Có ai muốn thành “Người đương thời” không?

21/10/2017 07:22
Xuân Dương
(GDVN) - Người dân liệu có thể xem Quyết định 99 như một chỗ dựa tin cậy để khỏi trở thành “người đương thời” như trường hợp nhà giáo Đỗ Việt Khoa?

Gần đây, những lời kêu gọi hãy “tự hối cải”, “soi gương rửa tay cho sạch” hoặc “Ai bằng giả khẩn trương rút lui, từ chức”,… liên tục được lãnh đạo Trung ương và địa phương đề cập đã làm xuất hiện không ít băn khoăn, phải chăng cường độ cơn bão mang tên “Lò nóng - củi tươi” có chiều hướng suy giảm thành áp thấp nhiệt đới?

Ngày 3/10/2017, Ban Bí thư công bố Quyết định số 99-QĐ/TW (Quyết định 99) “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Có thể thấy điều mong mỏi của nhân dân về minh bạch trong xử lý vi phạm, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, công khai tài sản cán bộ,… đã được đưa vào văn bản chính thức của Trung ương Đảng.

Có ai muốn thành “Người đương thời” không? ảnh 1

Que diêm, lò nóng và củi tươi

Để thực hiện Quyết định 99, điều cần phải làm là sửa đổi, bổ sung một số điều vào các Luật hiện hành (Luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng,…).

Chừng nào chưa luật hóa được chủ trương của Đảng thì việc thực thi của các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Kiểm sát, Tòa án), cũng như hoạt động của Thanh tra Chính phủ chắc chắn sẽ còn bị hạn chế.

Cùng với đó việc người dân lo ngại những bất trắc “bỗng nhiên” nào đó xảy ra với gia đình và người thân không phải là không có cơ sở.

Trong những vấn đề được nhân dân quan tâm, công khai tài sản của cán bộ có lẽ là điều được chờ đợi nhất.

Sau khi Quyết định 99-QĐ/TW được ban hành, liệu việc thực hiện công khai tài sản có đạt kỳ vọng của Trung ương và toàn dân?

Cần phải nêu câu hỏi này bởi lâu nay người dân vốn đã quá quen với hiện trạng “con đường dài nhất đất nước là từ lời nói đến việc làm” và “sợi dây dài nhất đất nước là sợi dây kinh nghiệm”.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, thế  nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá và rất ít người có trách nhiệm bị xử lý hình sự.

Luật Giáo dục quy định giáo dục phổ cập bậc tiểu học và trung học cơ sở, theo đó Nhà nước đầu tư hoàn toàn cho hai cấp học này.

Cho đến nay lạm thu ở các lớp hai cấp học này càng ngày càng trầm trọng và (hình như) chỉ mới có một Hiệu trưởng bị khởi tố?

Có ai muốn thành “Người đương thời” không? ảnh 2

“Ai đã trót nhúng chàm thì cần soi gương, rửa tay cho sạch sẽ, không tái phạm”

Nhiều cán bộ lãnh đạo trung cao cấp vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước, mức độ vi phạm bị đánh giá là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, tuy nhiên cho đến nay ít người bị khai trừ và càng ít người bị truy tố.

Chắc chắn sẽ có người sẵn sàng đánh đổi chút uy tín con con lấy gia tài được đồn đoán là hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho con cháu, dòng tộc.  

Nêu một vài ví dụ để thấy, việc ban hành Quyết định 99 là tín hiệu đáng mừng, bởi người dân sẽ có cơ sở để góp ý, giúp đỡ và giám sát cán bộ.

Tuy nhiên còn quá sớm để khẳng định Quyết định của Ban Bí thư sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh, sẽ tạo cột mốc mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, cũng cần nhận thức một thực tế là các “nhóm lợi ích” sẽ không chịu ngồi yên, không chịu đánh mất đặc quyền, đặc lợi của mình như từng xảy ra mỗi khi có chủ trương, chính sách mới.

Một trong các biểu hiện chống đối đã được phân tích trong bài: “Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?”. [1]

Quyết định 99 ban hành thể hiện Đảng tin dân, dựa vào dân, tập hợp sự đóng góp của dân trong cuộc chiến lấy lại niềm tin của dân với Đảng, với thể chế.

Vấn đề tiếp theo là Đảng phải làm sao cho dân thực sự tin, dân sẵn sàng tham gia góp ý, giám sát và đặc biệt là dân không … sợ.

Tâm sự của “người đương thời” Đỗ Việt Khoa đăng trên báo Laodong.vn: “Tôi từng bị những đối tượng mà tôi tố cáo thuê xã hội đen dọa đánh, bị cướp máy ảnh. Sau đó, họ gây sức ép, đẩy tôi đi trường khác.

Họ cũng làm ảnh hưởng đến gia đình của tôi, ảnh hưởng đến cả hạnh phúc vợ chồng…” cho thấy sự đơn độc của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đáng sợ biết chừng nào. [2]

Không thể phủ nhận hiện trạng có nơi, có lúc bên cạnh tâm lý chán không muốn góp ý, bàng quan với thời cuộc còn là tâm lý sợ mang vạ vào thân.

Có ai muốn thành “Người đương thời” không? ảnh 3

Phòng chống tham nhũng: "Cả cái lò phải nóng lên, tất cả cùng vào cuộc"

Tâm lý ấy len lỏi vào truyền thông khiến những đề tài vô thưởng vô phạt như cô hoa hậu này cưới chồng, nghệ sĩ kia từ trần, cô nàng khác mặc váy “xuyên thấu” xuất hiện đầy rẫy mặt báo trong khi các bài viết chính luận, gai góc, động chạm thì mức độ quan tâm hình như chủ yếu từ phía bạn đọc?

Muốn dân không sợ thì phải có cơ chế bảo vệ dân, phải bảo vệ thực sự chứ không phải là phong cho danh hiệu “người đương thời” rồi bỏ mặc họ tự chống lại kẻ xấu bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Bên cạnh sự phấn khởi của người dân, của nhiều cán bộ cao cấp đương chức hoặc đã nghỉ hưu, cũng có những tiếng nói không biết nên hiểu thế nào.

Tán thành kê khai tài sản nhưng ông Trần Quang Đảng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa lại cho rằng:

Với những cán bộ, lãnh đạo tại các tỉnh, huyện miền núi tôi nói thật họ chẳng có gì cả, nếu bắt họ kê khai thì vừa mất thời gian lại không giải quyết được vấn đề gì.

Tôi cho rằng, tốt nhất là nên cử cán bộ tới tận nơi kiểm tra tài sản của từng người, từng cán bộ một vừa đảm bảo công bằng, vừa thực tế hơn với điều kiện miền núi hiện nay”. [3]

Thanh Hóa cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là ba địa phương đông dân nhất nước, tỉnh này về diện tích cũng thuộc tốp đầu.

Vậy chức danh Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có cần phải vừa hiểu biết vừa có trách nhiệm với lời nói của mình?

Báo Nld.com.vn viết: “Sáu lô đất biệt thự trị giá hàng chục tỉ đồng mỗi lô, ở vị trí cực đắc địa tại trung tâm tỉnh Lào Cai, đều rơi vào tay 6 quan chức tỉnh này sau khi đấu giá”.

Báo Vov.vn viết: “Liên tục có thông tin về những "biệt phủ" hoành tráng, lâu đài nguy nga xuất hiện ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Các công trình hoành tráng, xa xỉ đến mức người ta liên tưởng tới các phủ chúa, cung vua thời phong kiến.

Điều đáng nói là những công trình hoành tráng đó lại là của các quan chức được cho là công bộc của dân”.

Ảnh cắt từ clip của Vtc.vn mô tả biệt thự của Phó ban Nội chính tỉnh Đăk Lăk
Ảnh cắt từ clip của Vtc.vn mô tả biệt thự của Phó ban Nội chính tỉnh Đăk Lăk

Nêu vài dẫn chứng để thấy có phải ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa không biết gì về sự giàu có của các đồng chí, đồng liêu, đồng cấp tại các tỉnh miền núi?

Cũng có thể theo ông Trần Quang Đảng, sở hữu những biệt thự, biệt phủ, đất đai nêu trên vẫn chỉ là “chẳng có gì cả”, chưa thể gọi những đồng chí ấy là “nhà giàu”?

Nhà giàu phải đạt đẳng cấp mà thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ mô tả: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng …”!

Có thể có những cách hiểu khác nhau, đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến của ông Trần Quang Đảng.

Tuy nhiên dù hiểu thế nào thì cũng không thể phủ nhận chuyện ông Đảng đang muốn thể hiện quan điểm cá nhân khác với quyết định của Ban Bí thư (và mong muốn của nhân dân).

Đó là yêu cầu quan chức kê khai tài sản phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (ngoài công bố tại cơ quan hoặc phương tiện khác).

Ban Bí thư đánh giá thế nào về ý kiến: “bắt họ (cán bộ tỉnh, huyện miền núi) kê khai thì vừa mất thời gian lại không giải quyết được vấn đề gì”?

Có ai muốn thành “Người đương thời” không? ảnh 5

“Kiên quyết nhúng chàm và miệng nhúng…đóm”

Ý kiến của ông Trần Quang Đảng hàm chứa điều gì và đại diện cho ai?

Xét về mặt địa lý, Việt Nam là quốc gia đồi núi chiếm ba phần tư, đồng bằng châu thổ chỉ có một phần tư.

Cụ thể khu vực đồng bằng sông Hồng có 10 tỉnh, đồng bằng Nam Bộ có 13 tỉnh và thành phố, miền Trung có dải đồng bằng ven biển song diện tích không đáng kể.

Như vậy có thể cho rằng số tỉnh thuộc địa bàn trung du, miền núi là 40 (cả nước có 63 tỉnh, thành phố).

Dù tỉnh to hay bé thì số ban bệ cũng như nhau, khác nhau có chăng chỉ là cấp phó. Căn cứ vào phân bổ địa lý có thể phỏng đoán số lượng lãnh đạo các tỉnh, huyện miền núi gần gấp đôi số cán bộ công chức các vùng miền còn lại của cả nước.

Vì cán bộ miền núi - theo khẳng định của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa -  chẳng có của cải gì nên chẳng cần kê khai, nói cách khác đa số cán bộ đều “nghèo”, đều “chẳng có gì cả” do đó bắt người ta kê khai là việc làm vô ích.

Nếu đã thế thì yêu cầu “thiểu số” cán bộ vùng đồng bằng và thành phố kê khai có cần thiết?

Theo ông Đảng, muốn kiểm tra tài sản của từng người, từng cán bộ thì đến văn phòng (hoặc nhà riêng), giống như Tổng cục Môi trưởng cử ông Cục phó xuống tận địa phương thanh tra mấy chục nhà máy, mỗi nhà máy chỉ cần vài tiếng, vừa tiện lợi, vừa nhanh gọn?

Giả sử Ban Bí thư tổ chức thăm dò kín trong nội bộ các vị lãnh đạo tỉnh huyện miền núi, liệu sẽ có bao nhiêu người phản bác ý của ông Trần Quang Đảng?

Lại còn có ý kiến của một người lúc tại vị cũng “hơi to to”, rằng ông X làm ở tỉnh Y, hà cớ gì lại phải công khai tài sản cho tỉnh A, tỉnh B biết, chỉ cần công khai trong phạm vi hẹp là đủ?

Tuy mới lác đác nhưng việc xuất hiện các ý kiến “đóng góp” cho Quyết định đã được Ban Bí thư ban hành nói lên điều gì?

Có phải nguyên tắc “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức” nêu trong Điều lệ Đảng chưa được tuyệt đối tôn trọng?

Nếu cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí được coi là chống giặc “nội xâm”, nếu quyết định của Ban Bí thư được xem như mệnh lệnh ban hành từ Bộ Tổng Tham mưu thì ý kiến này kia của các tư lệnh, chính ủy chiến trường có đảm bảo thắng lợi cuối cùng?

Phát biểu quan điểm cá nhân, có phải người ta đang đề nghị Ban Bí thư nên xem xét lại việc kê khai và công khai tài sản quan chức?

Nếu giàu có một cách đàng hoàng, giàu không phải nhờ vào các “quy trình” thì việc gì phải sợ công khai trước toàn dân, việc gì phải đề nghị công khai “hẹp”?

Thế mới biết, con đường từ quyết định đến thực hiện vẫn còn nhiều trắc trở và người dân liệu có thể xem Quyết định 99 như một chỗ dựa tin cậy để khỏi trở thành “người đương thời” như trường hợp nhà giáo Đỗ Việt Khoa?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nhom-loi-ich-dang-chuan-bi-de-doi-pho-voi-quyet-tam-cua-Tong-Bi-thu-post169537.gd

[2]https://laodong.vn/giao-duc/nguoi-hung-do-viet-khoa-sau-11-nam-chong-tieu-cuc-no-tien-ti-lam-them-du-nghe-de-song-569818.ldo

[3]http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-khai-tai-san-lanh-dao-tren-bao-chi-tot-nhung-3345276/

Xuân Dương