"Đà Nẵng ngày càng văn minh, thấy buồn cho Hà Nội!"

28/04/2014 10:49
Hoàng Minh
(GDVN) - Thành phố Đà Nẵng văn minh, người dân thanh lịch. Có được điều đó là nhờ vào cái tâm, cái tài của người lãnh đạo...

Đà Nẵng – thành phố đáng sống

Ngày ông Nguyễn Bá Thanh rời Đà Nẵng để lên nhận chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tôi đọc báo, xem tivi thấy được người dân thành phố này kính mến ông Thanh nhiều lắm. Khi đó, ai cũng tỏ ra nuối tiếc vì thành phố thiếu đi một con người “máu lửa”, dám nghĩ dám làm...

Một góc thành phố Đà Nẵng
Một góc thành phố Đà Nẵng

Nhắc đến Đà Nẵng, người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của thành phố trong suốt những năm qua. 5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Qua 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được vô cùng mỹ mãn.

Sau khi "5 không" đã ổn, Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình "3 có" - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở.

Ở Đà Nẵng, tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trong TP, người ra vào đều được giữ xe miễn phí. Ngân sách TP sẽ chi trả khoản này. Với 2.000 đồng/lượt gửi xe máy miễn phí thì có gì phải nói, nhưng với người nghèo thì khác, có người nhà nằm viện ngày ra vào hàng chục lượt, 1 tháng tiền gửi xe cũng là một khoản không nhỏ. Với người nghèo bị suy thận, hàng tuần đôi ba lượt phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, họ lấy tiền đâu mà chữa bệnh.

Cảm thông khó khăn đó của người dân, năm 2011, TP đã cấp ngân sách cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mua 10 máy chạy thận, và người nghèo sẽ được chữa trị miễn phí 100%. Có ai đếm được niềm vui của người bệnh được cứu tính mạng từ một chính sách xã hội nhân bản như thế.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay mà ông nguyên Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”.

Nhưng với những việc làm đặc biệt kể trên cùng với những chính sách “hổng giống ai” như: không tuyển công chức học tại chức, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không cho bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo; đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm xây dựng thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường... cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập để sao cho mỗi người dân khi nói về quê hương của mình đều ánh lên vẻ tự hào như Đà Nẵng đã làm được ngày hôm nay.

Hà Nội, thành phố của những tiêu cực?

Là người dân Hà Nội, tôi chứng kiến những đổi thay của Hà Nội suốt hơn nửa thế kỉ nay, thấy buồn! Tôi không phải không nhìn thấy những mặt “lớn lên” của Hà Nội nhưng mặt Hà Nội nhỏ đi, thấp kém đi, thậm chí " lùn" đi thì nhiều quá.

Những ngôi nhà méo mó - hình ảnh quen thuộc tại thủ đô Hà Nội (Ảnh Tiến Dũng)
Những ngôi nhà méo mó - hình ảnh quen thuộc tại thủ đô Hà Nội (Ảnh Tiến Dũng)

Nếu ai đang sinh sống ở Hà Nội hoặc đã từng đến đây có thể nhận thấy rõ, Hà Nội “lộn xộn” như thế nào. Từ "chuyện vặt" như gửi xe thôi vậy mà hầu như ở chỗ nào cũng “chặt chém”.

Cứ hễ có hội hè là các bãi trông giữ xe mọc lên xung quanh như nấm với giá vé “cắt cổ”. Người trông xe thì sẵn sàng dùng nắm đấm với bất kỳ ai thắc mắc về giả cả, bất chấp sự có mặt của lực lượng công an.

Việc này đã tồn tại bao năm nay, người dân ai cũng biết nhưng lãnh đạo Hà Nội thì dường như không biết, hoặc có biết nhưng cố tình làm ngơ?

Đường xá ở thủ đô thì quy hoạch lủng củng, đêm ngày bụi mù mịt và lúc nào cũng trong tình trạng bị đào bới. Nhà cửa thì méo mó, sẹo sọ, chỗ thò ra, nơi lại thụt vào. Nhiều con đường lầy lội cần sửa thì bao năm vẫn để nguyên, nhưng có nơi vỉa hè đang đẹp vẫn cho người đến đào lên để… lát lại.

Ở Hà Nội, đâu đâu chúng ta cũng có thể bị móc túi, cũng dễ dàng bắt gặp những ông, bà già, trẻ em đi bán hàng rong. Ăn xin thì có hầu hết ở khắp Hà Nội. Nạn "chặt chém" khách du lịch từ lâu cũng là nỗi kinh hoàng của những du khách khi đến đây.

Và còn nhiều lắm những chuyện buồn tại thủ đô...

Dẫu biết rằng Hà Nội là thủ đô, một thành phố lớn, đông dân và có nhiều vấn đề đặc thù hơn những thành phố khác. Tuy nhiên tôi cho rằng, không thể lấy lý do “đông dân, phức tạp, khó quản lý” để biện hộ cho những mặt yếu kém trên. Cái chính ở đây là lãnh đạo thành phố có tích cực, có quyết tâm như lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã làm hay không thôi.

Cuối cùng tôi xin kể câu chuyện khi tôi đi du lịch ở Đà Nẵng. Trong lúc đi chợ có dùng túi ni-lon, bác xe ôm chở tôi nhắc: "Ở bãi biển, chị đừng vứt túi ni-lon bừa bãi, bác Chủ tịch thành phố yêu cầu vậy đó".

Vậy ra, một người lao động bình thường như bác xe ôm ở Đà Nẵng cũng có ý thức bảo vệ thành phố của họ xanh - sạch - đẹp. Họ có được ý thức tốt như thế chính là nhờ vào cái tâm, cái tài của người lãnh đạo. 

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức riêng của tác giả.

Hoàng Minh