Đội tuyển U23 Việt Nam bước vào trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu - Trung Quốc trong ngày tuyết rơi dày đặc, vốn chỉ thỉnh thoảng mới thấy tại vùng núi cao phía bắc như Sa Pa - Lào Cai, Mẫu Sơn - Lạng Sơn.
Thế giới thể thao vẫn cho rằng Đông Nam Á là “vùng trũng” về bóng đá nên chuyện có ai đó ưu ái cho đội tuyển đến từ các vùng miền khác thì sự phê phán cũng không quyết liệt.
Người ta vẫn cho rằng dẫu có vào vòng chung kết thì Việt Nam và Malaysia cũng chỉ là các đội “lót đường”. Không những thế ngay trước giải đấu, ngay cả người trong ngành vẫn chỉ hy vọng đây là giải đấu “tích lũy kinh nghiệm” cho tương lai…
Thi đấu trong hoàn cảnh không ít lần bị xử ép, có trận báo chí quốc tế nói rằng Việt Nam phải thi đấu với đội có 12 cầu thủ.
Đấy là “Thiên không thời”.
Thi đấu tại nước bạn, cách xa quê hương hàng ngàn cây số - nếu tính từ sân bay Thành phố Hồ Chí Minh - trong bối cảnh cổ động viên nước chủ nhà “tẩy chay” giải đấu như tin đã đưa trên Báo Điện tử Vnexpress: “Người Trung Quốc đều quyết tâm tẩy chay giải U23 sau trận thua Qatar. Họ cho rằng trọng tài bị mua chuộc". Các trận đấu tầm cỡ châu lục nhưng khán đài chỉ có vài trăm khán giả.
Người dân cả nước hân hoan đón chào các cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam về nước trong niềm vui sướng, niềm tự hào. Ảnh: Báo Thanh Niên. |
Cổ động viên Việt Nam không phải ai cũng có thời gian và điều kiện kinh tế để sang Trung Quốc cổ vũ cho đội tuyển, đó là chưa nói đến các thủ tục xuất nhập cảnh chỉ được phía bạn thực hiện tại nơi có cơ quan ngoại giao với lệ phí không hề rẻ (60 USD làm bình thường, 80 USD làm nhanh).
Đấy là “Địa không lợi”.
Điều chúng ta có là dàn cầu thủ trẻ đầy nhiệt huyết, bản lĩnh và kỹ thuật, là sự đoàn kết tin tưởng vào tài năng, uy tín huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, là những lời chúc kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là đêm xuống đường không ngủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là những phần thưởng lên đến nhiều tỷ đồng của nhà nước, doanh nghiệp, những người hảo tâm và trên hết là sự cổ vũ của cả triệu con tim nơi quê nhà.
Đấy là “Nhân hòa”.
Thua sát nút trong trận chung kết là điều đáng tiếc, song thứ qúy giá nhất mà đội tuyển U23, của bóng đá Việt Nam mang về từ Trung Quốc không phải chỉ là danh hiệu á quân châu lục.
Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc |
Quà tặng quý nhất mà các chàng trai U23 mang về là niềm tự hào Việt Nam, là sự khẳng định một chân lý, khi người Việt tự tin, khi người lãnh đạo có tâm và có tầm thì trở ngại nào cũng có thể vượt qua, kỳ công nào cũng có thể vươn tới.
Trong ba yếu tố làm nên thành bại: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đội tuyển U23 Việt Nam chỉ có một, song một phần ba vẫn thể hiện một sự thật, rằng người Việt bước vào năm 2018 với tư thế ngẩng cao đầu, với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đoàn kết toàn dân, vào trí sáng tạo và sự tự tin mà trước đây có lúc chúng ta tưởng chừng không có.
Trước khi nói lời cảm ơn các cầu thủ, chúng ta cần phải nói lời cảm ơn huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, cảm ơn tình cảm tốt đẹp pha sự ngưỡng mộ mà bạn bè Đông Nam Á, Hàn Quốc, cùng các nước khác dành cho đội tuyển U23 nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá trẻ giúp người dân và quan chức ngộ ra nhiều điều.
Nếu chiến thắng Điện Biên năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 tạo nên kỳ tích để đất nước thu về một mối thì liệu có thể nói chiến tích của các chàng trai vàng U23 cũng góp phần tạo nên cú hích giúp người Việt tự tin vào chính mình, xóa bỏ quán tính trì trệ, bảo thủ tồn tại suốt mấy chục năm khiến người Việt luôn tự hỏi “bao giờ nước Việt mới sánh ngang tầm thế giới?”.
Thiếu đi sự tự tin, các đạo quân hùng mạnh nhất cũng sẽ thất bại ngay trước khi bước vào trận đánh. Thiếu vị tướng giỏi, xương máu các chiến binh quả cảm sẽ đổ nhiều hơn mà thắng lợi chưa thể khẳng định nếu không nói là có thể thất bại.
Phải chăng giờ đây, trong công cuộc chống tham nhũng, xây dựng kinh tế, bảo vệ tổ quốc, chúng ta đã có cả niềm tin và tướng giỏi?
Hay mọi sự khẳng định lúc này đều là quá sớm?
Lời kêu gọi nào lúc này có sức mạnh khiến cả triệu người với rừng cờ đỏ sao vàng tràn ngập từ thôn xóm đến miền quê, đến các trung tâm chính trị, kinh tế cả nước nếu không phải xuất phát từ lòng tự hào là người Việt Nam, là công dân một quốc gia có truyền thống yêu nước và văn hiến?
Đánh thức tiềm năng, khơi dậy bản lĩnh của người Việt có phải chỉ là trách nhiệm của ban lãnh đạo, của người đứng đầu hay cũng còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta?
Vượt qua mọi rào cản, gác lại những định kiến cá nhân, cùng nhau hướng về tương lai không chỉ phụ thuộc vào chủ trương, chính sách, thể chế chính trị mà cũng phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức của những ai mang trong mình dòng máu Việt, dẫu có thể giờ đây có người không nói được tiếng Việt.
Hãy nhìn và hãy nghe tường thuật trực tiếp trên VTV6 buổi đón tiếp đoàn U23 về nước, như lời bình luận: “Chưa bao giờ có một rừng cờ đỏ sao vàng như hôm nay”; “Chưa bao giờ có một lễ đón như thế diễn ra tại sân bay quốc tế Nội Bài” và trên đường về trung tâm thành phố.
Đó không gì khác hơn là lời cảm ơn mà Thủ đô Hà Nội thay mặt cả nước gửi tới đội tuyển, đó chính là khẳng định cho một sự thật: “Niềm tin là một thứ dẫu có rất nhiều tiền cũng không thể mua được”.
Cùng với bạn đọc, người viết xin được cảm ơn các thành viên ban huấn luyện, cảm ơn các cầu thủ đã mang lại cho ông bà, cha mẹ, bạn bè, cho người dân cả nước một ngày vui hơn cả tết đến.
Với người Việt, các cầu thủ của đội tuyển U23 của chúng ta xứng đáng nhận huy chương vàng. Ảnh: Báo Vietnamnet. |
Màu tấm huy chương mà U23 mang về mới là bạc, nhưng với người Việt điều đó không quan trọng, quan trọng là câu nói “Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu?’ mà huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo nói với các cầu thủ sau trận chung kết.
Không gì cảm động hơn khi một người nước ngoài mới sống tại Việt Nam vài tháng đã tự hào dùng đại từ “chúng ta” để nói với các cầu thủ, phải chăng ông đã xem mình như là một thành viên trong cộng đồng 54 dân tộc Việt cũng như Hoàng tử Lý Long Tường và hậu duệ nhà Lý gần một nghìn năm trước đã chọn Triều Tiên là tổ quốc thứ hai của mình?
Với người Việt, các chàng trai của chúng ta xứng đáng nhận huy chương vàng, và điều này đã được Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) biến thành hiện thực.
Việc PNJ đã dành khoảng 3 tỷ làm ra bộ 31 huy chương bằng vàng thật để tặng đội tuyển U23 cho thấy không chỉ người hâm mộ thể thao mà rất nhiều doanh nghiệp đã xem U23 là “vàng mười” của bóng đá Việt Nam.
Niềm vui nhỏ nhất cũng có thể chia đều cho mọi người, nỗi buồn lớn nhất không hẳn có thể có người san sẻ.
Chỉ có những gì được người dân đón nhận tự nguyện mới là vĩnh viễn, nói thế để thấy bài học yên dân mà tiền nhân dạy bảo không bao giờ được phép xem nhẹ.
Khi đã cố gắng hết sức mà không đạt được kỳ vọng thì chẳng có gì phải xấu hổ, có chăng chỉ là một mỗi buồn man mác. Đáng phải xấu hổ phải là những kẻ nói nhiều mà làm ít, những kẻ chỉ biết vơ vét của thiên hạ về xây từ đường nhà mình.
Câu chuyện bóng đá không chỉ đơn thuần là… bóng đá, đó còn là cái gì đó giống như vận nước, “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”.
Trách nhiệm của người chèo lái, của đội tiên phong là phải biết thời cơ đã đến, là lúc triệu người đồng lòng, chờ tiếng trống lệnh cùng xông lên diệt bọn tham nhũng, hại dân, đưa nước Việt sánh vai cũng các cường quốc trên toàn thế giới.
Nếu không làm được điều đó hôm nay, chẳng phải sẽ mang tiếng ngàn thu, chẳng phải sẽ có lỗi với tổ tông, với bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh máu xương cho dân, cho nước hay sao?