Chiều ngày 12/1, Ngân hàng nhà nước cho phép Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục gia công vàng miếng từ ngày 13/1.
Vì vậy, quyết định thu hồi ngưng mua vàng miếng SJC 1 chữ (có một chữ cái trước số seri), vàng miếng cong vênh được Công ty SJC gửi đến các đơn vị kinh doanh.
Miếng vàng có seri 2 chữ bên trái và seri 1 chữ bên phải. Nguồn ảnh tuoitre.vn. |
Thẳng thắn mà nói rằng, sự “vào cuộc” khá chậm chạp và đầy muộn màng của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính SJC đã đẩy thương hiệu vàng quốc gia SJC thêm một lần mất uy tín trong người dân.
Ngạn ngữ có câu: Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Trong khi Công ty SJC đâu phải chỉ mới một lần bất tín.
Lẽ ra, Công ty SJC phải lường trước được diễn biến xấu trên thị trường khi đưa ra quyết định ngừng mua vàng 1 chữ.
Người dân không cần biết nguyên nhân ngừng mua là do Ngân hàng nhà nước chưa cấp phép cho SJC tiếp tục gia công vàng miếng. Đó là chuyện giữa SJC và Ngân hàng Nhà nước.
Công ty SJC từ chối mua vàng một chữ, dân cảm giác như bị lừa đảo Ngừng mua vàng một chữ gây rối thị trường: Nên bỏ thế độc quyền của SJC |
Người dân chỉ thấy “cảm giác bị lừa đảo” khi vàng miếng 1 chữ do SJC sản xuất bán ra, nay lại không ngừng mua.
Phải chăng SJC đã bán vàng kém chất lượng ra thị trường? Chỉ kém chất lượng nên mới không mua lại, đặc biệt mua lại với giá khá thấp so với mặt bằng giá tại thị trường.
Ngần ấy động thái, thử hỏi sao dân không nghi ngờ.
Cho dù, Công ty SJC đã mua lại vàng miếng 1 chữ, vàng cong vênh... nhưng rõ ràng SJC đã phải trả giá quá đắt cho quyết định của một Công ty ở thế độc quyền vàng.
Tất nhiên, Công ty SJC không hề thiệt hại về kinh tế, lợi nhuận trong việc ngừng mua vàng miếng 1 chữ trong thời gian ngắn mà thiệt hại chính là người dân. Nhưng thử hỏi SJC được gì trong việc tạm ngưng mua vàng 1 chữ?
Có thể nói SJC đang rơi vào tình cảnh mà Wikipedia đã định nghĩa: Độc quyền trong kinh tế học là trạng thái thị trường, chỉ có duy nhất một người bán và sản xuất ra sản phẩm, không có sản phẩm thay thế gần gũi. Đây là một trong những dạng của thất bại thị trường, là trường hợp cực đoan của thị trường thiếu tính cạnh tranh và SJC đã lãnh đủ “gạch đá” của dư luận.
Có người đã hỏi, phải chăng lãnh đạo SJC không có tầm “nhìn xa trông rộng” mới luôn ở thế “trên cả thiên hạ”? Gốc lõi chính là do hai chữ “Độc quyền” đã làm lãnh đạo SJC quên mất trách nhiệm, đạo đức, uy tín trong kinh doanh.
Độc quyền dẫn đến tự do tăng giá, tự do ép giá giả tạo. Ông JamesEdwin- chuyên gia kinh tế trường Đại học Machachusset (Mỹ) - nhận định sau sự cố hàng loạt doanh nghiệp độc quyền phân phối vitamin bị khởi kiện, phải bồi thường vì ép giá giả tạo: Số tiền bị phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận độc quyền ép giá. Nhưng cáo mất lớn nhất đó là uy tín.
Vị thế độc quyền ở thời đại mở cửa sẽ không tồn tại lâu dài, các công ty nhỏ sẽ bắt tay, hợp tác chống lại doanh nghiệp độc quyền. Có nhiều bài học chống độc quyền để khách hàng mới trở thành thượng đế.
Không cần nói đâu xa, khi ngành bưu chính không còn thế độc quyền “một mình một chợ”, người dân được hưởng lợi dịch vụ tốt nhất, giá thành rẻ nhất- bởi sự cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải có dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, sự tồn tại của doanh nghiệp chính là khách hàng.
Tương tự như hàng không khi không còn ở thế độc quyền. Hãng hàng không Vietnam Airline không thể “hét” giá cao ngất ngưởng, các hãng hàng không “nhỏ bé” ra đời, đáp ứng được nhu cầu “túi tiền” của số đông khách hàng, thế là họ tồn tại và trưởng thành. Người dân chấp nhận ngồi trên ghế của hãng Vietjet có nhỏ hơn, có khó chịu hơn, không có suất ăn giữa giờ bay… đổi lại họ có thể đi máy bay giá rẻ hơn vé tàu hỏa.
Đến bao giờ thì điện, xăng dầu… những mặt hàng thiết yếu với người dân không còn ở thế độc quyền?
Mạnh dạn loại bỏ độc quyền trong kinh doanh mới có một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh, bền vững và phát triển.
Thông tin trên báo Lao động cho biết, sáng nay (14/1), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thông báo Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận đề nghị của SJC được tiếp tục gia công vàng miếng. |