Tư duy Đại Hán và ẩn ý Kim Dung

26/05/2014 06:37
Xuân Dương
(GDVN) - Những triết lý của Trung Hoa có thể người phương tây cảm thấy khó hiểu song lại không lạ lẫm với người Việt. Trong số đó, họ cứ mở mồm là đòi có đất...

Chữ Trung Quốc thuộc loại là chữ tượng hình, chẳng hạn chữ khẩu (口) (mồm)  giống như hình vuông, Chữ điền () nghĩa là ruộng đất, được ghép bởi bốn chữ khẩu.  Hóa ra từ ngày xửa ngày xưa các bậc tinh hoa phương bắc đã có ý tưởng sâu sắc, rằng cứ nhiều mồm (ít nhất là bốn mồm) hoặc to mồm là khắc có đất, khắc chiếm được đất.

Chẳng thế mà gần đây, vừa đưa giàn khoan, tàu chiến, máy bay xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam lãnh đạo Trung Quốc lại cao giọng: "cần phải kiên trì giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối vì tư lợi mà gây nên vụ việc, làm gia tăng mẫu thuẫn, phản đối hy sinh lợi ích láng giềng và hại người lợi mình."

Chỉ với một cái mồm, với binh pháp “võ mồm” thiên hạ đã thấy mặt trời mọc đằng tây, bởi vì sử dụng tàu chiến, máy bay, vòi rồng xông vào tận cửa nhà người ta được gọi là “phương thức hòa bình”, vậy phương thức không hòa bình có lẽ là bom nguyên tử và vũ khí hóa học?

Vào thời kỳ “mèo trắng, mèo đen” hàng xóm của chúng ta mới chỉ quan tâm đến bắt chuột, ngày nay tự cho mình là sư tử mới thức giấc không biết người ta muốn bắt Sam hay bắt Gấu? Bắt Sam thì phải ra biển, thậm chí còn phải sang tận Hoa Kỳ, bắt gấu thì rừng biên giới xung quanh chỗ nào cũng có. Cho dù có là hổ, báo hay sư tử thì cũng đều thuộc họ mèo, dù vuốt có được giấu rất kỹ thì nanh vẫn thò ra ngoài và đương nhiên chẳng có con nào chịu nhai cỏ.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói Bắc Kinh "hoan nghênh các bên phát huy vai trò tích cực và mang tính xây dựng cho an ninh và hợp tác của châu Á, nỗ lực thực hiện song phương cùng thắng, đa phương cùng thắng, các bên cùng thắng."

Đọc kỹ mới thấy, một khi các bên cùng thắng thì có nghĩa là đường lưỡi bò mà ông bạn “hảo hảo” vẽ ra phải được dành cho ông ít ra là một phần (to) còn các nước khác mỗi nước sẽ có chút xíu để mà hoan hỉ.

Một cái mồm khác, tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan trực thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 14 tháng 5 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam nếu muốn nếm lại bài học lịch sử, họ sẽ có ngày được toại nguyện". Cũng trang báo này năm 2011 đã viết: “chúng tôi thành thật xin nhắc các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam là hãy đọc lại lịch sử". Ai cũng hiểu ý của Hoàn Cầu là muốn nhắc lại chuyện những đạo quân người Hoa xâm lăng đô hộ Việt Nam trong lịch sử.

Đáng tiếc là cái mồm Hoàn Cầu lại tự chống lại cái mồm khác khi giữa thanh thiên bạch nhật thiên hạ được ru ngủ bởi giai điệu:  “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”. Giọng điệu của Hoàn Cầu hung hăng chẳng khác nào giọng điệu của kẻ say vừa ăn cướp vừa la làng,  những kẻ cứ tưởng rằng to mồm hay nhiều mồm là đương nhiên chiếm được đất của láng giềng.

Cột mốc biên giới Trung Việt từ thời cổ đại nằm giữa tỉnh Vân Nam và Quảng Tây được Trung Quốc cho đào lên đem về cất giấu, để che đi hành động xâm chiếm của mình với VIệt Nam, âm thầm kéo dài hàng nghìn năm... Những hình ảnh làm bằng chứng tố cáo này được các báo nước ngoài đăng tải trong nhiều năm qua.
Cột mốc biên giới Trung Việt từ thời cổ đại nằm giữa tỉnh Vân Nam và Quảng Tây  được Trung Quốc cho đào lên đem về cất giấu, để che đi hành động xâm chiếm của mình với VIệt Nam, âm thầm kéo dài hàng nghìn năm... Những hình ảnh làm bằng chứng tố cáo này được các báo nước ngoài đăng tải trong nhiều năm qua.

Bài học lịch sử mà Hoàn Cầu muốn nhắc,  người Việt nào cũng nhớ, nước Việt từng bị xâm lược, đô hộ bởi các triều đại Trung Hoa, nhưng nước Việt vẫn còn Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa … nước Việt đã có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… và sẽ có những con người như thế. Nếu Hoàn Cầu muốn học lịch sử không cần phải đi đâu xa, cứ vào mạng theo địa chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2014/03/140320_china_vn_war_soldiers.shtml là có ngay bài học.

Ngoài những cái mồm trong nước, người ta còn dùng tiền mua thêm các cái mồm nước ngoài, Ngày 19-5, hãng thông tấn Nga Rossiya Segodnya (nước Nga ngày nay) mà tiền thân là RIA-Novosti đã cho đăng bài bình luận có tựa đề “Các thỏa thuận Nga - Trung tốt hơn tất cả mọi tuyên bố”. [1] Bài báo được hãng thông tấn nhà nước Nga đăng tải nhân chuyến thăm và ký kết các hợp đồng khủng giữa Nga và Trung Quốc.

Tác giả bài báo Dmitri Kosyrev (tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow và Đại học Nanyang Singapore) đã so sánh Việt Nam với Trung Quốc cũng giống như Ukraina với Nga, rằng hai nghìn năm trước Việt Nam là một phần của Trung Quốc…

Tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng lại nhiều năm làm việc ở Đông Nam Á, tiếc rằng Dmitri Kosyrev chẳng có lấy một chút hiểu biết về lịch sử Việt Nam. Tuy là phát biểu của một cá nhân song nó lại được truyền thông nhà nước phổ biến. Đọc bài viết của người này chẳng cần tinh ý cũng thấy phảng phất cái mùi “hợp đồng dầu khí”.

Trên đời này thêm bạn bớt thù là tốt, nhưng thêm bạn mới mà bỏ bạn cũ thì cũng chẳng hay ho gì. Người Việt vốn sống tình nghĩa nên không vì một kẻ như Dmitri Kosyrev mà hiểu sai nhân dân Nga,  tuy vậy người viết vẫn muốn nhắc cho Dmitri Kosyrev nhớ, rằng năm 1969 súng đã nổ ở biên giới nước nào và năm 2009 Nga đã bắn chìm tàu nước nào ở vùng biển Viễn Đông? Thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao cần phải lên tiếng với cơ quan tương đương của Nga, rằng những con người như Dmitri Kosyrev không được hoan nghênh trên đất Việt Nam. Người Việt vốn có nhiều kỷ niệm đẹp về Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, song những con người như Dmitri Kosyrev không được coi là bạn.

Thời buổi mà ta quen gọi là “kinh tế thị trường” này, những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đô la chắc chắn sẽ làm nhiều người phải cân nhắc giữa lợi ích quốc gia và tình bạn. Chúng ta không nên trách và cũng không thể trách họ. Tốt nhất là không nên ảo tưởng quá nhiều vào “anh em xa” hay “láng giềng gần”, chỉ có thể tin vào bản thân, vào những người Việt Nam yêu nước dù họ sống ở bất kỳ nơi nào trên thế gian này.

Nói đến triết tự láng giềng, chẳng lẽ chỉ nói đến một chữ Điền, thôi thì đành phải nêu thêm một từ nữa. Trong chữ Hán, chữ quốc () nghĩa là quốc gia có chữ vương (王) (nghĩa là vua) bên trong chữ khẩu, thế có nghĩa là vua mà đã xuất “khẩu” ra bên ngoài thì nó tất phải trở thành đất đai (quốc) của thiên tử.

Với triết lý đó, ngày nay con cháu các hoàng đế Trung Hoa mang dàn khoan đến đâu thì nước Trung Quốc sẽ kéo dài đến đấy. Trước mắt mới là Việt Nam và Philipine, thêm gió từ Phương Bắc thổi xuống cái dàn khoan ấy sẽ chạy xuống tít tận Indonesia, mà biết đâu vì còn quán tính chưa thể dừng nên nó sẽ bơi đến tận Úc châu, điều này tưởng là viển vông nhưng nói theo tên một bộ phim Nga “hãy đợi đấy”. Một số người đang sống theo kiểu  “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, kiểu sống ấy sẽ chẳng mang lại cho ai chữ thọ bao giờ.

Những triết lý của Trung Hoa có thể người phương tây cảm thấy khó hiểu song lại không quá lạ lẫm với người Việt. Nếu ai đã xem truyện “Võ lâm ngũ bá” của Kim Dung hẳn còn nhớ các biệt danh: Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, Trung Thần Thông. Không hiểu Kim Dung nghĩ gì mà lại cho đại diện phương bắc là lão ăn mày (Bắc Cái) còn đại diện phương nam lại là vị hoàng đế (Nam Đế). Theo Kim Dung, cho dù dân ăn mày phương bắc có ngón võ đánh chó (đả cẩu bổng) và ngón võ rồng (giáng long thập bát chưởng) thì cũng không so sánh được với ngón Nhất dương chỉ mà Vương Trùng Dương trao lại cho Đoàn Nam Đế vị vua ở phương nam. Tại sao Vương Trùng Dương vốn ở vị trí trung tâm (Trung Thần Thông) dù quý mến lão ăn mày Hồng Thất Công nhưng lại truyền Nhất dương chỉ cho vua nước Đại Lý tận phương nam, điều này chỉ có Kim Dung là lý giải được.

Nghe nói trước khi chạy sang Đài Loan, Kim Dung là giáo sư văn học tại ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh. Dù sao đấy cũng là chuyện của họ với nhau, nhắc lại một tí cho vui.

Người Việt chúng ta cũng có một ngón võ tuyệt kỹ gia truyền là lòng yêu nước và chính nghĩa. Sự nghiệp chống ngoại xâm suốt chiều dài lịch sử cho đến đầu thế kỷ 20, người Việt chẳng dựa vào được bất kỳ bạn bè nào. Cuộc chiến có lúc thua, lúc thắng nhưng quan trọng là thắng trận cuối cùng dành lại nước Việt cho người Việt hôm nay.

Sẽ không có bất kỳ cuộc chiến nào có thể tiêu diệt được 90 triệu người Việt. Điều này thế giới phải thừa nhận, những người “đồng chí” của chúng ta càng phải thừa nhận.

Chú thích [1] http://vtc.vn/311-489030/quoc-te/bao-nga-xuyen-tac-lich-su-vu-khong-viet-nam.htm

Xuân Dương