Đà Nẵng dẫn đầu, Tuyên Quang “đội sổ”
Sáng 20/3, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 đã chính thức được công bố với ngôi vị quán quân thuộc về Đà Nẵng. Các ngôi vị tiếp theo thuốc về Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre và Quảng Ngãi.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh theo chỉ số PCI 2013. (Ảnh Vnexpress) |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) – đơn vị tổ chức sự kiện cho biết, điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng. TP.HCM tăng 3 hạng, nằm trong top 10 tỉnh có PCI cao nhất. Thủ đô Hà Nội tăng 19 hạng, từ vị trí 51 leo lên vị trí 33. Nhóm tỉnh thấp nhất PCI vẫn rơi vào khu vực miền núi phía Bắc.
Thành phố Đà Nẵng đã trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm nay (đạt 66,45 điểm). Trước đó, 2008-2010 Đà Nẵng liên tiếp 3 năm dẫn đầu chỉ số PCI. Tuy nhiên năm 2011 đã tụt hạng xuống vị trí thứ 5 và tiếp tục lao dốc trong năm 2012. Để lấy lại ngôi đầu bảng này, thời gian qua, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp mạnh, khắc phục những hạn chế dẫn đến sự tụt hạng PCI.
Trong đó tập trung chủ yếu vào việc nâng cao hiệu quả điều hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt hơn về cải cách hành chính, giảm bớt thanh tra, kiểm tra kéo dài ở doanh nghiệp.
Năm 2013, thành phố Đà Nẵng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, tổng thu ngân sách vượt dự toán và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,3 tỉ USD, du lịch thu hút hơn 3 triệu lượt khách, sản lượng hàng hoá qua cảng đạt trên 5 triệu tấn…
Để được cộng đồng DN đánh giá cao, Đà Nẵng đã cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. DN không còn bị phiền toái khi xin cấp giấy kinh doanh có điều kiện.
Cải cách hành chính trong cấp giấy phép xây dựng được công khai trên mạng về quy trình cấp phép và minh bạch về thủ tục đất đai.
Trong khi đó, Thừa Thiên Huế cũng “chiếm” lại được vị thế với thành tích xuất sắc. Kể từ năm 2007, chỉ duy nhất một lần tỉnh này rơi khỏi nhóm 25 tỉnh có điểm số cao nhất và nằm trong nhóm tốt.
Cùng với trung tâm kinh tế tại miền Trung, Quảng Ninh năm nay lần đầu tiên vươn lên nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,5 điểm. Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch tỉnh chia sẻ, có được kết quả này là do tỉnh đã chú trọng tới công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và theo dõi sát những khó khăn của doanh nghiệp.
“Chi phí bôi trơn” tại Hà Nội ngày càng trầm trọng
Theo Báo Lao Động, Hà Nội dù tăng 18 bậc từ vị trí 51 (năm 2012) lên vị trí 33 (năm 2013), nhưng một số chuyên gia đánh giá: Thứ hạng này chưa xứng đáng với vị trí và tiềm năng của thủ đô. Lý giải cho điều này, ông Edmund Malesky - GS-TS kinh tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ, trưởng nhóm nghiên cứu PCI - cho rằng, có 3 vấn đề chính Hà Nội cần cải thiện. Đó là tính minh bạch, ngân sách và quy hoạch thành phố nên được công bố công khai trên mạng để người dân được tiếp cận.
Hình ảnh "xấu" tại thủ đô Hà Nội. Ảnh Trần Kháng |
Thứ hai, do Hà Nội là trung tâm đô thị lớn có nhiều khó khăn đặc thù, việc sáp nhập Hà Nội và Hà Tây đã gây ra khó khăn lớn về đất đai, tiếp cận đất đai, xây dựng trung tâm bộ máy cơ quan nhà nước.
Yếu tố cuối cùng được ông Edmund Malesky đánh giá là nhạy cảm và gây ảnh hưởng lớn tới chỉ số PCI Hà Nội là chỉ số về chi phí không chính thức, tiền lót tay và “chi phí bôi trơn” ngày càng trầm trọng. Trong khi chỉ số này tại các thành phố khác trên cả nước đều được cải thiện, thì chỉ số của Hà Nội liên tục suy giảm xuống chỉ còn 4,63 điểm trong năm 2013.
Các tỉnh có chỉ số PCI rớt thê thảm trong năm 2013 như: Ninh Thuận tụt 34 bậc, xuống vị trí 52; Sơn La tụt 33 bậc, xuống vị trí 55 năm 2013; Hòa Bình tụt 21 bậc, xuống vị trí 62 năm 2013. Đáng chú ý là tỉnh An Giang đang nằm trong top dẫn đầu ở vị trí thứ 2 (năm 2012) đã rớt xuống vị trí 23 (năm 2013)... Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến các tỉnh vị rớt thứ hạng PCI là do đưa ra quá nhiều hứa hẹn về cải cách, tạo kỳ vọng lớn cho các DN, nhưng thực tế lại không làm được.