Cúng sao là trái với giáo lí nhà Phật

17/02/2019 06:19
Tùng Dương
(GDVN) - Nhà chùa có thể từ chối cúng sao, cũng là góp phần ngăn chặn mê tín dị đoan.

Những năm gần đây, cứ vào dịp sau tết là hàng nghìn người dân, phật tử lại kéo nhau đến các chùa để tham dự lễ cúng sao, cắt sao giải hạn.

Những lễ cúng sao này đều do nhà chùa tổ chức, mỗi người tham dự phải đóng góp từ 150 nghìn đến 300 nghìn đồng, tùy từng chùa mà mức đóng thay đổi.

Mỗi người tham dự lễ cúng sao phải đóng góp từ 150 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ảnh: Hoàng Anh.
Mỗi người tham dự lễ cúng sao phải đóng góp từ 150 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Hiện nay có chùa ở Hà Nội còn chia ra làm nhiều buổi, mỗi buổi chỉ cúng cho một sao.

Trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam nói: “Cúng sao giải hạn là bắt nguồn từ đạo giáo, trong đạo giáo có phần nghi lễ là tế sao và tên các vì sao họ tìm thấy trong kinh của người Ấn Độ.

Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh với 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn. 

Cũng chính vì vậy mà các nhà khoa học cho rằng có thể tục dâng sao của đạo giáo là ảnh hưởng từ Ấn Độ.

Trong nghi lễ này hiện nay ở một số chùa Việt Nam thực chất chỉ là cầu an nhưng phần nghi thức thì lại của đạo giáo hay có thể gọi phần tín ngưỡng của dân gian.

Còn nghi lễ cắt sao, dâng sao là của đạo giáo chứ trong phật giáo hoàn toàn không có nghi lễ đó”.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Vậy tục dâng sao du nhập vào Việt nam từ bao giờ? 

Căn cứ vào lịch sử thì đạo giáo vào Việt Nam từ thời nhà Đường và đi theo phái bùa lục, sau còn gọi là phái chính nhất. 

Phái này đem nghi lễ dâng sao giải hạn vào nhưng các nhà Nho chính thống của Việt Nam thời đó không đồng ý nên họ đã chuyển thành tín ngưỡng dân gian theo hướng dân dã nhưng vẫn mang tính đạo giáo. 

“Ngày xưa việc dâng sao giải hạn thường làm ở các Đạo Quán của các đạo sĩ và người đứng ra làm lễ chính là các đạo sĩ. 

Nhưng từ năm 1945 trở lại đây thì nước ta không còn các đạo sĩ mà việc dâng sao giải hạn là nhu cầu của người dân”, Tiến sĩ Sơn nói.

Nhiều người quay cuồng cúng sao đầu năm. Ảnh: Anh Tuấn.
Nhiều người quay cuồng cúng sao đầu năm. Ảnh: Anh Tuấn.

Ai cũng mong muốn có cuộc sống bình an và các dân tộc đều có phong tục liên quan đến vấn đề này, thí dụ người Tày Thái có bài Then cầu an làm vào dịp tết; người dân tộc Bố Y có tục quét làng, quét thật sạch để cầu an.

Dân tộc Dao, H’Mông thì làm lễ cúng ở gốc cây to đầu làng và coi gốc cây đó như một đền thờ để làm nơi cầu an.

Phật tử tham gia lễ cúng sao tại chùa Phúc Khánh- Hà Nội đứng tràn ra cả ngoài đường. Ảnh: Hoàng Anh.
Phật tử tham gia lễ cúng sao tại chùa Phúc Khánh- Hà Nội đứng tràn ra cả ngoài đường. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo các nhà nghiên cứu Phật học thì Phật giáo hoàn toàn không có cúng sao. Vậy tại sao nhà chùa lại làm việc đó?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho biết có mấy nguyên nhân như sau.

Nguyên nhân thứ nhất: Dâng sao giải hạn với tín ngưỡng cầu an là mong muốn chung của nhiều người dân, hàng triệu người đã làm để thấy an lòng, dù không có hiểu biết gì về vấn đề này.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu ấy tăng theo, nhưng lại không có ai làm nghi lễ ấy, không có một thiết chế nào  quản lý, vô tình thành ra nhà chùa làm.

Nhà chùa nhận làm nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, tiếp đó là nguồn lợi về kinh tế không hề nhỏ, siêu lợi nhuận sau mỗi buổi lễ cúng sao.

Lễ cúng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.
Lễ cúng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.

Nguyên nhân thứ hai: Giáo lí của nhà Phật thường nói về thế giới Niết bàn, nói về tu tâm, hướng thiện, về luật nhân quả, đó là những giáo lý tốt nhưng thực tế rất ít người thích nghe, ít người hiểu.

Bộ kinh dùng để cúng cầu an trong đạo phật thì nội dung chủ yếu là cầu an chứ hoàn toàn không có việc dâng sao, nhưng trong thực tế người đọc kinh “trùm” cả việc dâng sao vào đó, vừa có được kinh tế lại thu hút thêm sự chú ý của nhiều người.

Sân chùa Phúc Khánh - Hà Nội trong lễ cúng sao. Ảnh: Anh Tuấn.
Sân chùa Phúc Khánh - Hà Nội trong lễ cúng sao. Ảnh: Anh Tuấn.

Nguyên nhân thứ 3: Có lẽ là quan trọng nhất trong nội tâm của mỗi người cầu an là yếu tố quyết định. 

Tại sao những năm gần đây lễ dâng sao giải hạn lại phát triển mạnh như vậy?

Có lẽ vì cuộc sống có nhiều bất ổn, cơ chế thị trường tác động mạnh nên đã tạo ra sự bấp bênh với nhiều người?

Ví dụ: Người làm công chức, viên chức có thể bị giảm biên chế. Người làm ở doanh nghiệp tư nhân có thể bị mất việc. Người làm kinh doanh thì nay lãi, mai lỗ. 

Thậm trí mỗi ngày ra đường có hàng chục người chết vì tai nạn giao thông, thậm chí đang ngồi trong nhà cũng bị xe ô tô lao vào; rồi ốm đau, ung thư dẫn đến nhiều gia đình bất an.

Một số lãnh đạo cũng bất an vì cái ghế của mình, không biết sắp đến đợt quy hoạch mình có được thăng chức không? 

Không biết chuyện tham nhũng của mình có bị phát hiện không? Và thế là các bà vợ của mấy vị lãnh đạo đó đi cầu an, “hối lộ thần linh” mong chồng thoát tội.

Một phần nữa cũng là tâm lí hùa theo đám đông, thấy người khác làm mà mình không làm thì không yên tâm!

Nhiều người tham gia cúng sao phải ngồi ngoài đường, vái vọng vào chùa Phúc Khánh - Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.
Nhiều người tham gia cúng sao phải ngồi ngoài đường, vái vọng vào chùa Phúc Khánh - Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.

Tất cả những nguyên nhân gây bất an đó trong xã hội, nhiều tầng lớp đã tạo nguồn cho việc cúng sao, phú quý sinh lễ nghĩa. Nó phản ánh thực tế của xã hội, xã hội chi phối cái đó.

Xa xưa, Đạo sĩ cung cấp dịch vụ cúng sao, nhưng vài chục năm nay không còn đạo sĩ mà xã hội có nhu cầu, người dân có nhu cầu thì nhà chùa là dịch vụ đáp ứng việc đó, trong cơ chế thị trường thì khi có cầu ắt sẽ có cung. 

Theo ông Sơn đây cũng là một hiện tượng bình thường nhưng nó phản ánh một thực tế đáng buồn của xã hội, vì bất an nên mới dẫn đến tình trạng đó.

Cúng sao là trái với giáo lí nhà Phật ảnh 8Làm điều ác sẽ gặp quả báo, giáo lý nhà Phật không cúng sao giải hạn

Vậy chúng ta ứng xử với hiện tượng này như thế nào? Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, việc cần làm ngay là phải vận động, tuyên truyền để người dân thật sự hiểu và tự bỏ việc tham gia những nghi lễ tốn kém vô bổ ấy, chứ không nên áp dụng biện pháp hành chính cứng nhắc để cấm ngay lập tức. 

Về lâu dài cũng cần có một thiết chế hay một mệnh lệnh đủ mạnh, nếu không thì xu hướng này sẽ ngày càng bùng phát vì ngày càng có nhiều chùa tham gia cung cấp dịch vụ cúng sao giải hạn. 

+ Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này, cúng sao giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật”.

+ Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam nói: “khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. 

Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu”.

+ Thượng tọa Thích Nhật Từ đã từng nhấn mạnh đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan. 

Nhưng hiện nay vẫn còn một số cư sĩ phật giáo tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm.

Tùng Dương