“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối”

18/02/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Cần phải thấy rằng những người duy tâm, mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín cũng là những người không tin vào khoa học, mất niềm tin vào công lý và thể chế.

Hàng năm, cứ mỗi dịp tết, hầu hết các trang báo lại tràn ngập thông tin giới thiệu các địa điểm cầu may, cầu duyên, giải hạn,…

Một số tờ báo “tự chủ tài chính” phải dựa vào tin hot, tin giật gân để thu hút người đọc bởi nhờ đó họ mới ký được nhiều hợp đồng quảng cáo.

Nghiệp quả đến từ nhiều việc thiện, đừng mê tín

Vấn đề là cả những báo được nhà nước cấp kinh phí cũng không bỏ qua, cũng tranh thủ “thị phần tâm linh” được đánh giá là “béo bở” này, vì sao vậy?

Có báo là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có bài: 

“Gợi ý 10 địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn nhất ở Thủ đô Hà Nội”. [1]

“Địa điểm đi lễ cầu may ngày đầu năm mới ở Hà Nội”. [2]

Hàng nghìn người tràn ra vỉa hè, lòng đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Tienphong.vn
Hàng nghìn người tràn ra vỉa hè, lòng đường cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Tienphong.vn

Là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố, việc quảng bá cho dân chúng chuyện “cầu may” nằm trong chủ trường của cơ quan quản lý hay chỉ là của một vài cá nhân?

Mới đây, báo Tienphong.vn đưa tin:

Anh P.D.H cho biết sau khi đi lễ Đền Bảo Hà, anh đã tự tay chọn cho mình 6 dãy số để cầu may, trong đó có dãy số 03 – 04 – 06 – 38 – 39 – 43 trúng thưởng Jackpot (trị giá 25 tỷ)”.

Cũng tờ báo trên trong bài: “Chùa Phúc Khánh tấp nập người đăng ký dâng sao giải hạn” viết: 

“Cũng như mọi năm, đại lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn thu hút hàng nghìn người đến đăng ký, dâng lễ và cầu bình an tại chùa…

Các sao hạn được nhà chùa cẩn thận in màu nổi để du khách dễ phân biệt”.

Đại gia xây chùa, thiên tài kinh doanh siêu lợi nhuận

Việc đưa tin “sau khi đi lễ Đền Bảo Hà” thì anh P.H.D trúng giải có phải chỉ là sự vô tình hay một cách ngầm quảng bá cho Đền Bảo Hà - và cũng là cho các địa điểm “Tâm linh” khác nhằm khuyến khích mọi người dành thời gian, tiền bạc đi lễ cầu may?

Bài viết “Thời của ngành “công nghiệp không khói” ” đưa ra một thông tin thú vị, nửa đầu năm 2018, “Tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,1 nghìn tỷ đồng”. [3]

Trong khi nhiều ngành kinh doanh “có khói” như luyện kim, nhiệt điện,… làm ăn khó khăn thì hình như các nhà quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương quên mất một ngành kinh doanh “có khói” nghi ngút quanh năm mang lại lợi nhuận khủng là “kinh doanh tâm linh”.

Trong vòng 11 năm, từ 2002 đến 2013, đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) mỗi năm chỉ nộp về ngân sách khoảng 1,5 tỉ đồng, thì sau khi thay đổi quản lý, số tiền nộp ngân sách lên tới 11 tỉ/năm. [4]

Tại Hà Nội, “Mỗi mùa lễ hội chùa Hương ước tính số tiền giao dịch lên tới 700 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu về cho ngân sách rất khiêm tốn: Trong đó tiền vé thắng cảnh 60 tỷ đồng, tiền cáp treo nộp ngân sách 20 tỷ đồng”. [5]

“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối” ảnh 2Làm điều ác sẽ gặp quả báo, giáo lý nhà Phật không cúng sao giải hạn

Dễ hiểu vì sao thời gian gần đây, tại nhiều làng, các miếu thờ, đình chùa cũ với diện tích chỉ chừng vài chục mét vuông đã được gắn biển di tích, được mở rộng gấp nhiều lần so với ban đầu.

Bên cạnh đó các đại gia xây dựng các quần thể chùa chiền với quy mô hoành tráng hàng nhìn héc ta, có nơi được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. 

Để xây chùa với quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta đất, chỉ có tiền là chưa đủ mà còn cần sự cấp phép (hoặc hiệp sức) của chính quyền, của lãnh đạo địa phương từ lúc hình thành dự án đến khi đi vào hoạt động.

Việc một số vị có trách nhiệm tham gia khai hội đền Trần, chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc,… nếu là chuyện riêng thì bình thường, nếu đại diện cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị xã hội thì lại là chuyện khác. 

Mọi người đều biết cấp bậc các vị lãnh đạo cắt băng khánh thành công trình cho thấy tầm cỡ của công trình đó, công trình tầm cỡ quốc gia thì người cắt băng phải tầm cỡ Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh trở lên.

Như vậy, việc một vị “tầm cỡ” xuất hiện, đánh trống khai hội tại một địa điểm tâm linh nào đó chắc chắn sẽ gieo vào tâm tưởng người dân sự háo hức, và đương nhiên sau đó người ta sẽ đổ xô về đó cầu tài, cầu lộc chứ không chỉ là vãn cảnh đầu xuân.

Mới đây, báo Lao động có bài viết về tình trạng “dâng sao giải hạn” tại chùa Phúc Khánh - Hà Nội.

“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối” ảnh 3Xây được chùa to nhưng có cái lại...rất bé

Bài báo cho biết mỗi người muốn cúng sao giải hạn phải nộp 150.000 đồng, một gia đình 03 người nộp 400.000 đồng bị từ chối vì thiếu 50 ngàn đồng.

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: 

Phật giáo có cúng cầu an, tụng kinh dược sư đầu năm chứ không có tổ chức cúng sao giải hạn.

Việc cúng cầu an này, là nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an để người dân có thêm niềm tin và sự an lạc trong cuộc sống.

Người dân và Phật tử có thể cúng dường theo tùy hỷ, chứ không có bắt buộc phải cúng và cũng không có quy định mức tiền cúng là bao nhiêu”. [6]

Phát biểu của vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo cho thấy “cúng sao giải hạn” là việc làm không phù hợp cả trong giáo lý nhà Phật lẫn chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo.

Hơn thế, việc “cúng đường” là “tùy hỷ” chứ không bắt buộc như quy định tại chùa Phúc Khánh và không ít ngôi chùa khác.

Phải chăng không chỉ tại các “Đại chùa” do đại gia xây dựng mà trong nhiều ngôi chùa cổ cũng đang có sự lạm dụng tín ngưỡng nhằm thu lợi?

Bên cạnh việc cúng sao giải hạn, tại một số di tích văn hóa tâm linh hiện nay còn hoạt động gọi là “Mở phủ”.

Bài viết trên báo Pháp luật Việt Nam cung cấp thông tin:

“(Trước đây) Một lần mở chỉ mất vài chục triệu đồng, thậm chí có người được giúp không mất đồng nào, tuỳ theo từng hoàn cảnh.

Nhưng hiện nay, để mở phủ, mỗi người phải chi ít nhất hàng trăm triệu đồng”. [7]

“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối” ảnh 4Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn

Báo Phatgiao.org.vn, cơ quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn số liệu của tác giả Trần Thị Minh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:

Đến năm tháng 6/2011, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 46.459 tăng ni, 14.778 cơ sở thờ tự”.

Tuy nhiên trong vòng 9 năm qua, số cơ sở phật giáo đã tăng lên rất nhiều khiến có vị sư cùng lúc trụ trì vài ba ngôi chùa.

Về điều này lại xin dẫn ý kiến của Hòa thượng Thích Huệ Thông:

Chùa mà không có sư thì cũng khó để thực hiện công tác hoằng pháp, cũng như thực hiện đúng với quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên một khi chính các vị lãnh đạo Phật giáo khẳng định việc “cúng sao giải hạn” tại các ngôi chùa không phù hợp với giáo lý nhà Phật thì cơ quan quản lý nhà nước có nên vào cuộc chấn chỉnh chứ không nên thoái thác như ý kiến của ông Trần Tấn Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ:

Các ban ngành liên quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên vào cuộc chấn chỉnh và giải quyết sự thương mại hóa này, để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của Đạo Phật". 

Người xưa có câu: “phú quý sinh lễ nghĩa”, người Việt ngày nay được thế giới xếp vào hàng “thu nhập trung bình”, nghĩa là chưa thể “phú quý” đúng nghĩa.

Vậy có phải vì mới chỉ là “phú quý trung bình” nên chưa sinh được “lễ nghĩa”, nên mới sinh ra sự cuồng tín đến mức nhẹ thì giẫm đạp nhau tại lễ hội, giúi tiền vào tay tượng Phật cầu may, nặng thì phá hoại tài sản, giết người như trường hợp bà giết cháu vì nghe lời thày bói?

Cần phải thấy rằng những người duy tâm, mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín cũng là những người không tin vào khoa học, mất niềm tin vào công lý và thể chế.

Trong một thế giới văn minh, trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,… vì sao nước Việt lại có nhiều người vẫn còn trong tình trạng u mê, tăm tối, vì sao người ta vẫn sẵn sàng đầu độc đồng bào mình bằng các loại thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất độc?

Phải chăng vì không ít người cho rằng những việc làm thất đức của họ đều sẽ được gột sạch sau khi nộp tiền giải hạn, cầu may?

Và phải chăng, cả cơ quan nhà nước lẫn Giáo hội Phật giáo đều không thể (hay không muốn?) can thiệp vào chuyện cúng sao giải hạn tại các chùa trong cả nước?

Đối với các đại gia xây dựng các địa điểm tâm linh, nhiều người cho rằng thu hoạch từ kinh doanh tâm linh là thu nhập khủng nhưng ít ai biết rằng, thu hoạch lớn nhất của họ ngoài tiền còn là sự lưu danh chừng nào các cơ sở này chưa thành phế tích.

Thiết nghĩ, với chủ trương cán bộ đảng viên phải nêu gương, việc xuất hiện với tần số cao của lãnh đạo tại các sự kiện cúng tế, khai hội,… nên được chọn lọc và giới hạn.

Lập lại kỷ cương trong lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh cũng chính là việc cần làm để chặn đứng đà suy thoái văn hóa đang làm một bộ phận không nhỏ người Việt mất phương hướng.

Làm sao để “Kinh tế phát triển như ngày nay, đạo đức xã hội bằng ngày xưa” không chỉ là yêu cầu được nêu trên diễn đàn Quốc hội mà còn là quyết tâm của gần 100 triệu người Việt, trước hết là của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://kinhtedothi.vn/goi-y-10-dia-chi-du-lich-tam-linh-hap-dan-nhat-o-thu-do-ha-noi-310179.html

[2]http://kinhtedothi.vn/dia-diem-di-le-cau-may-ngay-dau-nam-moi-o-ha-noi-218559.html

[3] http://thoibaonganhang.vn/thoi-cua-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-78460.html

[4] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tien-cong-duc-den-hoang-muoi-tang-10-lan-3322454/

[5] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/mot-mua-le-hoi-chua-huong-thu-700-ty-284070.html

[6] https://infonet.vn/bi-tu-choi-giai-han-vi-thieu-le-giao-hoi-phat-giao-noi-gi-post290586.info

[7] http://baophapluat.vn/dan-sinh/nghi-le-hau-dong-noi-lo-bien-tuong-310163.html

Xuân Dương