Ai hưởng lợi từ vụ SJC từ chối mua vàng miếng một chữ?

15/01/2016 09:32
Mai Anh
(GDVN) - Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng việc SJC từ chối mua lại chính sản phẩm vàng của mình là đẩy khách hàng đi về phía đối thủ như DOJI, PNJ...

Chỉ trong vòng 2 tuần, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hai lần từ chối mua vàng miếng 1 chữ (vàng miếng có 1 chữ cái trước số seri - vàng miếng cũ trước đây) và vàng móp méo do chính SJC sản xuất.

Điều này khiến người sở hữu vàng, người có vàng miếng 1 chữ như ngồi trên đống lửa bởi khi mang vàng đi bán tại các cửa hàng vàng đều bị từ chối hoặc bán nhưng phải chịu mức phí cao từ 350.000 - 500.000 đồng/lượng.

SJC từ chối mua lại chính sản phẩm vàng miếng của mình (ảnh minh họa: MTG).
SJC từ chối mua lại chính sản phẩm vàng miếng của mình (ảnh minh họa: MTG).

Dù quyết định ngừng mua vàng 1 chữ của SJC được giải thích do đơn vị này đã sử dụng hết hạn mức gia công vàng miếng được gia hạn lần thứ hai năm 2015 và đang chờ duyệt hạn mức gia công vàng miếng năm 2016, nhưng chính việc doanh nghiệp này không lường trước thiệt hại sau quyết định ngưng mua vàng miếng đã ảnh hưởng đến thương hiệu vàng SJC.

Trao đổi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng - sáng lập thương hiệu Pizahome cho rằng: Sở dĩ người tiêu dùng lựa chọn vàng để tích trữ bởi đây kim loại quý, có khả năng quy trao đổi, mua bán chuyển sang tiền mặt.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Chính phủ ra Nghị định 24 thời điểm 2012 nhằm ổn định quản lý thị trường vàng, chống hiện tượng vàng hóa. Tuy nhiên tại thời điểm này, khi vai trò của vàng đã khác, Ngân hàng Nhà nước nên gạt bỏ độc quyền SJC. Hơn nữa chúng ta tiến tới kinh tế thị trường, không nên duy trì sự độc quyền này, bởi độc quyền chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn thị trường, người dân gặp bất lợi”.

Tuy nhiên với việc Công ty SJC ngừng mua vàng miếng 1 chữ do chính doanh nghiệp này sản xuất đồng nghĩa làm mất đi khả năng thanh khoản của vàng miếng 1 chữ, khiến số tài sản vàng miếng mà người dân đang nắm giữ mất đi giá trị lớn. 

“Một trong những công năng khi người tiêu dùng mua vàng là khả năng tích trữ vàng thành tài sản và khi cần có thể bán lại. Người tiêu dùng khi mua vàng để tích trữ thường chọn mua những thương hiệu lớn trong đó có SJC. 

SJC từ chối không mua vàng miếng 1 chữ - là sản phẩm của chính SJC chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng đang dự trữ vàng SJC cũng như những người đang có ý định mua vàng SJC. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu SJC”, chuyên gia Hoàng Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, vàng miếng SJC đang được người dân tích trữ phần lớn bởi tâm lý tin tưởng đây là thương hiệu vàng miếng quốc gia, uy tín và chất lượng. Tuy nhiên, khi việc quy đổi gặp khó khăn hoặc phải mất chi phí lớn, người tiêu dùng sẽ tìm đến sự lựa chọn khác. 

Trên thị trường vàng miếng, ngoài SJC còn nhiều thương hiệu vàng khác cũng có uy tín lớn như vàng miếng của Bảo tín Minh Châu, DOJI, PNJ (Công ty vàng bác đá quý Phú Nhuận), vàng Phú Quý, vàng Agribank… Đây là những thương hiệu vàng có uy tín, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn tích trữ.

“Trong trường hợp này, nếu những đối thủ trên của SJC đảm bảo việc quy đổi sản phẩm sẽ được diễn ra một cách dễ dàng và phí quy đổi thấp hơn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Tôi nghĩ, những người đang có nhu cầu mua và dự trữ vàng sẽ tìm đến những sự lựa chọn khác thay vì tìm mua vàng SJC để nhận trái đắng khi quy đổi”, ông Tùng cho hay. 

Dù cho SJC là thương hiệu vàng quốc gia nhưng trong nền kinh tế thị trường, chỉ cần đảm bảo tính thanh khoản quy đổi thì thương hiệu vàng khác hoàn toàn có thể cạnh tranh bằng cơ chế dịch vụ tốt, minh bạch.

Thông tin mới từ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận đề nghị của SJC được tiếp tục gia công vàng miếng kể từ ngày 13/1. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép đơn vị này được tiếp tục gia công vàng miếng với hạn mức là 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm 2016. 

Câu hỏi đặt ra là nếu sử dụng hết trong thời hạn trên, viễn cảnh từ chối mua vàng miếng một chữ có xảy ra nữa không?

Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại sẽ có việc người dân đồng loạt bán vàng miếng một chữ tránh rủi ro. 

Trước đó ngày 30/12, Ngân hàng Nhà nước có công văn chấp thuận cho Công ty SJC được gia công thêm 4.000 lượng vàng móp méo trong năm 2015.

Nhưng cũng chỉ sau đó khoảng vài, ngày SJC sử dụng hết hạn mức gia công được phép trong khi đang chờ cấp hạn mức mới dẫn đến việc từ chối mua vàng miếng 1 chữ và vàng móp méo.

Được biết, năm 2014 SJC được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công 50.000 lượng và năm 2015 là 65.000 lượng vàng. 

Phân tích về động thái cấp hạn mức gia công vàng, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá khẳng định trên Đất Việt: Việc quy định hạn mức gia công vàng là vô lý vì đã cho sản xuất vàng thì vàng đó bây giờ vẫn có giá trị, bây giờ người ta chỉ hoàn thiện lại mà thôi chứ không hề làm tăng lên sản lượng. Cho nên quy định hạn mức chính là tạo áp lực, gây khó dễ cho người giữ vàng bị móp méo để hạ giá vàng kiếm lợi.

Mai Anh