Thông tin mới nhất tại cuộc họp chiều 22/9, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức đồng ý đề xuất giảm 25% giá vé trên tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo phương án nhà đầu tư trình Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2021, tuyến đường sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau ba năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.
Trước thông tin này, không ít chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cũng như chuyên gia pháp lý, kinh tế cho rằng việc giảm giá sẽ được các chủ đầu tư BOT đưa ra lúc này chỉ là để xoa dịu bức xúc của dư luận.
Chiêu trò giảm giá vé 25% tại tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thực chất là chiêu trò “đánh bùn sang ao” một cách thô thiển, nhằm xoa dịu dư luận.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chính thức giảm phí 25%, tuy nhiên vấn đề đặt ra cần làm rõ là chủ đầu tư dự án này mới chỉ đầu tư 30% nhưng thu phí như làm đường mới. Ảnh: Ngọc Quang. |
Điều dư luận quân tâm lúc này không phải chỉ giảm phí là xong mà phải có biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề ở từng dự án BOT, điển hình là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Vậy theo kết luận của Thanh tra Chính phủ chủ đầu tư mới đầu tư 30% đã thu tiền như đường làm mới, vậy phải xử lý thế nào?
Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ có thể hiểu rằng, với mức đầu tư như thế, phí phải trả khi đi qua trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ vào khoảng 15.000 đồng/1 lượt. Nhưng trên thực tế thì người dân, doanh nghiệp lại đang phải trả tới 45.000 đồng/1 lượt.
Như vậy, về mặt pháp lý, dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Điều đó không chỉ có lỗi từ chủ đầu tư mà còn là trách nhiệm rất lớn từ nhiều đơn vị có liên quan, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, dư luận cũng bức xúc trước sự thể hiện đạo đức yếu kém của chủ đầu tư khi hùng hồn tuyên bố phí giảm thì thời gian phải tăng lên.
Trước thực tế mức thu phí cao gấp 3 lần giá trị đầu tư, điều cần thiết là phải có một cơ quan độc lập không thuộc ngành giao thông chủ trì tiến hành thanh tra toàn diện (có sự giám sát của Quốc hội và những cơ quan khác) xem mức đầu tư tại dự án này có bị làm "ảo thuật" cho đội giá lên không?
Từ mức đầu tư chính xác (minh bạch) mới tính toán ra mức thu phí thế nào, lộ trình hoàn vốn trong bao nhiêu năm?
Tất cả những điều đó đều phải minh bạch trên website của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành có liên quan; công khai trên website Ủy ban Nhân dân tỉnh, nơi đặt trạm BOT và trên báo chí, để người dân nắm được.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, tại hợp đồng dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, thời gian thu hoàn vốn cho dự án là 17 năm 2 tháng 18 ngày.
Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Chỉ với mức đầu tư 30% mà đã thu phí tới 45.000 đồng/1 lượt, vậy thì căn cứ vào đâu để tính ra thời gian hoàn vốn này?
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, giảm phí các dự án BOT chỉ là chiêu trò xoa dịu dư luận lúc này, cỗi lõi vấn đề là phải công khai minh bạch tất cả các khoản chi phí đầu tư ở từng dự án BOT. Ảnh: Vũ Phương. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư pháp lý kinh tế Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói thẳng: "Việc BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ công bố chính thức giảm 25% phí chỉ là chiêu trò xoa dịu dư luận trong thời điểm BOT đang gây ra nhiều bức xúc".
Tuy nhiên, chiêu trò này không đánh lừa được dư luận, bởi theo Luật sư Đức: "Vấn đề không phải là giảm bao nhiêu, mà dư luận cần công khai minh bạch, chủ đầu tư đã đầu tư bao nhiêu ở dự án này, thu phí được bao nhiêu rồi?
Từ đó sẽ ra anh được thu bao nhiêu năm, lãi thu về bao nhiêu và đặc biệt được thu mức phí như thế nào?
Nếu công khai minh bạch thì mức giá đó bao nhiêu, thời gian thu bao nhiêu người dân cũng chấp nhận, nhưng làm ăn kiểu lập lờ đánh lận con đen thì nói giảm 25% hay bao nhiều phần trăm cũng chỉ là mang tính áp đặt.
Đấy là chưa kể tới chuyện anh thu tiền phí gian lận chênh lệch hàng trăm triệu đồng mỗi ngày, thu được nhiều nhưng báo cáo ít. Số tiền gian lận trên cũng phải làm rõ, quy trách nhiệm, và xét thấy cần thiết phải xem xét cả trách nhiệm hình sự".
Luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ, kết luận của Thanh tra Chính phủ là căn cứ mới nhất cho thấy, chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới chỉ đầu tư có 30% vậy mà thu như làm đường mới.
"Anh làm sai như thế mà bây giờ chỉ giảm phí 25% thì có nghe được không?Anh chỉ có trải thêm nhựa trên cốt đường cũ mà thu như đường mới. Cho nên bây giờ cần phải làm rõ số tiền thu phí thực tế bao nhiêu? Đã hoàn vốn hay chưa, nếu đã hoàn vốn thì phải bỏ thu phí.
Bây giờ cần phải tính đủ không thiếu một đồng đối với dự án này, anh gian lận thì phải tính lại và giảm thời gian thu phí đi. Còn giảm phí, nhưng thời gian thu vẫn dài như vậy thì có tác dụng gì đâu", Luật sư Đức nói.
Bộ Giao thông vận tải xem xét giảm phí ở 54 trạm BOT trên cả nước |
Trước thông tin 54 dự án BOT đang được đề xuất giảm phí, trong đó hầu hết là dự án thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Cũng giống như cao tốc BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cần phải thông tin công khai minh bạch từ đầu tư đến thu phí thực tế để tính toán mức phí bao nhiêu, thời gian thu bao lâu.
Chứ giảm phí cái kiểu như BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chẳng có ích lợi gì cho người dân, việc giảm phí đó chỉ là cách giãn thời gian tức là thu phí kéo dài hơn, trong khi đó càng kéo dài thì lãi xuất ngân hàng tăng. Như vậy về bài toán tổng thể việc giảm giá đó là vô nghĩa.
Cần thiết phải giải quyết tận gốc vấn đề làm rõ như tôi đã nói ở trên chứ không phải anh đưa ra mức giảm đến 90% người dân nghe thì thích đấy, nhưng có thể nói đó là bịp bợm”.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng chỉ ra thực tế hiện nay nhiều chủ đầu tư dự án BOT đang tìm mọi cách chây ì triển khai thu phí tự động.
Trong khi đó, thu tự động sẽ giúp chủ đầu tư thu được 100%, không phải tốn nhân công thu phí, đặc biệt không phải nhận tiền lẻ mất thời gian.
Hiệu quả như vậy sao chủ đầu tư không làm? Câu trả lời là áp dụng thu phí tự động thì chủ đầu tư sẽ không gian lận được nên họ cố tình chây ì, như vậy vừa gian dối tiền thu vừa gian dối thời gian thu.
"Chỉ những dự án BOT có tiêu cực, méo mó, gian lận mới trì hoãn áp dụng thu phí tự động. Cơ quan thanh tra cần phải vào cuộc với những dự án này, đồng thời có chế tài xử lý, dứt khoát phải áp dụng thu phí không dừng đúng theo lộ trình", Luật sư Đức nêu quan điểm
Giảm phí 25% chỉ là chiêu trò “né” dư luận của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Bước đầu các dự án BOT giảm phí cũng là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, giảm giá 25% hay bao nhiêu phần trăm cũng chưa thỏa đáng bởi những dự án này đã công khai minh bạch, đầu tư, thu phí như thế nào đâu.
Cần thiết phải có cơ quan kiểm toán độc lập vào tính toán để biết được cụ thể mỗi dự án BOT được thu phí bao nhiêu, thời gian thu phí bao lâu, chứ thu phí kiểu này và giảm khác gì “đánh bùn sang ao”.
Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã giảm và 54 dự án BOT khác đang đề xuất giảm phí là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, chứ bản thân họ có chủ động giảm đâu, thậm chí họ còn làm ăn gian dối.
Sắp tới việc thu phí tự động được triển khai tại tất cả các trạm BOT, điều này sẽ thuận lợi cho việc công khai minh bạch các dự án BOT.
Đến thời điểm phải áp dụng thu phí tự động, trạm nào không triển khai phải kiên quyết không cho thu phí. Các dự án BOT đó rõ ràng sợ công khai minh bạch, vì đã làm gian dối”.