Ngừng mua vàng một chữ gây rối thị trường: Nên bỏ thế độc quyền của SJC

14/01/2016 07:41
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Hiếu "tại thời điểm này, khi vai trò của vàng đã khác, Ngân hàng Nhà nước nên gạt bỏ độc quyền SJC".

Ngày 13/1, gửi thông báo đến các đơn vị kinh doanh, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận đề nghị của SJC được tiếp tục gia công vàng miếng. Theo đó, SJC cũng chính thức thu hồi quyết định tạm ngưng thu mua vàng miếng loại 1 chữ.

Tuy nhiên, câu chuyện tạm ngừng mua vàng 1 chữ diễn ra khoảng 2 lần trong 2 tuần vừa qua vẫn để lại những ấn tượng bất an của người dân với mặt hàng vàng. 

Nhiều người đi bán vàng khẳng định, không chỉ thấy hoang mang, lo lắng mà họ còn cảm giác như bị lừa đảo.

Trước đó, người dân mang vàng miếng SJC còn nguyên niêm phong, vỏ nhựa đi bán nhưng đồng loạt bị các tiệm vàng thương hiệu vàng lớn từ chối mua hoặc bị thu phí cao ngất ngưởng từ 350.000 - 500.000 đồng/lượng, với lý do trên bao bì có seri một chữ (là số vàng được sản xuất thời điểm trước đây, về chất lượng không khác biệt so với vàng miếng hai chữ) và còn đang chờ Ngân hàng nhà nước cấp hạn mức gia công vàng cho năm 2016.

Dù có chất lượng như nhau nhưng vàng miếng 1 chữ trước seri bên phải lại bị từ chối mua. Nguồn ảnh tuoitre.vn.
Dù có chất lượng như nhau nhưng vàng miếng 1 chữ trước seri bên phải lại bị từ chối mua. Nguồn ảnh tuoitre.vn.

Nhìn lại câu chuyện trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính ngân hàng thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

“Đáng nhẽ những câu chuyện như ngừng thu mua vàng miếng 1 chữ do Công ty SJC đã sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo được cấp bổ sung cho năm 2015 và phải chờ cấp tiếp, Ngân hàng Nhà nước phải có dự trù, tính toán trước trước để tránh những tiêu cực, ảnh hưởng đến người dân”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Ngừng mua vàng một chữ gây rối thị trường: Nên bỏ thế độc quyền của SJC ảnh 2

Công ty SJC từ chối mua vàng một chữ, dân cảm giác như bị lừa đảo

Theo đó, trước thời điểm Công ty SJC sắp sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo dẫn đến thông báo ngừng mua, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét cấp hạn mức mới hoặc có kế hoạch chuyển đổi. 

Cụ thể, vàng miếng 1 chữ và 2 chữ có chất lượng như nhau, nên hoàn toàn có thể chuyển đổi với mức phí thấp nhất để doanh nghiệp chế tác lại.

“Làm gì cũng phải phải có quy định từ trước, phải có lộ trình chuyển đổi hợp lý để người dân có thể đổi từ vàng một chữ sang vàng mới một cách chủ động và không bị hụt hẫng”, TS. Hiếu cho hay.

Việc ngưng mua vàng miếng một chữ và vàng móp méo chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng do nhu cầu cần tiền mặt hoặc do tâm lý lo ngại vàng một chữ sẽ không được thu mua nên có nhiều người dân quyết bán bằng được số vàng miếng SJC 1 chữ đang sở hữu và chấp nhận mức phí cao. Hẳn nhiên, người bán vàng chịu thiệt hại nhiều nhất.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong giao dịch thương mại bao giờ cũng có vấn đề rủi ro giữa bên bán và bên mua.

“Rất khó để quy trách nhiệm cho ai, nhưng rõ ràng người dân phải chịu thiệt hại, thiệt hại đó không do người dân mà do cơ quan quản lý và cơ chế độc quyền”, TS. Hiếu cho biết. 

Phân tích cụ thể, TS. Hiếu cho hay từ tháng 5/2012, khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời, quy định chỉ còn một thương hiệu vàng duy nhất SJC - thương hiệu vàng quốc gia. Tâm lý người dân sẽ chọn vàng có thương hiệu để tích trữ, để dễ mua, bán trao đổi.

Chính vì duy nhất nên việc mua bán giao dịch cũng chỉ duy nhất Công ty SJC được thực hiện. 

“Chính phủ ra Nghị định 24 thời điểm 2012 nhằm ổn định quản lý thị trường vàng, chống hiện tượng vàng hóa. Tuy nhiên tại thời điểm này, khi vai trò của vàng đã khác, Ngân hàng Nhà nước nên gạt bỏ độc quyền SJC. Hơn nữa chúng ta tiến tới kinh tế thị trường, không nên duy trì sự độc quyền này, bởi độc quyền chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn thị trường, người dân gặp bất lợi”, TS. Hiếu cho biết.

Mặt khác theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, người dân không nên dự trữ vàng nhiều vào thời điểm này.

“Hiện nay chúng ta đã có một hệ thống ngân hàng khá rộng rãi, các ngân hàng có sự an toàn cao nên việc giữ vàng dự trữ nên hạn chế. Nếu giữ vàng, nên hiểu quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như các đối tác để tránh thiệt hại”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên. 

Theo TS. Hiếu, người dân chỉ nên dự trữ vàng tối thiểu không quá 10% tổng tài sản dư. Thay vào đó nên đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm.

Mai Anh