồng độ vượt một ngưỡng nào đó.

Nọc rắn Hổ mang cực độc, có thể giết chết người hoặc gia súc lớn nhưng khi pha chế với liều lượng vừa phải, nó trở thành thuộc quý chữa căn bệnh xương khớp. 

Bất kỳ chất nào, dù bổ đến mấy mà dùng quá liều hoặc không đúng cách cũng có hại cho sức khỏe, cũng có nguy cơ gây tử vong cho người sử dụng, điều này đã từng ghi trong sách y học cổ truyền: “đau bụng uống nhân sâm” thì “tắc tử”.

Nguyên tắc ấy - xin tạm đặt tên là “Nguyên lý pha loãng” - tất cả các nhà khoa học đều biết kể cả những người công tác trong các ngành không liên quan đến Hóa – Dược như Chính trị, Văn hóa, Xã hội…

Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” ảnh 1
Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Từ nghị quyết Hội nghị 4 Ban Chấp hành TW khóa 11, đặc biệt là các phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những ngày gần đây: 

Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”, có thể thấy số lượng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng đã vượt quá “ngưỡng” mà chúng ta quen nói là “một bộ phận không nhỏ”. 

Nhìn nhận, đánh giá của Tổng Bí thư hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ của người dân cả nước.

Từ ý kiến của Tổng Bí thư, có thể suy ra rằng, sau nhiều năm “gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”, “bộ phận không nhỏ” đã lớn lên và không còn “không nhỏ”.

Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” ảnh 2

Nước mắt của Tổng Bí thư và sự tha hóa của cán bộ

(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thay mặt Bộ Chính trị nhận khuyết điểm trước dân, trước Đảng, bởi vẫn còn đó nạn tham nhũng và những kẻ cơ hội.

Nó lớn đến mức nào thì chỉ cần lắng nghe nhân dân, truyền thông là có thể đánh giá chính xác. 

Sau phát biểu của Tổng Bí thư, việc sử dụng cụm từ “bộ phận không nhỏ” không còn chính xác nữa, thay thế bằng cụm từ gì thì phải chờ ý kiến chỉ đạo, trong khi chờ đợi có lẽ nên tạm dùng cụm từ “bộ phận hơi lớn” cho phù hợp với thực tế.

Có những sự thật hoặc là chúng ta thừa nhận, hoặc là chúng ta phủ nhận:

Thứ nhất: “Bộ phận hơi lớn” cán bộ lãnh đạo từ cấp thấp nhất ở phường, xã đến cấp cao đều giàu có một cách không bình thường.

Tài sản họ có được đều từ những nguồn không minh bạch và hầu như chưa được kiểm soát nếu không nói là không thể kiểm soát.

Thứ hai: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo tiêu chí “con ông cháu cha” là một thực tế, diễn ra hàng ngày từ Trung ương xuống địa phương.

Thứ ba
: Đội ngũ cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cao cấp đương nhiệm gần như vô hình trước công luận và pháp luật.

Truyền thông chỉ có thể đề cập về họ theo kiểu “ăn theo” khi  có người (có vị thế cao hơn) “cày vỡ” hoặc khi họ … cầm sổ hưu.

Thừa nhận hay phủ nhận những vấn đều nêu trên sẽ là câu trả lời cho câu hỏi: “Có phải Lãnh đạo biết hết nhưng thời cơ chưa chín muồi cho việc khắc phục”?  

Vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đầu năm 2016 này mới mạnh mẽ phê phán tư tưởng “Hà Nội không vội được đâu”? 

Vì sao Tổng Bí thư phải chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc vụ biển xe trắng-xanh-trắng của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?

Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” ảnh 3

Cán bộ tùy tiện, vô nguyên tắc phải xử lý thật nghiêm khắc

(GDVN) - Ông Vũ Mão: "Đào tạo, sử dụng cán bộ có đúng với năng lực không? Có đánh giá, kiểm tra thực chất không? Có xử lý trách nhiệm người đứng đầu không?".

Không phải bây giờ báo chí mới phát hiện không ít vụ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công thương không theo một chuẩn mực nào. 

Trước khi nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đồng ý cho con trai mình lúc mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) đã từng có chuyện một cử nhân tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới 24 tuổi đã được các thành viên lão thành “bầu” giữ chức chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC.

Sau hai tháng làm “Chủ tịch”, vị cử nhân báo chí này đã âm thầm rời vị trí Chủ tịch không một lời giải thích. 

Tuy việc làm ấy được khen, rằng “biết dừng đúng lúc là kẻ thức thời” nhưng thực ra cái sự “dừng đúng lúc” ấy đáng lẽ phải xảy ra trước “cuộc bầu” dăm bữa, còn một khi đã đồng ý để người ta bầu, khi cánh “phó nhòm” đã tung hàng loạt ảnh “ca ngợi” sự xinh xắn, trẻ trung của vị “tân Chủ tịch” mà không một lời đả động đến khả năng chuyên môn nghiệp vụ thì không còn là “dừng đúng lúc” nữa. 

Điều này có là ví dụ để ông nguyên Bộ trưởng Công thương xem xét trường hợp của con trai mình, có là ví dụ để nhiều ông “nguyên” và không “nguyên” khác cân nhắc tài năng, trình độ con cháu trước khi đặt vào những vị trí “tuy chưa thật cao nhưng người đời luôn phải ngước nhìn”?

Có tài năng không nhất thiết phải bám vào “công chức”, có tài năng không nhất thiết phải theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. 

Có lẽ việc nên làm của ông Vũ Huy Hoàng là khuyên con nên theo gương cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex, tìm con đường phấn đấu khác để khẳng định bản thân.

Bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 28 không phải là sớm nhưng cũng không hề quá muộn.

Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” ảnh 4

"Một đề xuất mang tính cá nhân, thiếu chín chắn, nói cho vui"

(GDVN) - Một lãnh đạo thuộc Bộ Công an cho biết, đề xuất in toàn tiền 20.000 đồng để chống tham nhũng là thiếu chín chắn, và chỉ để “nói đùa cho vui”.

Trở lại câu chuyện về “Nguyên lý pha loãng”, khi “nồng độ” tham nhũng trở nên đậm đặc, khi ngồi bên nhau trong hội trường, xung quanh đều là những “khuôn mặt thân quen”, đều là những  người “cùng chí hướng” thì những khuôn mặt lịch lãm sớm muộn sẽ cảm nhận được sự lạc lõng của mình.

Một khi  “Lịch lãm” phải nhường chỗ cho “Thủ đoạn” thì “nồng độ tham nhũng” càng ngày càng trở nên đậm đặc hơn, nó không chỉ gây hại những đối tượng tiếp xúc mà còn hại chính bản thân “vật chủ”, cũng như axit flohydric đậm đặc có thể ăn mòn chính bình thủy tinh chứa nó.

Cách thức “cấp cứu” có thể nói là khả dĩ nhất nhằm tránh xuất hiện những xáo trộn không mong muốn và cũng là giải pháp đem lại hiệu quả nhất là “pha loãng” để giảm “nồng độ tham nhũng”. 

“Dung môi” dùng để pha không gì tốt hơn là “Dân” bởi Dân chính là Nước, bởi “Nước có thể đầy thuyền đi, cũng có thể làm lật thuyền”. 

Đến thời điểm này, việc dùng Nước (Dân) pha loãng chất độc Tham nhũng, giảm “nồng độ tham nhũng” có phải vẫn là nỗi e ngại của một “bộ phận không nhỏ” nên chưa thể thực hiện như mong đợi?

Kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, một số tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 1135/2016/UBTVQH13 ngày 22/01/2016 không đạt theo dự kiến. 

Phát biểu tại phiên họp thứ 6 Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "ĐBQH khoá 14 là người ngoài Đảng là 21, đạt tỉ lệ 4,2%, giảm 50% so với QH khoá 13 là 42 người (8,4%) và ĐBQH tự cử là 2 người, đạt 0,4%, giảm 50% so với số 4 đại biểu của QH khoá 13 (0,8%)". 

Việc hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử cũng đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá, theo đó: “trong công tác hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn có hạn chế, đó là việc loại một số ứng cử viên ứng cử ĐBQH trong hiệp thương lần thứ 3 mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm đã gây dư luận không tốt
”. [1]

Chống tham nhũng, thoái hóa bằng “nguyên lý pha loãng” ảnh 5

NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa

(GDVN) - NHŨNG làm cho guồng máy xã hội không hoạt động, không sinh lợi, của cải tiêu hao, niềm tin băng hoại.

Thiết nghĩ không cần phải mổ xẻ, phân tích thêm những nguyên nhân “gây dư luận không tốt” mà cần quan tâm đến những người đã được bầu, đặc biệt là các thành viên cao cấp. 

Nếu hôm nay chúng ta không tỉnh táo, không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thì rồi năm năm nữa, biết đâu những người mới trúng cử sẽ lại tìm ra những ông “không vội mới”.

Và trên truyền thông sẽ lại thấy xuất hiện tên những ông Bộ trưởng vội vã kê ghế cho con trước khi mãn nhiệm, hoặc những ông Bộ trưởng vô tư “nhường” các vấn đề cử tri kiến nghị cho “nhiệm kỳ sau giải quyết”!  

Việc Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra các thông tin về một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử cho thấy tầm nhìn xa của người đứng đầu, việc hôm nay phải làm ngay hôm nay.

Làm ngay hôm nay sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi năm năm nữa, biết đâu người “lỡ” trúng cử sẽ thành người chỉ đạo!

Chủ tịch Hồ chí Minh từng nói: “Đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...”.

Công tác cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm cán bộ cấp tỉnh có phải đang rơi vào trạng thái: “Quy trình bổ nhiệm cán bộ toàn đúng nhưng khi xuống đến các bộ - tỉnh  thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...”?

Sự suy diễn này có thể là sai vì từng có ý kiến “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” (Vietnamnet.vn 26/10/2015).

Tuy nhiên với các ví dụ đã nêu, với “Con trai, con rể Bí thư Tỉnh uỷ H.D băng băng trên đường quan lộ” [2] thì chắc là không đến nỗi … sai lắm.

Có thể về phương diện tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội vừa qua, tỷ lệ 95,8% Đại biểu Quốc hội là Đảng viên là một thành công, nhưng nếu Ủy ban thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội không kịp thời sàng lọc, lấy gì đảm bảo ngay trong cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân “nồng độ tham nhũng” sẽ không “có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”?

Nếu nhận định của Tổng Bí thư đúng cho tổng thể và cũng đúng cho từng trường hợp cá biệt thì sự vận dụng sau đây là sai hay đúng:

Quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân nhưng khi xuống đến Dân thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...”?

Sử dụng “dung môi pha loãng – Nhân Dân” để thay đổi “nồng độ tham nhũng” là ý tưởng được đề xuất nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm công dân. 

Hy vọng ý tưởng này nhận được sự quan tâm của những người có trách nhiệm cao nhất với vận mệnh đất nước, với tiền đồ dân tộc cùng bạn đọc xa gần.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/gan-96-dai-bieu-quoc-hoi-la-dang-vien-20160608094928274.htm

[2] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Con-trai-con-re-Bi-thu-Tinh-uy-Hai-Duong-bang-bang-tren-duong-quan-lo-post135344.gd

Xuân Dương