Đã nhiều lần đề cập đến hệ lụy của việc chia tách tỉnh, huyện, việc thành lập các đơn vị hành chính mới, vì thế người viết hoàn toàn ủng hộ ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về sáp nhập các cơ quan quyền lực, quản lý cấp bộ, tỉnh nhằm giảm đầu mối, giảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông đảo, kém hiệu quả vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Tại Hà Nội, hai huyện ngoại thành cũ là Gia Lâm và Từ Liêm đã được chia thành bốn đơn vị hành chính mới là các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và huyện Gia Lâm (phần còn lại sau khi tách quận Long Biên).
Chia tách 2 huyện thành 4 đơn vị hành chính nghĩa là tăng gấp đôi nhân sự tất cả các cơ quan, đoàn thể, tăng gấp đôi diện tích xây dựng và các khoản chi tiêu cho hoạt động của cơ quan quản lý.
"Đùa trí tuệ” |
Tại sao một huyện phải biến thành 2 quận? Phải chăng lãnh đạo quận khó hơn lãnh đạo huyện hay năng lực quản lý đô thị của cán bộ chưa đủ tầm nếu quận to như huyện?
Tỉnh Lai Châu đang yên đang lành vì sao phải tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên?
Theo quy định tại điều 8 Nghị định 24/2014/NĐ-CP, tất cả các tỉnh không phân biệt lớn bé đều có 17 đơn vị quản lý cấp sở gồm:
Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Một số tỉnh thành phố đặc biệt có thể có thêm một trong ba đơn vị là: Sở Ngoại vụ, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban Dân tộc.
Cơ cấu hành chính hiện nay có 4 cấp: Trung ương, tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường).
Cả nước đang có tới 63 tỉnh, thành phố, 22 đơn vị cấp bộ và tương đương chưa kể bên cạnh bộ máy chính quyền còn cơ quan Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị và các hội nghề nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy ba tỉnh có diện tích dưới 1.000 km2 là Bắc Ninh (822,7), Hà Nam (860,5) và Hưng Yên (926);
Ba tỉnh có diện tích lớn nhất là Sơn La (14.174,4 km2), Gia Lai (15.536,9 km2) và Nghệ An (16.493,7 km2);
Và ba tỉnh đông dân nhất là Thanh Hóa (khoảng 3,5 triệu); Hà Nội (hơn 7 triệu), Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 8 triệu).
Tỉnh Thanh Hóa có diện tích (11.132 km2) lớn gấp hơn 10 lần Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên và dân số gấp hơn 3 lần các tỉnh này.
Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 08/2016/NĐ-CP, Thanh Hóa chỉ được phép có một Chủ tịch tỉnh, từ 3-4 Phó chủ tịch tỉnh, cùng lắm chỉ có thể làm trái luật bằng cách tăng thêm cấp phó cho các sở chứ không thể có số sở vượt quy định.
Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 5 Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.
“Công chức robot” và sợi dây kinh nghiệm |
Nếu có dịp đi qua Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ không khó nhận thấy trụ sở Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở tại các tỉnh này không kém gì các tỉnh rộng gấp 10 và đông dân gấp mấy lần.
Không những thế, tỉnh huyện nào cũng có đài phát thanh và truyền hình, số lượng kênh truyền hình của các tỉnh trên truyền hình cáp Việt Nam lên đến hàng trăm kênh mà chắc chắn có nhiều người Việt chưa một lần xem các kênh đó trình chiếu những gì.
Các đài phát thanh truyền hình cấp huyện còn phí phạm hơn nữa vì người dân chẳng mấy quan tâm đến các đài này có hay không?.
Sau thời kỳ hợp nhất, các tỉnh lại bị chia tách nhưng có một tỉnh không bị chia tách là Quảng Ninh, vì sao?
Có nhiều nguyên nhân khó nói nhưng hầu như ai cũng biết.
Tỉnh Hải Hưng cũ lấy Hải Dương làm tỉnh lỵ và thị xã này được ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan tỉnh, công chức gốc Hải Dương vì thế cũng chiếm số đông.
Từng có nhiều dịp về công tác tại đây thời kỳ chưa tách tỉnh, những “điều ong tiếng ve” của người Hưng Yên về đội ngũ lãnh đạo Hải Dương có thể nghe thấy mỗi khi đề cập đến vấn đề nhân sự tỉnh này.
Điều tương tự cũng diễn ra với Hà Nam Ninh khi Nam Định được chọn là tỉnh lỵ nhưng lại là địa điểm “nằm khuất nẻo”, không gần các trục giao thông chính, không có điều kiện phát triển kinh tế so với Ninh Bình hay Hà Nam nhưng lại có đội ngũ “cán bộ địa phương” đông đảo hơn các địa phương kia?
Quảng Ninh vốn được ghép từ đặc khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, đặc điểm dân cư tỉnh này là có một số lượng lớn từ nơi khác chuyển đến làm “cu li mỏ” khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta.
Có lẽ vì thế quan niệm về người “gốc địa phương” ở Quảng Ninh không nặng nề như các tỉnh khác, phải chăng vì thế các vụ xăm soi “quê choa, quê mình” ít xảy ra và tỉnh không cần chia lại?
Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất cả nước có tới 4 thành phố trực thuộc tỉnh (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái) và 2 thị xã, 8 huyện.
Địa bàn Quảng Ninh dọc theo quốc lộ 18A, từ Sao Đỏ (Hải Dương) đến biên giới Việt Trung có chiều dài khoảng 275 km.
Hưng Yên và Hà Nam nằm hai bên sông Hồng được kết nối bởi cầu Yên Lệnh (quốc lộ 38B).
Nếu ghép hai tỉnh này lại thì diện tích cũng chưa đầy 2.000 km2 và dân số sẽ vào khoảng 1,8 triệu người.
Nếu không muốn ghép qua sông thì ghép quay lên phía bắc với Bắc Ninh, diện tích cũng chỉ khoảng 2.200 km2 và dân số vào khoảng 1,8 triệu người.
Bỏ tỉnh Điện Biên để trở lại đơn vị hành chính Lai Châu như cũ là bớt được bộ máy lãnh đạo một tỉnh.
Ghép trở lại huyện Gia Lâm với quận Long Biên trở thành quận Gia Lâm, Nam Từ Liêm với Bắc Từ Liêm thành quận Từ Liêm sẽ bớt được bộ máy hai quận.
Người dân thấy điều này rất đơn giản, vì sao cũng có người dường như lại không nhận thấy?
Phải chăng việc chia tách tỉnh, huyện là cái cớ hợp lý để đưa người nhà, chiến hữu vào bộ máy công quyền hay còn là biện pháp tình thế để giải quyết mâu thuẫn “vùng miền” nhất thời do việc tuyển chọn cán bộ theo kiểu “tìm người nhà, không tìm người tài”?
Phải chăng điều khó khăn khi ghép tỉnh huyện là do địa lý, địa chất, dân tộc như có người gần đây phát biểu?
Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của cố nhà thơ Chế Lan Viên có câu: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp; Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, đến hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Những “giấc mơ con” bé tí tẹo ấy hiện hữu trong chính sách vĩ mô khiến không chỉ quy hoạch Thủ đô bị băm nát mà quy hoạch địa lý quốc gia, quy hoạch giáo dục đại học,… cũng chịu cảnh tương tự.
Những “giấc mơ con” bé tí tẹo ấy đã khiến cho người Việt không chỉ “chậm lớn” về thể hình mà còn cả về sáng tạo khoa học, nghệ thuật, về tư duy quản trị quốc gia.
Mấy năm trước, một nhận định được các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, rằng:
“Trong bộ máy có tới 30% số công chức không hoàn thành công việc được giao”.
Nhận định này sau đó được “nâng cấp” thành:
“Hiện chỉ khoảng 30% cán bộ, công chức làm được việc, 30% phải cầm tay, chỉ việc, số còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.
Rất nhiều bài viết của các học giả và phát biểu của những người có trách nhiệm đồng tình với nhận định này.
Với đội ngũ cán bộ, công chức chỉ khoảng 30% làm được việc có nghĩa là cũng chỉ có 30% lãnh đạo tỉnh thành phố làm được việc.
Vậy có nên để số 30% làm được việc này lãnh đạo toàn bộ tỉnh thành cả nước?
Nói cách khác có nên sáp nhập 63 tỉnh thành phố hiện tại để còn lại 30% cho tương xứng với số lãnh đạo đủ tầm?
Câu hỏi này có thể là không hợp lý và không tìm được câu trả lời, tuy nhiên nó cho thấy một vấn đề nóng bỏng, ảnh hưởng không chỉ đến thể chế chính trị mà còn là vận mệnh quốc gia.
Đó là việc phải ngay lập tức giảm lực lượng - nói theo dân gian là “ăn tàn, phá hại” - từ cấp thấp nhất đến cao nhất.
Một trong những việc cần làm là sáp nhập các đơn vị hành chính, các cơ quan bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp sống nhờ ngân sách.
"Hiện chỉ khoảng 30% cán bộ, công chức làm được việc...".(Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) |
Bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo số 4 năm 2013 có đoạn:
“Nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số.
Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác quyền lợi của đa số thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”. [2]
Trong phạm vi cán bộ, 30% những người “làm được việc” đương nhiên là thiểu số, và việc “điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số” có phải sẽ là hệ quả tất yếu?
Nói cách khác, một bộ phận không nhỏ những người năng lực yếu kém đang nắm quyền hoạch định chính sách, đang tạo nên “nhóm lợi ích” chi phối cả kinh tế lẫn chính trị.
Bị cấp dưới tố cáo đích danh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nói gì? |
Họ cũng chính là những người thích chia tách để tạo thêm “ghế” và phản đối sáp nhập bởi họ lo ngại động chạm đến quyền lợi cá nhân chứ không phải quyền lợi dân tộc.
Có cần thiết phải để trong hàng ngũ những người mà Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ kết luận là “không trung thực”, là gây hậu quả “rất nghiêm trọng” ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc?
Có nên “không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự” vụ vỡ ống nước Sông Đà khi cơ quan điều tra đã kết luận có dấu hiệu tội phạm?
Có cần phải xử lý theo kiểu “đánh bùn sang ao” khi đưa một cảnh sát giao thông bị kỷ luật khỏi vị trí rồi sau đó lại đưa về “nghề cũ” với chức vụ và quyền hạn cao hơn?
Nhân dân đồng tình, ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư và Trung ương nhưng nhân dân chưa được trao vào tay “thượng phương bảo kiếm”.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các cơ quan chỉ đạo, chủ yếu là cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.
Lấy lại niềm tin của dân, bảo vệ uy tín của tổ chức không thể bằng việc “quyết tâm trên đầu, buông lỏng ở dưới”.
Cách thức xử lý cán bộ vừa qua ở các địa phương, bộ, ban, ngành cho thấy quyết tâm của đội ngũ cán bộ cấp dưới chưa tương xứng với yêu cầu của Trung ương.
Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ! |
Đó là do chủ trương chưa phù hợp hay quyết tâm chưa cao, hay cũng còn do những nguyên nhân mà dân chúng gọi là “quyết tâm nửa vời”?
Trước mắt có nên đặt chỉ tiêu đưa ra khỏi Đảng hơn 30% những người “không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ” cũng như chỉ tiêu kết nạp mới đã ban hành?
Liệu đã đến lúc (hay là hơi muộn) phải xem việc đưa ra khỏi đội ngũ những người không làm được gì cho dân, cho nước, những người bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên là “việc cần làm ngay”?
Có nên nêu khẩu hiệu “trong sạch hay là chết”?
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.tuyengiao.vn/Home/MagazineContent?ID=1520