Quyền rơm mang theo vạ đá
Nếu “quyền rơm” bị biến thành “quyền hơi, quyền gió” thì “vạ đá” sẽ biến thành cái gì?
Vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, người viết bài này thực sự bị sốc khi chứng kiến tận mắt lực lượng chức năng đưa người và phương tiện đập phá khu vực cổng trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) trên đường Đại Cổ Việt.
Nhìn những chiếc búa tạ vung lên, vôi vữa rụng xuống, người viết đã ngay lập tức nghĩ đến từ “vạ búa”, tiếc rằng mấy chục năm sau mới viết ra được điều này.
Ngày nay ngành giáo dục, đặc biệt là nhà giáo vẫn là đối tượng bị “vạ đá” từ những đối tượng thủ sẵn đá trong túi nhưng chưa biết ném vào đâu.
Xin trích đăng tiêu đề sáu bài báo:
Những vụ bê bối “chấn động” nền giáo dục hiện đại Việt Nam.
Những sự kiện giáo dục 'chấn động' năm 2018.
2018: Năm của những sự kiện giáo dục 'chưa từng có'.
2018: Giáo dục Việt Nam với những sự kiện có 1-0-2.
Những sự kiện giáo dục gây “chấn động” dư luận năm 2018.
3 vụ việc bê bối của ngành giáo dục đầu năm 2018.
…..
Trên Google, gõ cụm từ tìm kiếm “Cô giáo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái” nhận được hơn 2 triệu kết quả (chính xác là 2.290.000 kết quả).
Trong khi đó cụm từ “Vung tay chạm má, đá chưa trúng người” chỉ nhận được 1.440.000 kết quả nghĩa là bằng khoảng 60%.
Cùng một hành vi đánh vào má, thế nhưng “ném đá” nhà giáo xem ra “thoải mái” hơn ném vào “lực lượng khác” mặc dù hành vi của “lực lượng khác” cũng không kém nghiêm trọng vì là “má” của phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường.
Cũng xin nói thêm, người viết dùng cụm từ “lực lượng khác” không phải là không dám chỉ đích danh mà chỉ vì không muốn Ban biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải mất công chỉnh sửa.
Chỉ sau khi một cựu sếp ngân hàng BIDV - bị khai trừ, bị bắt giam người ta mới thấy lác đác thông tin việc người này “vung tay chạm má” một lãnh đạo cấp tỉnh, trước đó vì sao cả người bị “chạm” và truyền thông đều im lặng?
Dường như có một sự ngầm hiểu, rằng giáo dục là vùng “tự do ném đá” còn các lĩnh vực khác là “nhạy cảm” cần phải cân nhắc kỹ càng.
Tung vào giáo dục cả một trời “mưa đá” là giúp giáo dục hay chỉ đơn giản vì mắng mỏ thày cô giáo ít khi phải bị nhận những đề nghị “nhẹ nhàng” sau khi bài được đăng?
Nếu con số nhà giáo phạm lỗi chỉ là con số rất ít trong tống số hơn 1,2 triệu nhà giáo thì có nên xem đó chỉ là những hạt sạn trong quá trình “giã gạo”, dù với khoa học, kỹ thuật tiên tiến cũng không thể tránh khỏi.
Cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành, chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa 12 đã có hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xem xét, xử lý, trong số này có hơn 20 người cấp bậc từ thiếu tướng đến thượng tướng đã bị kỷ luật, một số bị khai trừ khỏi đảng, cách chức hoặc bị xử tù.
Nếu kể tiếp thì vụ mua bán AVG khiến ngân sách có nguy cơ thất thoát khoảng 7.000 tỷ đồng, vụ đưa xe biển xanh vào chân cầu thang máy bay đón người nhà lãnh đạo Bộ Công thương cũng phải xem là những “bê bối chấn động”.
Việc không hề có những tít bài đại loại “Những vụ bê bối chấn động ngành Công Thương” (hoặc Công an) phải chăng là minh chứng cho việc “Chọn mặt gửi… đá”?
Trước khi ném đá thầy cô và ngành giáo dục, hãy chậm lại vài giây. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh |
Sự “vô tư” trong các bài viết đả kích giáo dục cho thấy mặt bằng bản lĩnh của nhiều đối tượng chứ không phải chỉ của tác giả các bài viết.
Dù dưới bất kỳ góc độ nào cũng phải khẳng định tuyệt đại bộ phận nhà giáo là người tốt, tuy cũng không thể phủ nhận thực tế, nhiều nhà giáo không phải là người giỏi.
Không phải người giỏi bởi cơ chế đã đẩy những người “chuột chạy cùng sào” vào ngành Sư phạm, họ không thể lựa chọn những ngành “thơm” hơn, “màu mỡ” hơn bởi sự ngẫu nhiên của tạo hóa, đâu phải lỗi của những người được sinh ra với chỉ số IQ trung bình.
Theo một báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ phụ nữ trong nghề giáo là 70%, cao nhất trong các ngành nghề xã hội. [7]
Nếu đánh giá những điều xảy ra trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 là “bê bối chấn động” thì phải chỉ đích danh Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình,…
Vai trò lãnh đạo nhân sự thuộc về Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh bởi Trưởng ban chỉ đạo và đa số thành viên Ban chỉ đạo là cán bộ địa phương.
Ngành Giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo liên đới chịu trách nhiệm chứ không phải nguyên nhân gây nên bê bối.
Nói “bê bối gây chấn động của ngành Giáo dục” là đánh bùn sang ao, là quýt làm cam chịu,…
Đảng bộ và chính quyền địa phương làm sao có thể vô can khi những người vi phạm tại các hội đồng thi do các cơ quan này đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, chẳng liên quan gì về nhân sự với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đổ lỗi cho giáo dục là thói xấu mà không ít đối tượng sử dụng nhằm trốn tránh trách nhiệm, tiếc thay điều này lại được sự phụ họa của một bộ phận không nhỏ những người làm truyền thông.
Nguyên nhân của những yếu kém
Thứ nhất: Mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nền giáo dục Việt Nam ở hai miền đất nước định hướng theo những quan điểm không giống nhau.
Giáo dục miền Nam sau 1954 dựa trên ba nguyên tắc là "Nhân bản; Dân tộc và Khai phóng", đó được xem là “Triết lý giáo dục” thời kỳ từ 1954 đến năm 1975.
Giáo dục miền Bắc cho đến năm 1975 và cả nước đến năm 2019 này vẫn đang đi tìm “Triết lý giáo dục”, vẫn bàn luận và chưa có kết quả cuối cùng.
Các nguyên tắc “nhân bản, dân tộc, khai phóng” của giáo dục miền Nam trước 1975 đã được trình bày tỉ mỉ bởi tác giả Nguyễn Thanh Liêm. [8]
Tại miền Bắc, sau năm 1954 quan điểm dạy người thời phong kiến “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Đầu tiên là tu dưỡng bản thân, sau đó là đến gia đình mình rồi mới đến quốc gia và sự nghiệp mang tầm vóc “thiên hạ”) tuy không chính thức bị loại bỏ song trẻ em được dạy những đức tính hoàn toàn khác, “Tổ quốc, đồng bào” được đặt lên trên hết, không thấy nhắc đến bản thân hay gia đình.
Nói đến tình yêu tổ quốc, nhà văn Nga Ilia Erenbua viết:
“Dòng suối chảy vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
“Yêu nhà” nghĩa là yêu bản thân, bố mẹ, ông bà, họ hàng ruột thịt,… “yêu làng xóm, miền quê” nghĩa yêu con sông, bến nước, lũy tre, ngõ phố, là những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn” có nhau. “Yêu” được như thế tự khắc “trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Triết lý “Gia đình là tế bào của xã hội” gần đây được đã được nhắc đến, chẳng hạn ngày 10/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại”.
Tại Hội thảo các tham luận khẳng định:
“Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
Gia đình cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [9]
Có thể thấy chúng ta đã bị muộn khi nhìn lại cách giáo dục thế hệ trẻ, cách tiếp cận trước đây đã khiến cho mối dây liên kết trong gia đình bị phá vỡ, mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy, đó là khúc ngoặt lớn đầu tiên khiến giáo dục mất phương hướng.
(Còn nữa)